Câu chuyện về "trái tim Dung Quất"

09:04, 30/04/2017
.
Thanh Thảo
 

(Baoquangngai.vn)- Hồi nhỏ tôi đi học, có một trích đoạn văn học được đưa vào sách giáo khoa đã làm đám trẻ nhỏ chúng tôi mê mẩn. Đó là trích đoạn “Trái tim Danko” lấy từ truyện vừa “Bà lão Idecghin” của văn hào Nga Marxim Gorki. Chàng Danko vĩ đại vì muốn cứu một cộng đồng đã móc lồng ngực của mình lấy trái tim làm ngọn đuốc soi đường cho cả cộng đồng thoát khỏi khu rừng rậm chết chóc. 
 
Có một câu trong bản trường ca bất tử ấy đã ám ảnh chúng tôi bao nhiêu năm trời: “Trái tim Danko cháy sáng rực như mặt trời, sáng hơn mặt trời, và cả khu rừng im lặng, sáng lên dưới ngọn đuốc của lòng yêu thương vĩ đại đối với mọi người”.
 
Khi muốn viết một bài ca về nhà máy lọc dầu Dung Quất, sẽ là phần lời cho một bản hợp xướng của nhà thơ-nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha, không hiểu sao tôi đã quyết định chọn đầu đề cho bản hợp xướng này là “Trái tim Dung Quất”. Có lẽ, tôi muốn bản hợp xướng này như một bản tụng ca, ca ngợi những con người dũng cảm, ca ngợi một nhân dân dũng cảm và đầy hy sinh, chứ không chỉ ca ngợi một con người dũng cảm đơn độc nào. Bởi thời đại của một anh hùng đơn lẻ như Danko đã qua, bây giờ là thời đại của những anh hùng bình dị, của nhân dân bình dị, những người đã giữ chặt trái tim trong lồng ngực để phấn đấu lao động hết mình vì đất nước.  
 
Bản thân công cuộc xây dựng nhà máy lọc dầu Dung Quất đã là một bản anh hùng ca về lao động, về sự hy sinh, về tình yêu của con người với đất nước mình. Có thể rồi chúng ta sẽ có nhiều nhà máy lọc dầu ở Việt Nam, nhưng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất là nhà máy đầu tiên, nhà máy lọc dầu số 1. Có thể nói trước đó chúng ta chưa biết hình hài một nhà máy lọc dầu là như thế nào. 
 
Tôi cũng vậy. Tôi cũng đã từng khao khát, đã chờ đợi, đã hy vọng rồi thất vọng vì ngót 10 năm sau lễ khởi công mà vẫn chưa thấy được hình hài của “nhà máy lọc dầu số 1” đâu cả. Đó cũng là tâm trạng của rất nhiều người. Ai cũng biết, xây dựng được một nhà máy lọc dầu vĩ đại như thế là một sự nghiệp vô cùng khó khăn, nhưng ai cũng muốn nó thành hiện thực.
 
Khát vọng đó là chính đáng. Cả sự sốt ruột về điều đó, nếu có, cũng là chính đáng. Vì thế, khỏi phải nói chúng tôi đã vui mừng háo hức như thế nào khi nhà máy lọc dầu Dung Quất thành hình, rồi tới khi nó được khánh thành và chính thức đi vào hoạt động, cho ra những dòng dầu đầu tiên. 
 
Khi nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha đề nghị tôi cùng hợp tác với anh để sáng tác một bản hợp xướng về Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, tôi đã lập tức nhận lời. Dĩ nhiên, công việc của tôi là sáng tác phần lời cho bản hợp xướng. Cũng nói thật, tôi là người khá mù mờ về nhạc lý, do hồi nhỏ lười không chịu học nhạc, nhưng anh Thụy Kha biết tôi là người rất mê nghe âm nhạc, đặc biệt là nhạc cổ điển. Dù mình có ngu, thì nghe nhiều quá rồi cũng hấp thụ được chút đỉnh. Rất nhiều bản trường ca của tôi đã được sáng tác dựa trên cấu trúc về âm nhạc, cổ điển và hiện đại. Vì thế, viết lời cho một bản hợp xướng không phải là chuyện quá xa lạ với tôi. 
 
Cái ngày tôi với nhạc sĩ Thụy Kha về Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, chúng tôi đã không phiền tới nhà máy lọc dầu phải đón đưa hay chiêu đãi. Chúng tôi đã nhờ xe của văn phòng quốc hội tại Quảng Ngãi đưa giúp. Anh Lê Văn Sáu hồi đó đang làm ở văn phòng đoàn quốc hội Quảng Ngãi đã dẫn đường cho chúng tôi tới với Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. 
 
Khi tới nhà máy, điều anh Kha hỏi đầu tiên với một kỹ sư nhà máy có nhiệm vụ hướng dẫn chúng tôi, là nhà máy được xây dựng trên mấy cao trình. Khi được trả lời là 3 cao trình, độ cao từng cao trình được anh kỹ sư nói rõ, anh Kha đã ghi ngay vào sổ tay của mình, và gật gù. Tôi biết, anh Kha đã tìm ra chìa khóa cho bản hợp xướng này rồi.
 
Riêng tôi, thì từ trong im lặng, tôi cũng có cảm giác mình đã “xong” phần lời cho hợp xướng này. 
 
Phần lời ấy, sau khi về nhà, đã được tôi viết “ngay và luôn”, chỉ trong vòng 30 phút. Nhưng để có 30 phút tưởng như dễ dàng ấy, tôi đã có…10 năm chờ đợi, nhiều khi cũng hơi bị khắc khoải. Chính sự chờ đợi có phần khắc khoải ấy đã giúp tôi viết thật nhanh phần lời cho hợp xướng này. Và đầu đề chắc chắn là “Trái tim Dung Quất”. Nhạc sĩ Thụy Kha hoàn toàn nhất trí với tôi về tựa đề này. Có lẽ vì anh Kha cũng đã từng học trích đoạn “Trái tim Danko” như tôi. 
 
Với một bản hợp xướng, thì phần lời của nó phải giải quyết được sự tương hợp giữa phần lĩnh xướng và phần bè, phần phức điệu. Với phần lĩnh xướng, tôi đã có hình ảnh “người mẹ nghèo gánh củi dương chiều xuống/ bóng gầy gò thấm mờ cát bỏng”. Người mẹ ấy ở quê biển Bình Sơn mà tôi từng gặp khi tới thăm khu chứng tích Vạn Tường. Dĩ nhiên, phần bè sẽ phải là:
 
“Những nông dân xưa quần nhau với giặc
Vạn Tường Vạn Tường
giờ lặng lẽ rời ruộng vườn nhà cửa
nhường mênh mông nhà máy lọc dầu 
nhường lòng sâu thì thào xương máu
sáu trăm năm ông cha mở đất”
 
Không có người mẹ nghèo với gánh củi dương ấy, không có những người nông dân-du kích Vạn Tường đã hy sinh từ ngày xưa tới bây giờ  ấy, thì làm sao có nhà máy lọc dầu Dung Quất?
 
Về chi tiết “ba cao trình” mà anh Thụy Kha hỏi, tôi đã đưa vào trong phần lời như một điểm nhấn: 
 
“Sừng sững hôm nay ba cao trình chất ngất
ba bước tới miền Trung khó nhọc
ba bước gió thênh thang trời xanh”
 
Chuyển được tới “ba bước gió thênh thang trời xanh” thì coi như phần lời cho hợp xướng đã hình thành. Bây giờ chỉ là phần phát triển, và phần kết. Tôi không bao giờ quên được những người anh người chị đã từng gắn bó với nhà máy lọc dầu từ khi nó còn là bãi chăn thả trâu bò. Những con người ấy, dù nay đang còn hay đã khuất, những đóng góp cống hiến của họ cho nhà máy số 1 Việt Nam này là vô giá:
 
“Không một ai bị lãng quên
trái tim Dung Quất
 
lưng tựa Trường Sơn thảng thốt
mắt đăm đắm Trường Sa muối xót
lòng rưng rưng những con tàu chở dầu
 
những hơi thở tìm nhau
sắt thép bừng bừng mở hội
giọt mồ hôi trong veo ngày mới
những mặt người căng gió nam non
những cánh tay xoè bật lửa hàn
xé toang bóng tối
 
trái tim Dung Quất
chuyển núi dời sông
lọc máu hồng
nuôi tươi thắm cầu vồng đất nước”
 
“Không một ai bị lãng quên” chính là thông điệp của bản hợp xướng này.
 
Nhạc sĩ Thụy Kha, vốn từng hợp tác với tôi để sáng tác những ca khúc, và cả hợp xướng, từ hồi còn bao cấp, thời mà chúng tôi vì đói khổ phải đi “cày thuê viết mướn kiếm ăn lần hồi”. Những sự ăn ý ấy đã có giữa hai chúng tôi giúp anh Thụy Kha cảm nhận được hết cái phần hồn của lời thơ. Và, như anh Kha kể lại, anh cũng đã hoàn thành bản hợp xướng trong thời gian kỷ lục, dĩ nhiên là đối với anh.
 
Chúng tôi đã hoàn thành tác phẩm này một cách vô tư, không theo một đơn đặt hàng nào, kể cả đơn đặt hàng của Tập đoàn dầu khí hay của nhà máy lọc dầu Dung Quất. Nhưng nó đã là tác phẩm mà chúng tôi ưng ý, một tác phẩm tạm coi là thành công, với chúng tôi. Còn với nhà máy lọc dầu Dung Quất, sau khi nghe bản demo mà anh Thụy Kha thu và gửi cho, chúng tôi đã nhận được rất nhiều hồi âm lạc quan. Xin cảm ơn tất cả anh chị em công tác ở nhà máy lọc dầu Dung Quất, chính anh chị em là nguồn cảm hứng giúp chúng tôi hoàn thành bản hợp xướng này.
 
Tôi đã rất xúc động khi nghe dàn đồng ca hát câu:
 
“Cầu vồng hiện chân trời sáng rực
bắc qua nghìn giấc mơ”
 
Đúng là một giấc mơ đã thành hiện thực. Và, một lần nữa, xin dâng tặng tác phẩm này cho Nhà máy lọc dầu số 1, nhà máy lọc dầu Dung Quất thân yêu của tất cả chúng ta!                                     
 
 

.