Nét văn hóa truyền thống ở vùng An toàn khu Ba Tơ

02:12, 04/12/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Dẫu còn nhiều thiếu thốn, nhưng cái tình, cái nghĩa bà con láng giềng lại được sợi dây “đại đoàn kết” níu lại gần hơn. Những tiết mục văn nghệ, những làn điệu cồng chiêng vang lên ở vùng An toàn khu Ba Tơ càng làm cho tình làng nghĩa xóm thêm bền chặt.

TIN LIÊN QUAN

Múa sạp

“...Hòa bình về tưng bừng, tràn ngập rừng hoa ban, hoan hô chiến sĩ Điện Biên xông pha đánh tan quân thù, chiến thắng vang khắp nơi mừng vui, đất nước ta hát ca vang lừng, đón chào Bác Hồ về thăm làng quê Điện Biên giải phóng…”. Nhạc vang lên, những thiếu nữ Hrê sau một ngày lao động vất vả vẫn nhiệt thành trong những điệu múa sạp truyền thống.

Chị Phạm Thị Cúc (26 tuổi), ngụ thôn Phan Vinh, xã Ba Vinh chia sẻ: “Không chỉ riêng mình mà hầu như phụ nữ trong làng đều biết múa sạp. Ai cũng có việc riêng trong gia đình, nhưng năm nào sắp đến ngày đại đoàn kết là chị em cũng tập trung lại tập luyện cho nhuần nhuyễn hơn. Riêng mình thì đã hơn một tuần rồi, chiều nào chồng cũng lo việc bếp núc, giữ con nhỏ cho mình đi tập múa sạp cùng với chị em trong làng”.

Tình làng nghĩa xóm ở các xã vùng An toàn khu Ba Tơ luôn gắn bó bền chặt.
Tình làng nghĩa xóm ở các xã vùng An toàn khu Ba Tơ luôn gắn bó bền chặt.


Miệng nhai trầu, ngồi xem con cháu múa sạp, cụ Phạm Thị Trần (84 tuổi) cũng ngụ thôn Phan Vinh cảm thấy vui hơn mọi ngày. “Con cháu còn yêu thích điệu múa truyền thống của dân tộc làm cái bụng mình mừng lắm. Giờ già yếu rồi, không còn múa được nữa. Nhớ lại  khi xưa bộ đội về làng, những thiếu nữ Hrê như mình được múa sạp cùng với bộ đội”, bà Trần kể.

Trở lại các xã ATK Ba Tơ vào ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc, chúng tôi chứng kiến nét đẹp văn hóa truyền thống của người Hrê luôn  được mọi người lưu giữ và xem như là báu vật của mình. Trên trục đường từ Quốc lộ 24 dẫn về xã Ba Điền, đâu đó trong tán rừng dưới chân núi Cao Muôn vọng ra văng vẳng tiếng chiêng hào hùng, tiếng đàn vin vút, đàn prooc đan xen trong điệu hát talêu, cachoi...

Gắn kết tình làng nghĩa xóm

Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc ở vùng ATK có những điểm đặc biệt mà ít nơi nào có được. Không chỉ tổ chức vui chơi, ca hát và ôn lại truyền thống cách mạng vẻ vang của Đội du kích Ba Tơ, mà ở vùng ATK người dân còn cùng nhau góp tiền để hỗ trợ những gia đình khó khăn, gia đình không may gặp hoạn nạn.

Anh Phạm Văn Thích, xã Ba Thành bảo, ngày hội đại đoàn kết là dịp để người dân trong làng ngồi lại bên nhau “tự kiểm điểm” bản thân những gì chưa được trong một năm qua và sau đó cùng nhau sửa sai. “Có thể trong các cuộc họp thôn, xóm mình không chia sẻ được, nhưng trong ngày hội thì mình bộc lộ hết. Những lỗi lầm, sai trái được giãi bày và xóa tan thông qua các hoạt động vui chơi cộng đồng”, anh Thích tâm sự.

Bà Nguyễn Thị Thanh Phước - Phó Chủ tịch UBND xã Ba Vinh,  một trong 6 xã thuộc vùng ATK cho biết, toàn xã có 13 thôn với diện tích khá rộng, nên ngay từ đầu tháng 10 công tác tổ chức ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc đã được xã và các thôn chuẩn bị một cách chi tiết, nên những ngày qua các khu dân cư đã tổ chức ngày hội rất chu toàn và vô cùng ý nghĩa.

“Dù còn khó khăn về kinh tế, nhưng trong ngày hội ai nấy đều khoác lên mình những bộ quần áo đẹp nhất và họ cùng nhau góp tiền để tổ chức những buổi tiệc vui vẻ bên nhau. Đặc biệt, năm nay người dân còn quyên góp để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, đây là điều rất đáng mừng, thể hiện tình làng nghĩa xóm ngày càng khắng khít hơn. Dù số tiền không lớn nhưng đấy là tấm lòng, thể hiện sự đoàn kết của người dân trong cộng đồng khu dân cư”, bà Phước chia sẻ.

Còn Chủ tịch Ủy ban MTTQVN huyện Ba Tơ Sa La Ven Côn thì bảo, ngày hội đại đoàn kết ở ATK thực sự là ngày hội, là dịp để tình làng nghĩa xóm thêm bền chặt. Ở đó, không chỉ có những buổi tiệc vui vẻ, những điệu múa, những tiếng cười hạnh phúc, mà ở đó bà con còn tin tưởng nhau hơn, biết chia sẻ và nhìn về tương lai tốt đẹp hơn.

Bài, ảnh: L.Đ-N.V

 


.