Có một tạp chí tên là "Thơ"

09:12, 11/12/2016
.

Thanh Thảo


(Baoquangngai.vn)- Thơ thì không phải ngành nghề gì, nhưng số lượng người làm thơ ở Việt Nam hiện nay không phải là ít. Nếu tất cả các ngành nghề khác trong nước đều có báo hay tạp chí chuyên ngành của mình, thì hà cớ gì thơ không có một ấn bản chỉ chuyên về… thơ? Nhiều người lo rằng, bây giờ chả mấy ai đọc thơ, mình in một tờ báo hay tạp chí Thơ thì làm sao bán, mong gì nhiều người đọc?

Có lẽ, Hội nhà văn cũng biết những điều này, nhưng rồi, cách đây hơn 10 năm-bây giờ lấy mốc kỷ niệm 10 năm cho nó chẵn-tạp chí Thơ đã ra đời. Đây là một tạp chí chuyên về Thơ, rất lành sạch, tuyệt đối không  có “cướp, giết, hiếp” gì cả, nên mới đầu, nhiều người cũng lo là không thể bán được. Nhưng rồi, tạp chí Thơ vẫn bán được, có thể không nhiều, nhưng lượng người đọc thường xuyên thì cứ bình lặng tăng lên. Vì thực ra, nếu là người có làm thơ hay yêu thơ, thì không ai từ chối đọc tạp chí Thơ cả.

Có những bài thơ hay, từ thơ đương đại trong nước, thơ cổ điển Việt Nam cho tới thơ hay thơ kinh điển của thế giới. Có những bài viết về thơ hay, dù là thơ trong nước hay thơ thế giới, được viết bởi những cây bút trong nước và quốc tế. Những kiến thức, những hiểu biết về thơ nhân loại cũng được tích hợp thường xuyên, bổ ích với những ai thích đọc tờ tạp chí này.

Cứ bình thản, không PR, không quảng cáo, tạp chí Thơ từng năm một lấy cảm tình của người đọc. Được như thế, vì những người làm tạp chí này thầm lặng yêu thơ, mong muốn thơ đến với mọi người, đúng như câu thơ của Paul Eluard “Thơ giành cho tất cả”. Vâng, thơ giành cho tất cả mọi người, dù bây giờ nhiều người không quan tâm tới thơ, thì thơ vẫn ân cần giành cho họ những điều tốt đẹp. Thơ chỉ chống cái xấu cái ác, chứ không bao giờ làm mất lòng những người lương thiện. Nếu thơ chưa hay, thì đó là lỗi của nhà thơ, chứ không phải lỗi của Thơ.

Ở nhà tôi thường có nhiều báo, tạp chí, nên thỉnh thoảng phải “thanh lý” bớt, do nhà chật. Nhưng tôi không bao giờ thanh lý tạp chí Thơ, ngược lại, thỉnh thoảng còn đọc lại mấy bài trong một số tạp chí Thơ đã cũ nào đó. Nhớ ngày xưa, ở miền Bắc nhiều người vẫn lưu giữ tạp chí “Tác phẩm mới” của Hội nhà văn Việt Nam, còn ở miền Nam số người lưu giữ tạp chí VĂN là khá lớn. Đó là những tạp chí thuần túy văn học, nhưng vẫn được nhiều người đón đọc. Với tạp chí Thơ, tôi nghĩ, tình hình cũng như vậy, sẽ như vậy.

Dù bây giờ mối quan tâm của độc giả với văn học không còn được nhiều như xưa, nhưng không thời nào mà không có những người yêu Thơ, thậm chí vẫn coi Thơ là số Một, bất chấp tất cả. Chúng ta đang sống trong thời đại truyền thông đa phương tiện, đa chiều và cập nhật. Thơ không nằm trong kênh truyền thông đa phương tiện ấy, nhưng không phải vì thế mà nó đã chết, như dự đoán của một số nhà phê bình bi quan. Nếu xếp bên cạnh các “nhà” khác, thì Thơ đúng là “nhà nghèo”.

Tạp chí Thơ đã mở, nhưng có lẽ cần mở hơn nữa để những người làm thơ gánh vác hơn những nhọc nhằn của nhân dân, đau hơn với những nỗi đau của nhân dân. Thơ bao giờ cũng dân chủ từ bản chất. Đó cũng là một yếu tố khiến tạp chí Thơ nhận được nhiều sự yêu mến của bạn đọc. Không chỉ những nhà thơ có “thương hiệu” mới được xuất hiện trên tạp chí này, mà những người làm thơ chưa có tên tuổi mấy nhưng thơ họ hay, thơ họ mới, và thơ họ có chất thơ, chất nhân văn đủ để họ có thể xuất hiện trên tạp chí và chịu trách nhiệm đàng hoàng về thơ mình, thì tôi thấy những bài thơ của những người làm thơ như thế cũng xuất hiện với tần suất khá cao trên tạp chí Thơ. Đó là điều đáng mừng cho một tờ tạp chí Thơ. Nó sẽ sống được chính nhờ tinh thần dân chủ và bình đẳng ấy./.   

 


.