Du lịch làng nghề

09:02, 02/02/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Phát triển du lịch làng nghề để người dân vừa có thể gìn giữ được nghề xưa, vừa có điều kiện tăng thêm thu nhập. Đó là cách mà ngành văn hóa hướng đến trước việc nhiều làng nghề truyền thống ở Quảng Ngãi đang dần mai một.

TIN LIÊN QUAN

Trong số gần 10 làng nghề thủ công còn hoạt động của Quảng Ngãi, làng gốm Mỹ Thiện ở thị trấn Châu Ổ (Bình Sơn) nổi bật với những sản phẩm từng là đồ ngự dụng tinh xảo cho Chúa Nguyễn. Hiện Sở VH-TT&DL đang phối hợp với các ban, ngành, địa phương liên quan để đưa làng gốm này vào cung đường du lịch độc đáo.

Quyết giữ nghề xưa

Nói đến gốm Mỹ Thiện, những người sành sỏi trong giới làm gốm và yêu đồ gốm đều nghĩ ngay đến nước men biến hóa kỳ ảo, tùy thuộc vào nhiệt độ nung. Cũng là những đồ gia dụng bình thường như: Chum, ghè, ấm trà, bình hoa, ché đựng rượu... nhưng sắc màu tím đậm ngả sang xanh vàng đầy quyến rũ của men gốm Mỹ Thiện trên các loại sản phẩm này đã thể hiện nét đặc sắc hiếm có. Nó khiến người xem liên tưởng đến màu sắc của những hiện vật gốm trang trí trên tường và nóc của các tháp Chăm.
'

Sản phẩm gốm Mỹ Thiện chuẩn bị đưa vào lò nung.                                                                          Ảnh: Tấn Phát
Sản phẩm gốm Mỹ Thiện chuẩn bị đưa vào lò nung. Ảnh: Tấn Phát

Tinh tế là vậy, nhưng làng gốm nổi danh một thời từng được Chúa Nguyễn khen và ban sắc phong lại đang trên bờ tàn lụi. Cả làng làm gốm hơn 30 hộ, nay chỉ còn duy nhất hộ của ông Đặng Văn Trịnh còn giữ nghề. "Cũng chỉ vì yêu cái nghiệp truyền thống của cha ông nên tôi cố quyết sống bằng nghề. Nếu mình bỏ cuộc, có lẽ gốm Mỹ Thiện chỉ được biết tới qua những cổ vật, vì không có người lưu giữ truyền nghề”- nghệ nhân còn lại duy nhất của làng gốm vang bóng một thời chia sẻ.

Một động lực khác giúp ông Trịnh quyết giữ nghề xưa là có sự đồng hành, sẻ chia của nhiều người trong giới ái mộ đồ gốm. Trong đó, phải nhắc đến nhà sưu tầm và nghiên cứu cổ vật Lâm Dũ Xênh, hiện đang cư trú gần làng gốm Mỹ Thiện. Ông Xênh đã cộng tác với ông Trịnh mày mò khám phá, nhằm tìm ra bí quyết men gốm Mỹ Thiện với những công thức pha từ đá núi trong vùng và phụ gia để cho ra những màu men độc nhất vô nhị. Từ đó, tạo ra  nhiều món đồ có màu men rất hấp dẫn, đầy tính sáng tạo.
 
Không chỉ sưu tầm và gìn giữ, ông Xênh cùng ông Trịnh đã đưa sản phẩm gốm Mỹ Thiện đi dự Liên hoan Du lịch làng nghề truyền thống Hà Nội- Việt Nam vào tháng 9.2016. Tại đây, những người tâm huyết với gốm Mỹ Thiện có cơ hội quảng bá những sản phẩm độc đáo với du khách thập phương. Đồng thời, học hỏi cách làm du lịch làng nghề- một trong những hướng đi mới ở Quảng Ngãi giúp gốm Mỹ Thiện có sức sống bền bỉ cùng thời gian.

Gắn làng nghề vào cung đường du lịch

Một trong những nét nổi bật trong phát triển du lịch làng nghề truyền thống là vừa thu hút được khách du lịch đến địa phương để tìm hiểu về nét văn hóa độc đáo, vừa giúp tiêu thụ những sản phẩm của làng nghề qua việc làm quà lưu niệm như cách làng gốm Bát Tràng (Hà Nội) đang phát triển. Từ đây, giúp các hộ dân quay trở lại với nghề thủ công truyền thống. Một khi làng gốm Mỹ Thiện thu hút được du khách, phát triển du lịch làng nghề thì những sản phẩm men gốm độc đáo vốn có tuổi đời 200 năm sẽ thoát khỏi nguy cơ bị mai một.
 

 

Những sản phẩm gốm Mỹ Thiện độc đáo với màu men biến hóa, kỳ ảo còn được lưu giữ đến ngày nay. Ảnh: Thanh Phương
Những sản phẩm gốm Mỹ Thiện độc đáo với màu men biến hóa, kỳ ảo còn được lưu giữ đến ngày nay. Ảnh: Thanh Phương

Cụ thể hóa hướng đi triển vọng này, Sở VH-TT&DL tỉnh vừa phối hợp với Sở Công thương và UBND huyện Bình Sơn ký biên bản ghi nhớ phát triển làng nghề gốm Mỹ Thiện giai đoạn 2016-2018, với mục đích khôi phục làng nghề gắn với phát triển du lịch. “Làng gốm Mỹ Thiện nằm trên cung đường du lịch từ Quảng Ngãi ra Lý Sơn. Đây là điều kiện thuận lợi để tạo sự kết nối tour du lịch đưa khách trước khi về cảng Sa Kỳ ra Lý Sơn, sẽ ghé tham quan làng gốm Mỹ Thiện để tìm hiểu về nét văn hóa độc đáo của một làng nghề”, bà Huỳnh Thị Phương Hoa - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, cho biết.


Thanh Phương


 


.