Làm pháp sư trên đất đảo

09:05, 07/05/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có 7 đời làm pháp sư trong Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa, pháp sư Nguyễn Nữ (tên thật là Nguyễn Trung Thành, 80 tuổi) ở thôn Tây, xã An Hải (Lý Sơn) đã được người cha ruột tiếp tục truyền nghề.

TIN LIÊN QUAN

Mặc dù tuổi đã cao, nhưng pháp sư Nguyễn Nữ vẫn còn minh mẫn. Khi nói đến việc gắn bó với “nghề”, đôi mắt của ông sáng hẳn lên. Bởi với ông, đó không chỉ là một cái “nghề” mà là sự cống hiến, sẻ chia, tri ân với ông bà tổ tiên, các tộc họ, các hùng binh Hoàng Sa. Pháp sư Nguyễn Nữ kể, từ nhỏ ông đã được tận mắt chứng kiến lễ khao lề thế lính Hoàng Sa trên quê hương của mình. Năm 20 tuổi, ông theo cha làm thầy pháp.

Ông Nguyễn Nữ được ông bà kể lại, từ thời vua Gia Long, tổ tiên của ông đã vinh dự được làm pháp sư tại lễ chiêu hồn. Thông qua chính sử triều Nguyễn, cho thấy vua Gia Long có sự quan tâm đặc biệt  đối với các vùng biển đảo. Vị vua này tiếp tục kế thừa kinh nghiệm quản lý của các triều đại trước, bằng việc lập lại đội Hoàng Sa từng được các chúa Nguyễn và triều Tây Sơn liên tục thực hiện.

Pháp sư trong Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa năm 2017 tại đình làng An Vĩnh (Lý Sơn).
Pháp sư trong Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa năm 2017 tại đình làng An Vĩnh (Lý Sơn).


Năm 1815, thực hiện lệnh vua, Phạm Quang Ảnh là cai đội đã chỉ huy các thủy thủ của đội Hoàng Sa tiến hành việc thăm dò đường biển từ Quảng Ngãi ra đến các quần đảo nằm trên Biển Đông. Ngay năm sau (1816), vua Gia Long đã cho kết hợp giữa lực lượng thủy quân nhà nước với đội dân binh địa phương (đội Hoàng Sa) để làm nhiệm vụ thẩm tra, xem xét, đo đạc hải trình mà trước đó các hùng binh Hoàng Sa đã thực hiện. Sau chuyến đi năm 1815, cai đội Phạm Quang Ảnh còn đi nhiều chuyến ra Hoàng Sa, mỗi năm khởi hành vào tháng 2 (ÂL) và đến tháng 8 (ÂL) về đến bờ.

Tương truyền, trong một lần ra khơi, cai đội Phạm Quang Ảnh đã mất tích. Vua Gia Long đã ra đảo Lý Sơn làm lễ chiêu hồn cho các tử sĩ. Do không ai tìm được xác của ông và đồng đội, thầy phong thuỷ trong đoàn tùy tùng của nhà vua đã sai dân chúng lên núi Giếng Tiền lấy đất sét để thầy nặn đất thành hình người, cúng chiêu hồn trong một đêm, rồi làm lễ an táng. Cai đội Phạm Quang Ảnh được chôn đầu tiên, kế tiếp là 24 người lính đội Hoàng Sa. Tất cả gồm 25 ngôi mộ gió được xếp thành một hàng dài. Kể từ đó, dân đảo Lý Sơn có tục đắp mộ gió cho người đi biển bị chết mất xác.

Sau này, các binh phu đi Hoàng Sa, Trường Sa bị tử nạn cũng được thực hiện nghi lễ tương tự. Cũng từ đó, vai trò của thầy pháp ngày càng được chú trọng. Bởi hằng năm vào tháng 2, tháng 3 âm lịch, người Lý Sơn làm lễ khao lề thế lính Hoàng Sa. Hầu hết các tộc họ trên đảo có người đăng lính Hoàng Sa, Trường Sa đều thực thi lễ thức này. Không biết lễ thức này có tự bao giờ, nhưng chắc hẳn nó chỉ có khi đội Hoàng Sa gánh vác sứ mệnh lịch sử thiêng liêng trên Biển Đông mà chúa Nguyễn và sau này là nhà Nguyễn giao phó.

“Khao lề chỉ là lệ khao định kỳ hằng năm, nhưng thế lính lại là nghi lễ tế sống, mang đậm yếu tố tâm linh nhằm thế mạng cho người đi lính, bởi ai cũng hiểu người đi lính Hoàng Sa sẽ phải đối mặt với nhiều hiểm nguy không thể nói trước”, tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ- Giám đốc Sở VH-TT&DL cho hay. Có lẽ vì vậy mà trong dân gian mới có câu: "Hoàng Sa trời nước mênh mông/ Người đi thì có mà không thấy về/ Hoàng Sa mây nước bốn bề/ Tháng 2 khao lề thế lính Hoàng Sa".

Dẫu vậy, người dân nơi đây vẫn luôn hy vọng. Vì thế, nên trước khi ra đi, cùng với việc tộc họ bàn soạn lễ vật xanh tươi, hương đăng tỏa rạng, thầy pháp sẽ nặn hình nhân thế mạng bằng bột gạo, hoặc bằng đất sét. Hình nhân thế mạng sẽ được đặt cạnh linh vị đã ghi tên tuổi người đi lính Hoàng Sa. Trong khói hương nghi ngút, lời phù chú được đọc lên trên nền nhạc bát âm hoặc ngũ âm xen lẫn tiếng mõ thị uy của thầy phù thủy với áo thụng đỏ, mũ tam sơn sẽ diễn ra trong suốt 2 ngày. Bên cạnh hình nhân và linh vị là người đi lính Hoàng Sa. Người lính ấy luôn đứng hầu thần suốt buổi tế bằng chính niềm tin là lời nguyện cầu của chính mình, của tộc họ sẽ thấu suốt đấng linh thiêng và ngón nghề ấn quyết của thầy pháp sẽ xua được tà ma, quỷ ám trên dặm dài sóng nước.

Nếu như trước đây, thầy pháp với vai trò dâng lễ vật cho chủ, phân binh và phát diêm mễ được thực hiện trong 2 tiếng đồng hồ, thì ngày nay đã được rút ngắn và chỉ còn phân nửa thời gian. Tùy theo quy mô của lễ mà có từ 1-3 thầy pháp. Hiện nay, số người biết làm thầy pháp bài bản trên đất đảo rất ít. “Trong những lần điền dã, gặp gỡ các bậc tiền bối trên đất đảo, tôi có dịp được nghe kể về pháp sư Nguyễn Nữ- là đời thứ 7 trong dòng tộc làm pháp sư trên đảo Lý Sơn. Tuy nhiên, ông đã vào Đồng Nai lập nghiệp từ năm 1980. Vì vậy, năm 2005, tôi đã nhờ ông về làm pháp sư tại Âm linh tự và các lễ khao lề sau này”, tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ cho biết.

Từ năm 2014 đến nay, pháp sư Nguyễn Nữ không còn thực hiện lễ thức trong lễ khao lề thế lính Hoàng Sa ở đình làng An Vĩnh, nhưng đến ngày 16.3 (ÂL) hằng năm ông vẫn về tham dự với tư cách là người con của quê hương tri ân các hùng binh Hoàng Sa.


Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG


 


.