Ca dao Quảng Ngãi và người thứ bốn

02:02, 01/02/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trong lịch sử văn học của tỉnh nhà, Quảng Ngãi chưa bao giờ xuất hiện một nhà văn mà tên tuổi vượt ra ngoài ranh giới của tỉnh cả. Ngược lại, miền Ấn-Trà lại đóng góp cho thi đàn nước Việt những nhà thơ xuất sắc như Bích Khê, Tế Hanh, Thanh Thảo. Không hiểu vì sao thơ thì “thịnh” mà văn lại  “suy” như vậy?

TIN LIÊN QUAN

Sau khi nghe tôi đọc hàng loạt những bài ca dao “rặt Quảng Ngãi”, các bạn văn chương của tôi ở Hà Nội mới “ồ” lên rằng, hèn chi Quảng Ngãi sinh toàn nhà thơ! Cũng là một cách khen nhau trong tiệc rượu thôi. Có điều, nhiều bài ca dao đậm chất Quảng Ngãi thì quả là... hay thiệt.

Tôi có cái may mắn là được đặt chân lên khá nhiều vùng đất của nước mình. Trong các cuộc vui với anh em đồng nghiệp ở những nơi ấy, tôi hay đọc một vài câu ca dao mà tôi cho rằng chỉ riêng ở Quảng Ngãi mới có, mục đích là dò xem những câu ca dao ấy, những nơi khác có na ná như vậy không? Quả thật, có bài thì có, nhưng cũng có những bài chỉ rặt Quảng Ngãi. Ví như bài này thì không “đụng hàng” ở đâu cả: Anh thương em/ Đừng cho ai biết/ Đừng cho ai hay/ Đừng cho ai biểu ai bày/ Cứ thâm thâm dìu dịu mỗi ngày mỗi thương/ Nước mía trong thắng mãi cũng thành đường/ Anh thương em thì anh biết (chớ) lẽ thường ai biết đâu!

Vì sao tôi dám nói rằng bài ca dao trên là “độc quyền” của Quảng Ngãi? Cứ xem một số từ vựng mà tác giả khuyết danh đã sử dụng trong bài thì hẳn là ở các nơi khác không có được. Rồi xem cái cách biểu lộ, cách “dặn dò” người mình yêu thì thấy cũng rất đặc trưng Quảng Ngãi rồi.

Tôi không rõ tổ tiên ông bà chúng ta, đa số từ vùng Thanh-Nghệ vào đây khai sơn phá thạch, có mối liên hệ gì về ngôi thứ ở quê gốc không mà trong nhiều bài ca dao, mô típ “người thứ bốn” xuất hiện khá nhiều. Sao không là thứ hai hoặc thứ ba mà là thứ bốn? Đấy cũng là một câu hỏi khó vậy.

 

Bình yên sông quê. Ảnh: Đức Minh
Bình yên sông quê. Ảnh: Đức Minh

 

Hôm đi Vũng Tàu, gặp một ông Việt kiều rất mê văn chương, dù nghề nghiệp mà ông ấy đang làm chả dính gì đến chuyện thơ phú cả. Sáng sớm ông bạn kéo tôi ra biển Vũng Tàu, không phải để tắm biển mà để xem dân chài họ mang cá mòi từ biển về. Từ nhiều chục năm nay, tôi không thấy cá mòi ở quê mình nữa, đến tận hôm ấy mới chứng kiến cá mòi nhiều đến vậy.

Thấy cá mòi chất đầy các giỏ trên bờ biển, tôi đọc luôn bài ca dao quê nhà: “Tiếng đồn chị Bốn có duyên/ Anh Bốn đi cưới một thiên cá mòi/ Hổng tin dở quả ra coi/ Mít non ở dưới cá mòi lên trên”. Ông bạn Việt kiều tròn xoe mắt: “Ủa chứ cá mòi quê ông... ngon hén?”. Tôi nói cá mòi thì ở đâu chả ngon, cứ gì Quảng Ngãi. Tuy nhiên, điều khác biệt là con cá mòi ở quê tôi rất có giá. Có giá đến mức thành lời đồn đại trong một lễ cưới. Chị Bốn ấy phải “có duyên” lắm thì mới được anh Bốn đi cưới bằng “một thiên cá mòi”. Một số nơi ở Quảng Ngãi, thiên là đơn vị tính trăm. Ví dụ nói “một thiên lúa” là một trăm ang lúa (500kg).

Cái “quả” trong bài ca dao này, có lẽ để chỉ đôi xiểng, một loại vật dụng được đan bằng tre khá đẹp, chỉ chuyên dùng vào việc đựng đồ sính lễ trong buổi đón dâu. Chỉ có đôi xiểng mới đựng hết “một thiên cá mòi” lẫn “mít non” chứ cái quả bình thường thì chỉ đủ đựng trầu cau là cùng. Tôi đùa với ông bạn Việt kiều rằng, cứ gì phải xe hơi nhà lầu, chỉ với một thiên cá mòi thôi, anh Bốn quê tôi cũng rước được chị Bốn “hoa hậu làng” về nhà mình để thiên hạ phải đồn đại, khó tin.

Người thứ bốn nữa trong một bài ca dao khác: “Chèo ghe bẻ bắp bên sông/ Bắp chưa ra trái bẻ bông chèo về/ Chèo về xuống vạn múc dầu/ Hỏi thăm cô Bốn nhức đầu khá chưa/ Chưa khá tui bẻ lá tui xông/ Đổ mồ hôi tui quạt gió lồng tui che”. Sang bên kia sông để bẻ bắp, đến nơi mới biết là bắp chưa ra trái đành vớ đại mấy cái bông bắp để về. Anh chàng trong bài ca dao này quả là người chả hiểu gì về làm nông cả. Nhưng ông bà mình thâm thúy lắm. Mượn chuyện “bẻ bắp bên sông” để nói chuyện khác đấy. Sang bên kia sông Trà, sông Vệ chi đó để cưa gái mà thất bại nên ra về chứ sao lại có thể ngớ ngẩn đến mức không biết bắp có trái hay chưa?

Vì “thất bại” với em bên kia sông, chàng trai bèn chuyển hướng “xuống vạn múc dầu”. Vạn đây chắc là một làng chài, còn “múc dầu” thì không rõ là múc dầu gì? Nhưng chuyện đó đâu có quan trọng! Mục đích của anh chàng là để “hỏi thăm cô Bốn nhức đầu khá chưa” mà thôi. Hẳn “cô Bốn” này, chàng trai đã quen từ trước, thậm chí là đã có tình ý chi với nhau rồi, nhưng cô ấy chỉ là quân bài “dự phòng” sau khi anh chàng qua sông “bẻ bắp” không thành.

 
Nhưng tôi cho rằng chàng trai này tuy có lẳng lơ đấy, nhưng là người chỉn chu, thậm chí giỏi chuyện chăm sóc người ốm bằng “nghề thầy thuốc”, hoặc  ít ra là kinh nghiệm dân gian của mình nữa. Anh ta biết bẻ lá để xông, lại biết “quạt” nếu đổ mồ hôi và “che” cho cô Bốn nếu có “gió lồng” nữa. Khỏi cần phải đưa cô Bốn đến “thầy lang vườn” nào cả, một tay chàng trai cũng có thể chữa bớt bệnh cho “em nó” rồi. Vì anh chàng biết tỏng bệnh cô Bốn là chỉ “nhức đầu” thôi, nhưng muốn mè nheo tí nên chỉ cần “bẻ lá tui xông” là giải quyết được vấn đề rồi.

Những bài ca dao rặt một giọng quê nhà như thế vẫn luôn thức ngủ trong tôi mỗi dịp ly hương. Không biết nói gì hơn ngoài một tấm lòng biết ơn “những người muôn năm cũ”.
 
Hà Nhiên
 

.