Tôi đã trải qua những "lò luyện ngu dốt"

09:01, 29/01/2017
.

Thanh Thảo


(Baoquangngai.vn)- Được suy nghĩ một mình, với tôi là hạnh phúc. Rất nhiều suy nghĩ đã không thành hiện thực dưới bất cứ hình thức nào, nhưng luôn luôn suy nghĩ giúp tôi tiếp cận nhanh với mọi vấn đề. Đó cũng là hạnh phúc.

Lại trích thêm một câu của cụ Einstein: “Sự khác nhau giữa thiên tài và ngu dốt ở chỗ thiên tài là hữu hạn”. Dĩ nhiên, ngu dốt là vô hạn. Nhưng rất ít người là thiên tài, còn bất cứ ai cũng phải đi qua ngu dốt để trở nên một người bình thường. Về mặt nào, ngu dốt chính là “lò luyện đan”, dù “linh đan” luyện qua “lò” này chưa chắc đã dùng được.

Tôi cũng đã phải liên tục trải qua những “lò luyện ngu dốt” để có thể đứng trong cuộc đời. Với tôi, ngu dốt là “một phần tất yếu của cuộc sống”. Và mọi cái lại trở nên bình thường, khi ta tự nhận thức được mình. Thơ dở thơ hay, chẳng qua may rủi. Không bao giờ nói trước mình sẽ viết như thế nào. Đó là một bí mật. Những câu thơ từ đâu ra, từ đâu tới, mình không biết. Chỉ biết, cái gì tới ngay trong đầu mình lúc ấy, được viết ra, thì nó là thơ của mình. Hay nhờ, và dở chịu.

Giống như cây bưởi nhà tôi, khi nó vượt qua được ách nạn sâu rầy phá hại, tự nhiên chồi lộc bừng lên, nở hoa và kết trái đĩnh đạc. Những người sống sót qua chiến tranh ở thế hệ chúng tôi cũng thường cho quả ngọt như thế, khi họ tự biết giá trị vô song của đời sống.

Biết sống vì cộng đồng, vì đất nước, cũng là biết tạo quả ngọt cho mình. Bất chấp tất cả những tồi tệ, khốn nạn. Cứ vững tin vào cách sống của mình nếu nó đúng, và nói như B.Pasternak: “Hãy sống, sống và cứ thế/Sống và cứ thế, đến cùng/”. Những người như Pasternak, bằng tác phẩm của mình họ gieo những hạt giống thánh thiện xuống cánh đồng cuộc sống. Cho mọi người thu hoạch.

Nhưng cũng phải biết lao động mới “thu hoạch” được, dù mình không trực tiếp gieo trồng. Trên cánh đồng mênh mông của kiến thức nhân loại, mình hoàn toàn có thể “thu hoạch” miễn phí, nhưng phải biết cách. Giáo dục bây giờ không biết dạy cho học sinh “cách thu hoạch” trên cánh đồng kiến thức. Chưa cần “phát triển giống mới” gì cả, cứ thu hoạch những gì người khác, các thế hệ trước đã đổ mồ hôi gieo trồng, là được lắm rồi. Trên nền của những củ quả ấy, ta mới hy vọng sáng tạo được những loại củ quả mới.  

“Ôi những mùa,
 Ôi những lâu đài
 Có tâm hồn nào không lầm sai”
(A.Rimbaud)

Thỉnh thoảng câu thơ này trở về trong tôi. Nó nói cái gì vậy nhỉ? Hay nó nói về chuyển động và bất động. Và trên nền của chuyển động cùng bất động ấy, con người trần thế với tất cả những ảo mộng những lầm tưởng của mình cũng đang chuyển động và bất động? Thơ có thể thăm thẳm. Mà thăm thẳm mới là bản chất, chứ không phải thay đổi trên hình thức là quan trọng.

Tôi nhớ có lần tới thăm nhà thơ-nhạc sĩ Văn Cao, uống rượu và đàm đạo với ông. Tình cờ hôm ấy, xui khiến thế nào, ông và tôi lại quyết định “chém gió” về Rimbaud. Lại đưa cả máy ghi âm ghi lại, theo sáng kiến một người bạn. Sau cuộc “chém gió vù vù” ấy, không biết người nói hay “rượu nói”, tôi hớn hở cầm cái băng ghi âm về nhà bạn hiền Trung Đức. Chưa mượn được máy mở cho bạn nghe, thì bạn bè lại rủ tôi và Trung Đức đi uống bia. Lại đi. Nhưng tôi đâu ngờ, một thằng bé chúng tôi hay gọi là “siêu sao” nhà hàng xóm tranh thủ lúc chúng tôi đi vắng đã đột nhập căn phòng của Trung Đức và mang gọn đi cái túi xách nhỏ của tôi, trong đó có băng ghi âm những bình luận vô giá về thơ Rimbaud và... tất cả tiền bạc tôi có. Cũng chẳng bao nhiêu, nhưng đó là tất cả “tài chính” của tôi. Văn Cao nghe chuyện rất tiếc.

Không biết ông cụ tiếc cuốn băng ghi âm hay tiếc cho số tiền bị mất của tôi ? Tôi thì an ủi với bạn bè rằng có thể Rimbaud đã sai thằng bé lấy về để ông nghe thử xem hai nhà thơ Việt đương đại nói gì về thơ mình? Mất tiền chỉ là cái cớ. Vào dịp kỷ niệm 22 năm ngày Văn Cao mất, nhớ ông là nhớ sự chân thành dung dị đến tuyệt đối của một tài năng lớn. Một tài năng bị vùi nhưng không dập được. Một con người cần lao như Hải Phòng, đột ngột đứng dậy. Khiêm nhường và ngạo nghễ như Hải Phòng, đột nhiên lặng lẽ. Những nhà thơ lớn của Việt Nam đều gắn bó đến đau đớn với quê hương mình. Những “nhà thơ toàn cầu” bây giờ nên nhớ: nếu anh không có một quê hương, anh sẽ chẳng có gì hết. Dù quê hương ấy nhỏ bé tới đâu, nghèo khổ tới đâu. Hầu hết những người từng ‘dìm hàng” Văn Cao, sau này chính họ đều bị cuộc đời ‘dìm hàng”. Mà cuộc đời đã dìm là…thôi luôn.

Chơi với Văn Cao, tôi có cảm giác rất dễ chịu. Không phải vì ông là thiên tài, chơi với ông mình được thơm lây, được ăn theo, mà vì chính con người ông, nhân cách của ông như cái cây tỏa ra dưỡng khí khiến mình dễ chịu. Nhiều cái cây như thế sẽ góp phần thanh lọc bầu không khí, hóa giải độc tố, và nâng đỡ cuộc sống. Những người đố kỵ họ có chung một thường tình: không có “kênh” tỏa dưỡng khí. Hám danh là một bệnh thiên hạ nhiều người mắc. Nhưng hám danh thái quá dẫn tới độc ác, hại người thì quả là khốn khổ.

Hồi xưa, người ta cấm Văn Cao xưng nhà thơ, dù ông là nhà thơ thứ thiệt. Tôi thấy buồn cười: Xưng nhà thơ thì đâu có gì ghê gớm? Và người như Văn Cao thì cũng không hơi đâu xưng mình là nhà thơ cho... rách việc. Còn bây giờ, ai cũng có thể xưng danh nhà thơ, dù chỉ làm mấy câu... vè. Như thế dân chủ hơn sao? Tôi không nghĩ vậy. Hồi xưa cay nghiệt hơn, cố chấp hơn, còn bây giờ... tùm lum hơn. Tùm lum chứ không phải dân chủ. Đằng nào cũng rất khổ. Dễ chịu hơn một chút về kinh tế, chưa hẳn là dân chủ. Và có quá nhiều nhà thơ, chưa hẳn đã có một nền thơ. Tôi không thể vội vàng. Vội vàng là hỏng./.   


 


.