Năng lực quản trị - nhìn từ cấp phép bài hát

02:05, 24/05/2017
.

Những phản ứng của dư luận với Cục Nghệ thuật biểu diễn cho thấy cần đổi mới mạnh mẽ tư duy, cách thức quản lý, nâng cao năng lực quản trị của các cơ quan nhà nước.
 

 

Nhạc sĩ Văn Cao và tác phẩm "Tiến quân ca" - Quốc ca của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Nhạc sĩ Văn Cao và tác phẩm "Tiến quân ca" - Quốc ca của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

 

Hiện đang có những ý kiến khá gay gắt xung quanh việc Cục Nghệ thuật biểu diễn cập nhật các ca khúc đã phổ biến rộng rãi, trong đó có cả bài Tiến quân ca – Quốc ca của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Ngay sau đó, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chấn chỉnh việc cấp phép phổ biến tác phẩm âm nhạc và hoạt động biểu diễn nghệ thuật.
 
Cụ thể, Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động biểu diễn nghệ thuật, đề xuất sửa đổi phù hợp với yêu cầu phát triển.
 
Các bài hát đã trở nên quen thuộc, phổ biến trong thực tế, nếu không có nội dung ca từ trái với thuần phong mỹ tục, xâm phạm lợi ích quốc gia thì không cần cấp phép phổ biến, không phụ thuộc vào địa điểm, thời gian sáng tác.
 
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tăng cường chỉ đạo, chấn chỉnh, nâng cao năng lực quản lý, thực thi pháp luật của Cục Nghệ thuật biểu diễn.
 
Mặc dù Cục này đã lên tiếng giải thích, rằng việc thực hiện rà soát, cập nhật, bổ sung danh mục các ca khúc đã phổ biến rộng rãi trên trang thông tin điện tử cucnghethuatbieudien.gov.vn gây hiểu nhầm trong dư luận là cấp phép phổ biến cho các ca khúc cách mạng. Vị Cục trưởng cũng đã lên tiếng xin lỗi. Nhưng điều này không thay đổi được một thực tế là cách thức quản lý của đơn vị này đang rất có vấn đề.
 
PGS, TS. Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương cho rằng Cục Nghệ thuật biểu diễn đang tư duy theo lối cũ rất cũ, thậm chí là không đúng. Các tác phẩm văn học nghệ thuật sẽ tồn tại hay đào thải, được xã hội đón nhận, ngợi ca, trân trọng, lưu truyền hoặc bị dửng dưng, quên lãng, thậm chí bị chê bai, “ném đá”, lên án bởi giá trị thật và khách quan của chính tác phẩm ấy.
 
Một nguyên tắc căn bản trong một xã hội pháp quyền là công dân được làm tất cả những gì pháp luật không cấm. Đi cùng nguyên tắc đó là cách thức quản lý hiện đại mà trong nhiều lĩnh vực các cơ quan quản lý đã áp dụng.
 
Điển hình nhất, Quốc hội đã ban hành Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp năm 2014 mà thay đổi quan trọng, đột phá nhất là từ “chọn-cho” (nghĩa là cái gì cho phép thì ghi trong Luật) chuyển sang “chọn-bỏ” (những gì cấm, không được phép làm thì mới ghi vào Luật). Tinh thần là doanh nghiệp được tự do kinh doanh tất cả những gì pháp luật không cấm.
 
Cùng với đó là cách thức quản lý chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Theo đó, trừ một số trường hợp đặc biệt, các tổ chức, cá nhân cứ làm mọi việc, còn các cơ quan chức năng sẽ kiểm tra sau, cả xã hội sẽ cùng tham gia giám sát, nếu vi phạm sẽ xử lý nghiêm.
 
Do đó, nhiều ý kiến đã cho rằng, thay vì việc cấp phép lưu hành cho từng bài hát, cần chuyển sang công bố những bài hát bị cấm trong trường hợp ca từ trái với thuần phong mỹ tục, xâm phạm lợi ích quốc gia. Thực tế cho thấy cách thức cấp phép lưu hành từng bài hát như lâu nay vừa “không xuể”, vừa không có tác dụng (theo mục đích của cơ quan quản lý) bởi có biết bao nhiêu bài hát trên đời, chưa kể ngày nay còn có những bài hát từ nước ngoài nữa?
 
Trong khi đó, những tác phẩm văn học nghệ thuật đích thực là bất tử mà không cần đến một tờ giấy phép, giấy công nhận lưu hành nào. Liệu có giấy phép nào đủ thẩm quyền để quyết định số phận những bài hát, những tác phẩm đã đi cùng Tổ quốc, cùng nhân dân suốt cuộc trường chinh và đã đi vào bất tử - những bài hát như “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” và đặc biệt là bài “Tiến quân ca”?
 
Nhìn rộng hơn, với vô số tác phẩm trong các loại hình văn học nghệ thuật đa dạng, cơ quan nào có thể đủ lực lượng đi kiểm tra từng tác phẩm để xem nó có được lưu hành hay không? Nói như PTS. TS Nguyễn Thế Kỷ, việc này như "ngồi bên biển đi đếm dã tràng". Tất nhiên, khi xuất bản – tức là cho ra đời các ấn phẩm với số lượng lớn - lại là một chuyện khác. Văn học nghệ thuật là một lĩnh vực nhạy cảm, cần có sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của nhà nước, nhưng cách thức quản lý cần đổi mới mạnh mẽ. 
 
Tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp mới đây, người đứng đầu Chính phủ đã đặc biệt nhấn mạnh phải tiếp tục nâng cao năng lực quản trị của nhà nước và của doanh nghiệp để tương thích với yêu cầu phát triển nền kinh tế trong giai đoạn hiện nay và xu hướng tương lai. “Không cho phép những tồn tại yếu kém về năng lực quản trị kìm hãm sự năng động của nền kinh tế, tạo nên những trì trệ trong phát triển kinh tế và giải phóng nguồn lực xã hội”.
 
Tinh thần nói trên phải được các cấp, các ngành và mọi cán bộ, công chức quán triệt và thực thi trong từng công việc, đặc biệt trong xây dựng thể chế, để mọi người dân có thể phát huy tối đa năng lực, sở trường, đổi mới sáng tạo, nỗ lực phấn đấu vì sự phát triển thịnh vượng, vì cuộc sống tốt đẹp hơn của từng người và đóng góp nhiều hơn cho đất nước.
 
Hà Chính/Chinhphu.vn

.