Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội

02:11, 10/11/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội... là những hoạt động thu hút sự quan tâm của toàn xã hội, góp phần xây dựng đời sống văn hóa mới ở khu dân cư.

Thực hiện Quyết định số 308/QĐ-CP, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Lãnh đạo các sở, ban, ngành đã triển khai, quán triệt nội dung trên đến toàn thể cán bộ công chức, viên chức, người lao động, gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Các cấp ủy đảng xem đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, nên đã tập trung lãnh đạo thực hiện, gắn với thực hiện nghị quyết đại hội đảng các cấp.

 

 

Tổ chức các lễ hội theo hình thức gọn nhẹ, vui tươi, lành mạnh.
Tổ chức các lễ hội theo hình thức gọn nhẹ, vui tươi, lành mạnh.


Ông Cao Văn Chư – Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL cho biết, đến nay, hầu hết cán bộ công chức, viên chức, người lao động và nhân dân trong tỉnh tổ chức đám cưới cho con, cháu lành mạnh, tiết kiệm, phù hợp với thuần phong mỹ tục của địa phương, dân tộc; đúng pháp luật, không phô trương, hình thức... Trang phục lễ cưới cũng khá lịch sự, phù hợp với truyền thống dân tộc; đúng Luật Hôn nhân và gia đình, hạn chế tình trạng tảo hôn, cưỡng hôn...

Người dân trong tỉnh cũng hình thành nếp sống có văn minh trong tổ chức lễ tang, lễ hội. Khi có người qua đời, gia đình hoặc thân nhân báo tử đúng quy định. Mọi nghi thức tang lễ được thực hiện gọn gàng, văn minh, tiết kiệm; xóa bỏ các nghi lễ rườm rà, mê tín dị đoan, các hủ tục lạc hậu. Hàng xóm láng giềng, các hội, đoàn thể ở địa phương tới thăm viếng, phúng điếu một cách giản dị và tình cảm.

Một số dịch vụ tang lễ được hình thành, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân và góp phần thực hiện văn minh trong tang lễ. Các đám tang đều được chôn cất tại các nghĩa địa nhân dân theo đúng quy định, đảm bảo vệ sinh môi trường. Việc tổ chức lễ tang cho các đồng chí nguyên là lãnh đạo các cấp khi qua đời đều được các cấp ủy đảng, chính quyền thành lập Ban tổ chức lễ tang đúng theo quy định. Các lễ hội cũng được thực hiện đúng quy định của pháp luật, góp phần phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của đồng bào các dân tộc trên địa bàn...

Tuy nhiên, trong thực tế hiện nay vẫn còn một số hạn chế nhất định trong việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Một số cán bộ, đảng viên, công chức; một số gia đình có điều kiện kinh tế... vẫn còn tổ chức tiệc cưới phô trương, linh đình, mời đông khách, làm cỗ bàn rình rang, tốn kém, lãng phí, gây dư luận không tốt trong nhân dân, ảnh hưởng tiêu cực đến cộng đồng dân cư.

Một số đám cưới còn để xảy ra tình trạng say rượu gây mất trật tự, dựng rạp lấn chiếm lòng đường, vỉa hè gây cản trở giao thông, các dàn nhạc sử dụng âm thanh quá lớn, hát nhạc quá khuya làm ảnh hưởng đến sinh hoạt, đời sống của những người xung quanh. Tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết... vẫn còn xảy ra ở một số huyện miền núi do một số gia đình thiếu hiểu biết về pháp luật.  Một số đám tang vẫn còn phúng điếu nhiều vòng hoa, bức trướng gây tốn kém, lãng phí tiền của, sử dụng kèn, trống, nhạc gây ồn ào trong khu dân cư. Trong các lễ hội, tình trạng bói toán, mê tín dị đoan, trộm cắp, móc túi vẫn còn xảy ra.

Theo ông Cao Văn Chư, để nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới,  việc tang, lễ hội, các cấp ủy, chính quyền, hội đoàn thể cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện quy định hương ước, quy ước, nhân rộng những mô hình điểm ở các địa phương. Cán bộ, đảng viên phải là người đi đầu, nêu cao vai trò tiên phong, gương mẫu trong công tác này.

Bài, ảnh: TRƯỜNG AN

 


.