Trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật

02:05, 20/05/2017
.

Cố nhà thơ Xuân Quỳnh là một trong 18 tác giả (đồng tác giả) được công nhận “Giải thưởng Hồ Chí Minh” về văn học, nghệ thuật trong đợt này. Cùng với “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, có 95 tác giả (đồng tác giả) có tác phẩm, công trình được Chủ tịch nước trao tặng “Giải thưởng Nhà nước” về văn học, nghệ thuật.

Hôm nay (ngày 20/5), Lễ trao tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước” về văn học, nghệ thuật” năm 2016 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức đã diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
 

Chủ tịch nước Trần Đại Quang phát biểu tại lễ trao tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước” về văn học, nghệ thuật.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang phát biểu tại lễ trao tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước” về văn học, nghệ thuật.


Chủ tịch nước Trần Đại Quang phát biểu: “Sự nghiệp Cách mạng của Đảng và dân tộc đang đứng trước tiền đồ hết sức vẻ vang nhưng cũng phải đối mặt với những khó khăn, thách thức mới. Quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng, giao lưu văn hóa, sự bùng nổ của các phương tiện truyền bá, sản phẩm văn hóa đã, đang và sẽ ảnh hưởng cả tích cực lẫn tiêu cực đến đời sống văn học, nghệ thuật. Trong khi đó các thế lực thù địch, phản động tiếp tục gia tăng hoạt động diễn biến hòa bình nhằm kích động tự diễn biến, tự chuyển hóa trên lĩnh vực tư tưởng, văn học, nghệ thuật”.

“Với tình hình đó, đòi hỏi đội ngũ văn nghệ sĩ nước nhà tiếp tục quán triệt sâu sắc thực hiện có hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về văn học, nghệ thuật, trọng tâm là Nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị khóa X về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật thời kì mới, Nghị quyết hội nghị lần 9, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, tập trung, đổi mới phương thức hoạt động của các hội văn học nghệ thuật nhằm tập hợp, tạo điều kiện để văn nghệ sĩ bám sát thực tiễn của đất nước, gắn bó với cuộc sống của nhân dân, phấn đấu sáng tác nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, có tác dụng to lớn, xây dựng con người vừa mang định hướng, vừa đáp ứng nhu cầu văn hóa ngày càng cao của các tầng lớp nhân dân, khích lệ, động viên các nhân tố mới tiến bộ, lên án, phê phán cái xấu, cái ác đang cản trở sự phát triển của đất nước và con người Việt Nam”, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh.

 GT.TS Trần Đại Quang - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước trao tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh” về văn học, nghệ thuật cho đại diện gia đình cố nhà thơ Xuân Quỳnh.
GT.TS Trần Đại Quang - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước trao tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh” về văn học, nghệ thuật cho đại diện gia đình cố nhà thơ Xuân Quỳnh.


Năm nay, 18 tác giả (đồng tác giả) có tác phẩm, công trình được Chủ tịch nước tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, có 95 tác giả (đồng tác giả) có tác phẩm, công trình được Chủ tịch nước tặng “Giải thưởng Nhà nước”.

 

Ông Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương trao “Giải thưởng Nhà nước” về văn học, nghệ thuật.
Ông Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương trao “Giải thưởng Nhà nước” về văn học, nghệ thuật.

 

Ông Vũ Đức Đam - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ trao “Giải thưởng Nhà nước” về văn học, nghệ thuật.
Ông Vũ Đức Đam - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ trao “Giải thưởng Nhà nước” về văn học, nghệ thuật.


Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện đã báo cáo tổng kết công tác xét tặng: Năm nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã nhận được 31 hồ sơ đề nghị xét tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh” và 209 hồ sơ đề nghị xét tặng Giải thưởng Nhà nước của 21 Hội đồng cấp cơ sở của 09 Hội Văn học, nghệ thuật chuyên ngành Trung ương và 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
 

Ông Nguyễn Ngọc Thiện - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo, tổng kết quá trình xét tặng các giải thưởng.
Ông Nguyễn Ngọc Thiện - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo, tổng kết quá trình xét tặng các giải thưởng.


Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức 09 Hội đồng chuyên ngành: Âm nhạc, Sân khấu, Múa, Điện ảnh, Mỹ thuật, Nhiếp ảnh, Kiến trúc, Văn học và Văn nghệ dân gian. Kết quả có 25 hồ sơ đề nghị xét tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh” và 133 hồ sơ đề nghị xét tặng “Giải thưởng Nhà nước” đạt từ 90% số phiếu đồng ý trở lên của tổng số thành viên Hội đồng, đủ điều kiện trình Hội đồng cấp Nhà nước.

Hội đồng cấp Nhà nước đã họp phiên toàn thể do Chủ tịch Hội đồng chủ trì. Kết quả có 18 hồ sơ đề nghị xét tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh” và 95 hồ sơ đề nghị xét tặng “Giải thưởng Nhà nước” đạt từ 90% số phiếu đồng ý trở lên của tổng số thành viên Hội đồng cấp Nhà nước, đủ điều kiện trình Thủ tướng Chính phủ xét trình Chủ tịch nước tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước” về văn học, nghệ thuật.

Trong quá trình xét tặng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch với vai trò là cơ quan thường trực Hội đồng cấp Nhà nước đã nỗ lực cao nhất trong thực thi trách nhiệm của mình, minh bạch, công khai, đảm bảo các quyền lợi chính đáng cho các tác giả, tác phẩm.

18 tác giả, đồng tác giả được trao tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh” về văn học, nghệ thuật bao gồm: Tác giả Lê Ngọc Canh, Doãn Nho (Ánh Quyên, Bun Nho), Chu Thúy Quỳnh, Trần Đình Ngôn, Nguyễn Thế Khoán, Nguyễn Trọng Bằng, cố tác giả Nguyễn Thị Xuân Quỳnh, cố tác giả Hà Đức Trọng (Thu Bồn), cố tác giả Nguyễn Xuân Thiều,…

Các tác giả, đồng tác giả được trao tặng “Giải thưởng Nhà nước” về văn học, nghệ thuật bao gồm: Đào Bá Sơn, Phạm Nhuệ Giang, Nguyễn Hoàng Chương (Nguyễn Đăng Chương), Nguyễn Minh Chuyên, Nguyễn Quang Thiều (Hoàng Lê), Nguyễn Văn Vinh (Quang Vinh),…

 

Các hồ sơ đề nghị xét tặng giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật đều được thực hiện qua 03 cấp Hội đồng: Hội đồng cấp cơ sở, Hội đồng chuyên ngành, Hội đồng cấp Nhà nước.

Các tác giả chỉ phải nộp 01 bộ hồ sơ duy nhất từ Hội đồng cấp cơ sở. Hồ sơ đề nghị xét tặng Giải thưởng được Hội đồng cấp cơ sở gửi lên Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước; việc sao lưu hồ sơ tại các cấp Hội dồng do đơn vị thực hiện. Quy định này giảm thiểu phiền hà cho các tác giả; đảm bảo thực hiện cải cách hành chính theo quy định.

 

Theo Phương Nhung/Dân Trí

 


.