Báo chí cấp không thu tiền: Trở ngại ở miền núi (Kỳ 2)

08:12, 31/12/2016
.

(Baoquangngai.vn)- Sắc diện các huyện miền núi Quảng Ngãi trong những năm qua đã có nhiều đổi thay. Cuộc sống đồng bào dần ấm no hơn nhờ hàng trăm chính sách, quyết định được Đảng, Nhà nước ban hành. Vậy nhưng, thời gian qua, chính sách cấp không thu tiền các ấn phẩm báo chí theo quyết định 633 của Thủ tướng Chính phủ mới đây vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện.
                                                      

Kỳ 2: Đi tìm lời giải

Rõ ràng, ách tắc trên đường báo đến đối tượng được thụ hưởng chính sách là một thực tế rành rành. Nhưng, “nút thắt” là từ đâu?

TIN LIÊN QUAN

Tình trạng chung đáng buồn

Qua thống kê, 3 quý đầu năm 2016, toàn tỉnh tiếp nhận hơn 244 nghìn tờ ấn phẩm các loại. Hình thức và nội dung hay, thiết thực, bổ ích với đồng bào. Các ấn phẩm chủ yếu phân bổ các huyện miền núi, còn ở đồng bằng số lượng không đáng kể.

Đây là con số không nhỏ. Nếu quản lý không chặt, chính sách không phát huy được hiệu quả, chỉ tính theo giá bán sẽ gây ra sự lãng phí lớn trong dự toán chi thường xuyên của Ủy ban Dân tộc. Đó là chưa nhắc đến công sức của rất nhiều phóng viên, tòa soạn báo để làm ra các ấn phẩm phù hợp với đồng bào.

Điều đáng nói, quyết định 633 xác định rất rõ nhiệm vụ của UBND các huyện, xã, phải chịu trách nhiệm triển khai thực hiện chính sách đến đúng đối tượng, thường xuyên cập nhật thông tin trên các ấn phẩm báo chí được cấp để tuyên truyền phổ biến cho nhân dân bằng các hình thức phương tiện đa dạng, phong phú hấp dẫn. Cùng với đó, kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời những bất cập, hạn chế trong việc phát hành, quản lý, khai thác và sử dụng các ấn phẩm được cấp trên địa bàn.

Tuy nhiên, khi triển khai thực hiện quyết định này, không chỉ giao báo chậm, chính quyền địa phương còn chưa có những giải pháp cung cấp thông tin cho bà con. Những chồng báo chất mỗi ngày một đầy ở trụ sở UBND xã là minh chứng cụ thể nhất.

Trở ngại ở miền núi
Địa phương cần có kế hoạch kiểm soát chặt chẽ số lượng, các loại báo được nhận để chuyển báo đến đúng đối tượng thụ hưởng; tuyên truyền nội dung các ấn phẩm đến với đồng bào. Ảnh: Đình Quang.

Theo ông Nguyễn Vương- Phó Ban dân tộc tỉnh, hằng năm, Ban có đi kiểm tra tình hình thực hiện chính sách. Tuy nhiên qua kiểm tra, chính sách này khi triển khai vẫn còn gặp nhiều trở ngại. Đồng bào vùng cao, nhất là người có uy tín, trưởng thôn vẫn chưa được nhận báo rộng rãi, thường xuyên.

“Các địa phương chưa có kế hoạch kiểm soát được nhận số lượng bao nhiêu, các đầu báo nhận được; chưa phân loại được đối tượng thụ hưởng để giao cho đúng người. Đơn cử, khi bưu điện giao 10 tờ thì nhận 10 tờ và không biết tờ nào giao cho đối tượng nào”, ông Vương nói.

Sơn Tây là một trong những huyện nghèo được tiếp nhận nguồn báo chí cấp không thu tiền theo quyết định 633 của Thủ tướng. Tại đây, một số xã không chỉ chậm trễ trong việc cấp phát mà kế hoạch để tuyên truyền các nội dung  trong ấn phẩm gặp không ít khó khăn.

Anh Đỗ Minh Vương- Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Bua, thừa nhận: “Thời gian qua, địa phương cũng có nhận báo thường xuyên từ bưu điện. Tuy nhiên, bưu tá giao đến thì mình để đó, cán bộ xã ai thích thì tới lấy đọc. Nhiều khi mình cũng không giao kịp thời cho bà con được vì đâu có nắm rõ tờ nào giao cho đối tượng nào, cứ chất đống ở xã, cũng lãng phí thật".

“Hơn nữa, với đặc thù là miền núi, số người biết tiếng Kinh còn ít nên nhiều khi trưởng thôn nhận báo về, người dân có xem cũng chỉ xem được hình. Biết là vậy nhưng địa phương chưa có giải pháp cụ thể để giúp bà con biết được thông tin từ những ấn phẩm này”, anh Vương nói.

 “Nút thắt” ở ngành bưu điện

Theo qui trình, các ấn phẩm cấp không thu tiền sẽ được Ủy ban dân tộc đặt hàng mua ấn phẩm từ các cơ quan báo, tạp chí và ký hợp đồng với đơn vị phát hành là Công ty Phát hành Báo chí Trung ương. Sau đó, công ty sẽ làm đầu mối, lập danh sách các đối tượng thụ hưởng gửi về để Bưu điện tỉnh giao.

Bưu tá xã phụ trách việc vận chuyển các ấn phẩm. Với công việc này, mỗi năm, Bưu điện tỉnh tiếp nhận khoảng 400 triệu đồng tiền vận chuyển đến bạn đọc.

Ông Nguyễn Xuân Cường- Giám đốc Bưu điện tỉnh cho biết, thời gian qua, các bưu tá vẫn đều đặn mang báo đến từng đối tượng tiếp nhận không chỉ ở xã mà tận các thôn, xóm.
 
Cần nâng mức lương cho 166 bưu tá miền núi.
Các bưu tá ở 166 xã miền núi mong được nâng lương để phục vụ đồng bào tốt hơn.

Nhìn từ thực tế, hầu hết các ấn phẩm chỉ mới về tới xã. Các bưu tá- họ lý giải, một trong những nguyên nhân khách quan giao báo đến chậm cho bà con là do đường xá xa xôi, trắc trở, trong khi đó, mức lương được hưởng còn khiêm tốn.

Anh H.V.T, 35 tuổi, một bưu tá xã của huyện Tây Trà, bộc bạch: “Trung bình mỗi tháng bưu tá chỉ nhận được nhiều nhất cũng khoảng 2,5- 3 triệu đồng. Tháng nào về thôn, xóm nhiều là tiền xăng, ăn uống đã “ngốn” gần hết, nên phần lớn chúng tôi đều phải nhờ cán bộ xã tiện đường mang lên giùm cho bà con”.

Ấn phẩm báo chí cấp không thu tiền theo quyết định 633 của Thủ tướng chính phủ là nguồn thông tin bổ ích cho đồng bào các dân tộc thiểu số vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Có thông tin bà con sẽ có điều kiện tìm đường thoát nghèo và vươn lên làm giàu.

Theo ông Nguyễn Vương- Phó Ban dân tộc tỉnh, để ấn phẩm báo cấp không thu tiền đến người vùng cao phát huy hiệu quả, trước hết, cần quan tâm tăng kinh phí vận chuyển báo từ xã về đến đối tượng thụ hưởng. Hơn nữa, cần giảm nội dung các chuyên đề chung chung, tăng thêm nội dung chuyên đề giáo dục pháp luật, hôn nhân gia đình tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, an toàn giao thông và tăng hình ảnh cho sinh động, thu hút bà con đón đọc.

Cùng với đó, địa phương cũng cần tăng cường tuyên truyền hơn nữa các nội dung ấn phẩm báo chí cấp không thu tiền theo quyết định 633 bằng nhiều hình thức. Trong đó, đẩy mạnh việc trao đổi, tuyên truyền miệng bằng tiếng dân tộc. Các già làng, người có uy tín sau khi tiếp nhận báo phải đọc cho dân làng nghe và nhớ chuyển cho nhiều người cùng đọc…

“Nếu chúng ta làm tốt việc này thì thông tin của các ấn phẩm báo chí sẽ về đến dân nhiều hơn và góp phần tốt hơn cho công tác xóa đói giảm nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số”, ông Vương nhấn mạnh.


Bài, ảnh: Gia Nghi


.