Ronald Haeberle và một sự thật đớn đau

09:11, 24/11/2016
.

 


(Baoquangngai.vn)-  Ông Ronald Haeberle, cựu phóng viên ảnh chiến trường của quân đội Mỹ, tác giả của bộ ảnh Thảm sát Mỹ Lai vừa đến Sơn Mỹ thăm lại chiến trường xưa.
 
Khác với ba lần trước, Ronald Haeberle không "vào vai" một du khách lặng lẽ ẩn mình với nỗi mặc cảm hậu chiến hay đau đáu với sự thật về danh tính của các nhân vật trong bức ảnh ông ghi lại. Chuyến thăm lần này của Ronald Haeberle bình thản hơn, như thể ông thăm lại một người bạn cũ, thăm lại một phần đời mình với những vết thương đã phần nào nguôi ngoai. Dù vậy, kí ức về cuộc chiến vẫn như miếng dằm chợt nhói lên trong tâm can người ông. Tại Khu chứng tích Sơn Mỹ, ông bồi hồi khi đối diện những bức ảnh của chính mình.
 
Ronald Haeberle trong khuôn viên Bảo tàng Sơn Mỹ. Ảnh: P.L
Ronald Haeberle trong khuôn viên Khu chứng tích Sơn Mỹ. Ảnh: P.L
 
Cuộc thảm sát Mỹ Lai lần đầu được hé lộ vào mùa xuân năm 1969, khi một thành viên cũ của đại đội Charlie gửi thư đến các quan chức chính phủ, tổng thống Richard Nixon và các nghị sỹ, từ đây, Quân đội Mỹ bắt đầu điều tra vụ thảm sát. Tháng 8 năm đó, các điều tra viên tìm đến Ronald Haeberle, lúc này ông đã giải ngũ và sống một cuộc sống bình thường ở thành phố CleverLand, bang Ohio. Khi Ronald Haeberle cho các điều tra viên xem những bức ảnh về vụ thảm sát, họ đã lặng người.
 
Những bức ảnh trở thành bằng chứng xác thực nhất phơi bày tội ác của quân đội Mỹ trong Chiến tranh Việt Nam. Khi tác giả công bố trên tạp chí Life, nó đã tạo nên cú sốc trong lòng nước Mỹ, tạo nên một bước ngoặc trong nhận thức của người dân Mỹ về cuộc chiến ở đất nước cách nửa vòng trái đất mà con em họ đang tham chiến. Những bức ảnh của Ronald Haeberle cũng là một trong những tác nhân châm ngòi cho phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam trong lòng nước Mỹ và ở nhiều nước trên thế giới. 
 
Dù vậy, tác giả của chúng vẫn sống một cuộc đời lặng lẽ, rất ít khi xuất hiện trên truyền thông. Chỉ đến năm 2011, ông mới "chính thức" trở lại Sơn Mỹ. Cũng từ đó, tình bạn của Ronald Haeberle với Việt Nam dần trở nên thân thiết, bởi khi dũng cảm đối diện với quá khứ, ông đã nhìn thấy lòng vị tha trong ánh mắt của những người dân Việt Nam.
 
Sáng 21.11, tại Khu chứng tích Sơn Mỹ, khi biết Ronald Haeberle là tác giả của những bức ảnh đang trưng bày, các bạn trẻ tham quan Khu chứng tích đã theo chân ông tìm lại những địa chỉ trong kí ức. Ông quanh quất tìm lại gốc cây gòn nơi những phụ nữ và trẻ em bị lính Mỹ tập trung rồi xả súng vào sáng 16.3 năm ấy, thăm lại những ngôi mộ tập thể của những người dân Sơn Mỹ, từng bước chân như chạm vào quá khứ đau thương của mảnh đất này, cũng như chạm vào sự thật đớn đau của những người lính Mỹ như ông.
 
Ronald Haeberle thăm nhà một nhân chứng của cuộc Thảm sát Mỹ Lai. Ảnh: P.L
Ronald Haeberle thăm nhà một nhân chứng của cuộc Thảm sát Mỹ Lai. Ảnh: P.L
 
Chúng tôi hỏi Ronald Haeberle, rằng ông có chút nào hối hận không khi công bố một sự thật xấu xí về quân đội Mỹ, về đất nước mình? "Không", Ronald Haeberle đáp lại ngay tức khắc, rồi ông tiếp lời: "Trước đó không ai tin là quân đội Mỹ có thể tàn sát người già, phụ nữ và trẻ em. Người Mỹ cần được biết sự thật". Ông tin rằng nói lên sự thật, dù sự thật gây đau đớn là điều cần thiết cho đất nước mình, thay vì giấu nhẹm đi những thói tật của nó.
 
Chính vì niềm tin ấy, cuộc thảm sát Mỹ Lai đã trở thành một phần quan trọng trong lịch sử Chiến tranh Việt Nam cũng như lịch sử của nước Mỹ. Cũng chính sự thật và tinh thần dám nhìn thẳng vào quá khứ là tiền đề để hai đất nước cựu thù có thể hàn gắn lại những rạn nứt.
 
Trước khi kết thúc chuyến đi, chúng tôi cùng Ronald thăm gia đình một số nhân chứng của cuộc thảm sát Mỹ Lai năm nào. Nhìn nụ cười thanh thản của Ronald Haeberle, chứng kiến tình cảm nồng ấm của họ, tôi đã hiểu vì sao ông không hối hận khi công bố một sự thật đớn đau.
 
Phạm Linh
 

.