Phạm Đăng Khương, nhạc sĩ đa tài

06:05, 06/05/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Sinh ra và lớn lên tại thị trấn Chợ Chùa (Nghĩa Hành), Phạm Đăng Khương luôn ước mơ trở thành một anh giáo làng, nhưng rồi duyên phận đã đưa anh đến với con đường âm nhạc. Bằng tài năng vốn có, cùng với sự dìu dắt của các thế hệ nhạc sĩ đi trước đã giúp anh thành công trên con đường âm nhạc.

Không chỉ được biết đến với vai trò là nhạc sĩ, mà Phạm Đăng Khương còn là người chép hàng chục nghìn bản nhạc bằng máy tính cho các nhạc sĩ. Mới đây, ông còn được nhiều người biết đến với cuốn sách đầu tay được ông viết trong những chuyến đi Mỹ...

Thầy giáo bén duyên với âm nhạc

Tốt nghiệp cấp 3, Phạm Đăng Khương vào TP.Hồ Chí Minh học ngành Sư phạm Toán. Nhưng rồi, do có năng khiếu và niềm đam mê âm nhạc, chàng sinh viên trẻ Phạm Đăng Khương đã tham gia vào hầu hết các chương trình ca hát của giới sinh viên, thanh niên. Anh sớm gia nhập CLB Sáng tác trẻ của Thành đoàn tại Nhà Văn hóa thanh niên TP.HCM. Tại đây, anh như gặp được mảnh đất màu mỡ để gieo hạt mầm âm nhạc. Anh sáng tác nhiều hơn và liên tục tham gia vào các hoạt động ca hát của giới sinh viên lúc bấy giờ.

Nhạc sĩ Phạm Đăng Khương chia sẻ về cuộc đời và sự nghiệp sáng tác âm nhạc.
Nhạc sĩ Phạm Đăng Khương chia sẻ về cuộc đời và sự nghiệp sáng tác âm nhạc.


Khoảng thời gian ấy, vì dành phần lớn thời gian cho âm nhạc, nên việc học của anh sa sút. "Tưởng chừng như không thể nào vượt qua nổi, nhưng cứ mỗi lần định buông xuôi thì hình ảnh bố mẹ và các em ở quê nhà lại hiện lên, trở thành động lực để tôi hoàn thành việc học”, Phạm Đăng Khương tâm sự. Tuy nhiên, sau khi ra trường, anh không đi dạy mà trở thành một nhạc sĩ. Và ca khúc “Con đường đến trường” của anh được ca sĩ Minh Thuận biểu diễn đã được giới trẻ và người yêu âm nhạc đón nhận.

Chép hàng chục nghìn bản nhạc

Nhạc sĩ Phạm Đăng Khương là người rất đa năng. Anh vừa có thể sáng tác nhạc, vừa là đạo diễn rồi kiêm luôn công việc quay phim, thu âm, biên tập, dàn dựng và viết cả lời bình. Anh nhớ lại, những năm 80 của thế kỷ trước, kỹ thuật in ấn, vi tính chưa phát triển, để in một bản nhạc, nhạc sĩ và nhà xuất bản phải mướn người chép lại cho đẹp. Lúc bấy giờ, ông vừa biết nhạc, lại khéo tay nên được nhiều nơi nhờ viết. Trong đó có hàng trăm ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn... Cuối năm 1991, Sài Gòn bắt đầu truyền nhau phần mềm Laser music processor (LMP) giúp người ta chép nhạc trên máy, nhanh hơn, tiện hơn, thế là anh khăn gói đi học và đã thành công trong lĩnh vực này. Đến nay, nhạc sĩ Phạm Đăng Khương đã chép hàng chục nghìn bản nhạc bằng máy tính lẫn viết tay.

Mặc dù sinh sống tại TP. Hồ Chí Minh từ thời sinh viên đến giờ, nhưng Phạm Đăng Khương vẫn luôn dành tình cảm đặc biệt cho quê nhà. Anh đã có không ít ca khúc sáng tác về Nghĩa Hành như: “Nghĩa Hành quê ta đó”, “Tiếng hát từ quê hương Nghĩa Minh”, “Tình quê Nghĩa Hành”... Không chỉ Nghĩa Hành mà Phạm Đăng Khương còn có nhiều ca khúc về Quảng Ngãi như: “Về với Sông Trà”, “Về đây Quảng Ngãi” (thơ Vũ Duyên), “Thương dòng Trà Giang” (thơ Khưu Trí Dư)...


Bài, ảnh: DUY HÙNG

 


.