Đêm giao thừa

11:01, 28/01/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Xóm biển. Chiều tối. Từng đợt gió thổi xốc ngược. Những tàu lá dừa chao nghiêng, xào xạc. Bà Nhu vẫn ngồi trong nhà. Hết nhìn ra ngõ vắng, bà Nhu lại nhìn lên trần nhà. Rồi bà chắp tay phía sau, đi ra đi vô còm ròm: “Mẹ con nó đi đâu mà giờ này sao chưa về?”.

Chợt, nghe tiếng loảng xoảng ngoài sân, bà Nhu biết hai mẹ con về rồi. Vừa đặt đôi quang gánh xuống hè, chị My bước vào nhà. Đoán chừng hiểu ý bà Nhu, chị My cất giọng: “Chiều nay, chợ vắng quá mẹ à. Con phải gánh hàng vào xóm đi bán dạo”.

- Chị làm gì làm, cũng phải cho cháu tôi về nhà sớm, tắm rửa rồi ăn cơm chứ. Tội nghiệp cháu tôi lắm...
Bà Nhu chưa kịp nói hết câu thì ngắt quãng. Cơn hen của tuổi già khiến bà nghẹn lại, chứ trong lòng bà vẫn còn ngột ngạt lắm.
 



Mới đó đã thấm thoắt hơn 7 năm từ ngày anh Thắng, con bà Nhu rời bỏ căn nhà này để yên mình ngoài biển khơi lạnh ngắt. Mỗi lần nghĩ đến, cổ họng bà Nhu lại nghẹn thắt, nước mắt cứ tuôn chảy trên đôi mắt mờ đục. Tim lại nhói đau từng hồi. Nghĩ tới nghĩ lui, bà Nhu lại thấy giận chị My. Phụ nữ làng biển này đến kỳ sinh nở chỉ cần nấu nước sôi rồi chờ bà mụ đến đỡ đẻ. Bà cũng sinh anh Thắng như vậy thôi. Ấy vậy mà chỉ còn một tháng nữa là vợ sinh, anh Thắng vội vàng leo lên tàu, hối hả theo bạn ra khơi. Trước khi đi, anh Thắng bảo vợ ở nhà nghỉ ngơi, theo chuyến biển này là anh kiếm tiền về đưa vợ đi bệnh viện sinh. Rồi anh Thắng còn dặn, con trai phải chờ ngày ba về mới chui ra đó nghen chưa.

...Chị My ngất lên ngất xuống khi nghe tin dữ. Hàng xóm chạy đôn chạy đáo chở bà y tá về hưu đến nhà xem thử tình hình sức khỏe của chị. Rồi lại hò nhau chở chị lên bệnh viện ở thị trấn. Cảnh người thì chầu chực ở bệnh viện trước khoa sản. Cảnh thì người ở nhà lo đưa tang. Không khí buồn bao trùm cả xóm biển.

Giờ cháu nội của bà Nhu đã biết chạy nhảy khắp xóm. Cô giáo dạy cái gì, nó cũng về nhà thủ thỉ kể với mẹ, khoe với bà nội. Vậy mà nó chẳng biết mặt cha... Đằng đẵng mấy năm trời bà Nhu cứ ôm nỗi đau ấy vào lòng mà gán cái giận vào chị My.

Chợ vừa tan. Gom góp mấy phiên cá, chị My đứng tẩn ngẩn trước hàng heo. Hỏi giá kỹ càng rồi đi một vòng chợ, chị My mới dám xách cái giỏ có hai con heo con ủn ỉn đi về.

Ở cái xóm biển này, có ai nuôi heo bao giờ. Phụ nữ làng biển, rảnh thì đan lưới. Mùa cá thì chạy đôn chạy đáo ngoài bờ đón ghe tàu vào, gánh cá đi bán. Bà Nhu nửa chừng muốn ngăn cản ý định của con dâu mà cũng chẳng tìm ra lý do. Từ ngày chồng mất, chị My trở thành trụ cột trong gia đình. Vai phụ nữ mà cái gì chị My cũng gánh vác, từ thúng cá cho đến thùng máy móc nặng trịch. Vác từ trong bờ ra sát bờ biển, đàn ông còn thở dốc nói gì đến phụ nữ. Bán xong mấy mẻ cá, chị My còn đi một vòng chợ để xin đầu cá, xác mắm về nuôi heo. Ngày nào cũng vậy, từ tờ mờ sáng cho đến tối mịt.

Từ hai con heo trong chuồng, giờ đã thành cả đàn. Chị My lựa bán một cặp heo rồi đi mua cái bàn máy may cũ. Xóm biển từ hồi giờ có ai biết may đâu. Ai muốn may cái quần cái áo cũng phải lên tận thị trấn. Chị My mở tiệm may đồ, vậy mà lại đắt khách. Cái nghề từ trước khi chị My gặp anh Thắng.

Từ ngày ở nhà mở tiệm may, không phải giang nắng dãi mưa, chị My có da có thịt hơn lúc trước. Màu da sạm nắng trước kia nay cũng sáng hơn. Bà Nhu lại đi ra đi vô, thầm nghĩ con dâu năm nay mới hơn 30 tuổi chứ mấy. Rồi bà Nhu bước chân ra ngõ, gặp bà hàng xóm trò chuyện, ngỏ ý thương tiếc tuổi xuân chị My. Bà Nhu quẩy quả vội bước vào, khép chặt cái cổng tre. Rồi lại chắp tay phía sau, đi ra đi vô, nghĩ quẫn một hồi, bà Nhu đâm lo.

Hôm trước, nhà bên ngoại có việc. Hai mẹ con chị My dậy từ sớm để chuẩn bị về nhà.

-  Thưa mẹ, con đi.
Bà Nhu ngẩng lên, thì ra hôm nay chị My mặc chiếc áo hoa mới. Lòng bà như muốn thắt nghẹn. Chiếc áo hoa màu đỏ hợp với dáng người chị My lại trở thành cái gai trong mắt bà Nhu. Bà Nhu giận quá, gắt gỏng:
- Con trai tôi ra đi vì ai, mà giờ này chị còn đứng đây mặc áo mới?
Chị My ngỡ ngàng rồi lặng lẽ vào trong nhà thay chiếc áo.

***

Đêm 30. Người ở xa về xóm biển ăn Tết. Tiếng người cười nói ngoài đường. Bà Nhu bỏ thêm củi vào bếp. Bếp lửa bùng lên, bắn lửa tí tách. Nồi bánh tét sôi sùng sục. Cái gì chứ Tết thì không thiếu bánh tét. Nói đến bánh tét, bà Nhu lại nhớ đến con trai của mình. Lúc còn sống, anh Thắng thích ăn bánh tét lắm, nhất là ăn với dưa cải bà Nhu muối với nước cơm. Nghĩ lẩn thẩn rồi bà Nhu đi lên nhà trên, bắc ghế thắp nén hương trên bàn thờ. Lầm rầm khấn trong miệng, bà Nhu mời chồng và con trai về ăn Tết với gia đình. Khói nhang bay vào mắt, bà dụi dụi rồi loạng choạng thế nào bà Nhu trượt chân té xuống.

Nghe tiếng động, chị My từ nhà dưới chạy lên, hớt hả gọi:

- Mẹ, mẹ ơi... Mẹ có sao không?

Bà Nhu lồm cồm đứng dậy. Bà lại dụi dụi vào mắt, ai như tiếng anh Thắng gọi mẹ. À không, tiếng con dâu gọi. Lòng bà Nhu chợt lắng lại. Bấy lâu nay, chị My vẫn gọi bà là mẹ đó thôi. Dù nhiều lần bà cứ dấm da dấm dẳng giận dỗi. Bao nhiêu cái Tết, hai mẹ con chị My vẫn ở với bà. Đúng rồi có hôm hai mẹ con về ngoại một ngày, bà đã thấy nhà cửa vắng tanh.
Chị My đưa tay đỡ bà Nhu ngồi vào ghế. Bao nhiêu năm hai người phụ nữ sống bên nhau, ngần ấy thời gian chị My đỡ đần chăm nom mẹ chồng. Sau bao nhiêu năm khép lòng, lẽ ra bà Nhu phải nhận ra điều này lâu rồi chứ, cớ gì cứ giận con dâu. Lạ kỳ, cái chân bà Nhu vẫn còn đau vì trượt té nhưng lòng bà Nhu như nhẹ nhõm. Trong lòng rộng mở, tinh thần giãn ra thì cái chân đau kia có hề hấn gì.

Xóm biển ngày cuối năm. Hai chậu vạn thọ kê ngay ngắn bên hiên nhà. Từng đọt hoa đã trổ vàng óng. Bà Nhu nhắc con dâu sửa soạn áo mới cho cả nhà để sáng sớm đi tảo mộ.
Ngày mai là Tết rồi!

Truyện ngắn: Bảo Hòa


 


.