Văn hóa Sa Huỳnh: Nỗ lực để được công nhận di tích quốc gia đặc biệt

02:05, 24/05/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Hiện nay, tỉnh đã và đang nỗ lực hoàn thiện hồ sơ di sản văn hóa Sa Huỳnh và các hạng mục quan trọng trình Bộ VH-TT&DL công nhận di tích quốc gia đặc biệt.

TIN LIÊN QUAN

Qua nhiều lần khai quật, các nhà khảo cổ học đã chứng minh văn hóa Sa Huỳnh là văn hóa khảo cổ thuộc thời đại kim khí. Không gian phân bố rộng, từ phía bắc Quảng Bình vào đến phía nam Bình Thuận, từ triền đông Trường Sơn liền với Tây Nguyên vươn ra các đảo gần bờ, như Cù Lao Chàm (Quảng Nam), Cù lao Ré (Lý Sơn), Bình Ba (Khánh Hòa), Phú Quý (Phan Thiết), Thổ Chu (Kiên Giang)… Tuy nhiên, các nhà khảo cổ học đều có chung nhận định: Trung tâm văn hóa Sa Huỳnh vẫn là ở Quảng Ngãi, Quảng Nam và phía bắc Bình Định.      

Những giá trị đặc biệt

Đầu thế kỷ XX, các nhà khảo cổ học đã có phát hiện đầu tiên về văn hóa Sa Huỳnh tại làng Sa Huỳnh (Quảng Ngãi). Quần thể ba địa điểm di tích khảo cổ Long Thạnh, Phú Khương và Thạnh Đức (Đức Phổ) được tìm thấy nhiều hiện vật có giá trị văn hóa lịch sử đặc biệt.

Đồng thời, đây còn là nơi tìm thấy giai đoạn sớm thuộc sơ kỳ đồng thau phát triển trực tiếp lên Sa Huỳnh sơ kỳ sắt. Điều này chứng minh văn hóa Sa Huỳnh là văn hóa khảo cổ có nguồn gốc tính bản địa, hình thành, phát sinh, phát triển ngay trên dải đất miền Trung Việt Nam, chứ không phải du nhập từ bên ngoài.

Gò Ma Vương, thôn Long Thạnh 2, xã Phổ Thạnh (Đức Phổ), nơi lưu giữ nhiều di vật của văn hóa Sa Huỳnh.    Ảnh: TRẦN CAO DUYÊN
Gò Ma Vương, thôn Long Thạnh 2, xã Phổ Thạnh (Đức Phổ), nơi lưu giữ nhiều di vật của văn hóa Sa Huỳnh. Ảnh: TRẦN CAO DUYÊN


Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Dũng cho rằng, hồ sơ thuyết minh các di tích Sa Huỳnh (Long Thạnh, Phú Khương, Thạnh Đức) đã làm rõ mối quan hệ giao lưu văn hóa trong thời đại kim khí của trung tâm văn hóa Sa Huỳnh với các trung tâm văn hóa khác ở khu vực Đông Nam Á, như Đông Sơn, bản Chiềng và vùng hải đảo Đông Nam Á, chứng minh Di tích văn hóa Sa Huỳnh có những giá trị đặc biệt, đáp ứng tiêu chí, để xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt. Chính vì vậy, thời gian qua, tỉnh đã nỗ lực để hoàn thiện hồ sơ trình Bộ VH-TT&DL công nhận văn hóa Sa Huỳnh là di tích quốc gia đặc biệt.

Gấp rút hoàn thiện điểm đến

Để giá trị văn hóa Sa Huỳnh được bảo tồn và phát huy, tỉnh đã sớm phê duyệt và triển khai Dự án Bảo tồn và phát huy giá trị khu di tích khảo cổ Sa Huỳnh từ năm 2011. Đến năm 2014, Dự án đã hoàn thành phần xây dựng cơ bản và đã được nghiệm thu kỹ thuật theo quy định. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố khách quan lẫn chủ quan, nhà trưng bày văn hóa Sa Huỳnh chưa thể đi vào hoạt động.

Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Cao Văn Chư, cho hay: Văn hóa Sa Huỳnh tự thân nó đã có giá trị đặc biệt, nhưng phải làm cách nào để giá trị này được bảo tồn và phát huy, nhằm thu hút khách tham quan. Việc xây dựng nhà trưng bày ngay khu vực khai quật di tích khảo cổ Gò Ma Vương là cần thiết và hợp lý.

Tuy nhiên, nhà trưng bày này phải hội đủ điều kiện để mọi người thấy được văn hóa Sa Huỳnh một cách tổng quan, đặc điểm riêng và cảm nhận được giá trị văn hóa đặc biệt đó thì mới thu hút được du khách.

Đồ gốm thuộc văn hóa Sa Huỳnh.               ẢNH: TRƯỜNG AN
Đồ gốm thuộc văn hóa Sa Huỳnh. ẢNH: TRƯỜNG AN


Mấy năm qua, nhà trưng bày đã xây dựng hoàn thành, nhưng còn thiếu nhiều hạng mục quan trọng, nên chưa thể đưa vào hoạt động. Đến nay, có một số hạng mục đã xuống cấp. Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh (chủ đầu tư dự án) Nguyễn Phúc Nhân, cho biết: Ban đã tổ chức kiểm tra công trình và chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương sửa chữa hoàn thiện công trình; yêu cầu đơn vị thi công nhanh chóng thiết kế điều chỉnh nhà bao che hố khai quật, để đơn vị thi công hoàn thành đúng tiến độ; kiểm tra và thay các thiết bị điện, nước, đèn, sân vườn, sơn và áp lại đá granite tại một số vị trí bị hư hỏng, trồng hoa, cắt tỉa cây xanh xung quanh khuôn viên...

Đồng thời, đề nghị Công ty CP Đoàn Ánh Dương kiểm tra hoàn thiện toàn bộ 2 hố khai quật và hồ sơ; Bảo tàng Tổng hợp tỉnh hoàn thành các nội dung văn bia, bản trích và thực hiện trưng bày nội thất tại nhà trưng bày nội thất bổ sung của dự án; chuẩn bị nhân lực, để tiếp nhận công trình đưa vào sử dụng. Theo ông Nhân, dự án Khu di tích Khảo cổ Sa Huỳnh đưa vào hoạt động vào tháng 7 tới, gắn với hoạt động Tuần lễ Văn hóa biển, đảo năm 2017.

Dự án đưa vào hoạt động sẽ là hạt nhân, để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Sa Huỳnh, là cơ sở để chứng minh văn hóa Sa Huỳnh có giá trị di tích quốc gia đặc biệt và tiến đến xây dựng hồ sơ di sản văn hóa thế giới.

TRƯỜNG AN


 


.