"Bảo tàng" của chàng trai 8X

08:02, 02/02/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Vốn đam mê những hiện vật truyền thống của người Ca Dong, không muốn bị thất truyền, chàng trai Đinh Văn Siêng đã miệt mài sưu tầm những “biểu tượng” tinh thần của dân tộc mình.

Sau 7 năm thầm lặng sưu tầm, đến nay “bộ sưu tập” gồm hàng trăm đồ vật quý như cồng chiêng, đàn Pờ Roach, cung nỏ quý…được trưng bày trong ngôi nhà sàn của anh Đinh Văn Siêng, hiện là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Sơn Long như một “bảo tàng” văn hóa thu nhỏ của người Ca Dong ở vùng cao huyện Sơn Tây.

Thổ lộ về động lực khiến anh đầu tư tiền bạc, công sức để sưu tầm những hiện vật quý, anh Siêng cho biết, những năm trước đây đồng bào mình nghèo lắm. Vì vậy, khi có người gạ mua một bộ chiêng cổ với giá vài triệu đồng, dù rất xót ruột, nhưng vì túng thiếu nên đồng bào phải đứt ruột bán đi.

"Thấy hiện vật quý ngày càng thất thoát, mình khuyên bảo bà con giữ lại. Nhưng chỉ bằng lời nói thì chẳng mấy ai nghe. Vậy là mình bỏ tiền túi ra mua những bộ chiêng quý mà người làng có ý định bán cho lái buôn. Lúc đầu ai cũng nghĩ mình mua chiêng để bán kiếm lời, nhưng dần dà hiểu chuyện mình sưu tầm để lưu giữ, nhiều bà con đã nhiệt tình ủng hộ", anh Siêng cho biết.

Anh Đinh Văn Siêng bên những hiện vật quý do anh sưu tầm.                                                             ảnh: NV
Anh Đinh Văn Siêng bên những hiện vật quý do anh sưu tầm. ảnh: NV


Nổi bật nhất trong bộ sưu tập hiện vật của anh Đinh Văn Siêng là những bộ chiêng quý của người Ca Dong gồm 17 chiếc lớn nhỏ. Trong đó có nguyên bộ gồm 11 chiêng. Đây là bộ chiêng mà anh Siêng đã bỏ ra khoảng 15 triệu đồng để sưu tầm, mua lại trong thời gian khoảng 5 năm.

Để tập hợp đủ nguyên bộ, Đinh Văn Siêng lặn lội khắp các thôn, xã trên địa bàn huyện. Nghe ở đâu có chiêng quý, anh đều đến tìm hiểu. "Gia đình mình còn nhiều khó khăn, tiền bạc cũng không dư dả. Nhưng vì đam mê nhạc cụ của đồng bào Ca Dong mà nhiều lúc phải đi vay mượn khắp nơi để sưu tầm cho đủ bộ. Có hôm mình lặn lội xuống tận Sơn Tinh để sưu tầm chiêng, nhưng đến nơi thì họ không đồng ý chia lại. Vậy là mình xin ngủ luôn một đêm, chia sẻ tâm tư cùng họ. Thấy cái bụng mình không vụ lợi, vậy là sáng hôm sau chủ nhà đồng ý đổi với giá rất “hữu nghị”, anh Siêng kể.

Giới thiệu những hiện vật mà mình đã cần mẫn sưu tầm  trong một thời gian dài, Đinh Văn Siêng bảo, ngoài những cái anh bỏ tiền để mua lại, cũng có rất nhiều hiện vật quý do đồng bào hiến tặng cho anh như đàn Pờ Roach, gùi, dụng cụ lao động do người Ca Dong... Mỗi dịp mừng lúa mới, Tết Nguyên đán... những nhạc cụ do Đinh Văn Siêng lưu giữ được mang ra để biểu diễn. Âm thanh của nhạc cụ dân tộc vang lên, người làng nhìn Đinh Văn Siêng trìu mến, tự hào.

 Không chỉ sưu tầm để rồi biểu diễn trong làng xã, ước mơ của Đinh Văn Siêng là mang những dụng cụ của người Ca Dong đi biểu diễn ở nhiều nơi, nhằm quảng bá nét văn hóa mang đậm bản sắc của dân tộc mình. “Bây giờ, nhịp sống hiện đại đã tràn lên vùng cao. Thế nhưng, sẽ buồn lắm nếu những người trẻ chỉ biết tiếp thu cái mới, mà lãng quên đi những giá trị văn hóa tinh thần của tổ tiên. Mình sưu tầm, lưu giữ lại những hiện vật của đồng bào Ca Dong cũng vì lẽ đó", Đinh Văn Siêng cho hay.

Viên Ngọc
 


.