Những con tàu huyền thoại

02:10, 24/10/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Tuần trước, Hoàng tình cờ xem ti-vi những mẩu chuyện quá cảm động về những đoàn tàu không số ngay trên nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Nỗi ray rứt, ân hận cứ xoáy vào tâm trí như những thước phim đau đớn, hờn trách những người đã và đang lãng quên quá khứ, trong đó có anh.

Anh vô tâm có biết gì đâu về chú ba Đúc, chú sáu Tiền cạnh nhà mình dưới quê, những người lúc nào cũng cười hềnh hệch, nụ cười nông dân rất rặt ri, nghiền trà móc câu, ở trần thùi thụi quanh năm, ca vọng cổ thiệt mùi, nhậu thì không ai bì kịp. Họ chính là những người lính gan góc mở đường ra Bắc rồi dẫn đường cho hàng trăm chuyến tàu chở vũ khí vô Nam. Hoàng đâu biết cái bến sông Cồn Lợi dòm ra biển mỗi ngày anh cùng lũ bạn chăn trâu, thả vịt, đặt trúm, mò cua lại là nơi tập kết biết bao súng đạn cho bộ đội giải phóng miền Nam.

Chiếc xe “e-bờ-lét” mới toanh của Hoàng giờ nhuốm màu đỏ chạch như con tôm luộc nửa sống, nửa chín. Con đường về Thạnh Phong, Thạnh Hải ngập ngụa trong nước sình đất tạo những vũng nước đục vàng. Vẫn dừa và dừa không khác xưa chút nào. Hơn bốn mươi năm sau ngày giải phóng, vạt đất cuối cùng của cù lao Minh vẫn nghèo. Hoàng thấy lòng cồn cào, ray rứt vô chừng.

- Bây dìa đó hả? Tiếng chú ba Đúc ồm ồm vang lên.
- Dạ con đây. Chú khỏe hông? Hôm trước thấy chú với chú sáu lên ti-vi thật oai quá trời.
- Oai gì bây. Mấy ông ở truyền hình bắt tụi tao bận đồ đạo mạo nực muốn chết, rồi biểu tao nói tới nói lui hai ba quận, tao ớn rồi. Đánh đấm, bom mìn, lựu đạn tụi tao rành, chớ biểu kể thì bà nội cũng đội chuối khô.


Nụ cười sang sảng lại vang lên, mái đầu đinh tóc bạc trắng, cái lưng to bè bè đen lên nước bóng hới, cái quần ngắn nhăn nhúm vàng khè vì lăn lộn lâu năm với đất phèn, với gió biển ẩm hơi muối khuất sau giồng cát màu trắng ngà.

Đêm về. Những rặng đước kêu lào xào vì gió mạnh. Quảng trường kỷ niệm nơi xuất phát đoàn tàu không số rộng thênh thênh. Tượng đài tưởng niệm cao sừng sững uy nghiêm lạ thường. Hoàng bỗng nổi gai ốc cùng mình. Hình như có tiếng ai nói cười trong quảng trường vắng lặng nầy. Ma chăng? Không. Không có ai. Hoàng dụi mắt và hít thật sâu để định thần. Câu chuyện năm xưa bắt đầu khá lâu. Mấy xị rượu Phú Lễ trong cái chai nhựa đã cạn nhưng không ai say.

- Hồi đó, mấy chú “máu” quá. Chắc được động viên ghê lắm? Hoàng hỏi.
- Động viên gì đâu. Thấy tức tối với mấy cái thằng Mỹ - Ngụy, mắc mớ gì nó mà tàn sát dân lành vô tội. Tụi tao quyết hổng đội trời chung, còn cái lai quần cũng chơi tới bến. Chú ba Đúc nạt lớn.
- Rồi hổng có la bàn biết đâu mà mò?

- Vậy mới ghê chớ mày. Nói thiệt nghe, tụi tao hổng có đứa nào học tới lớp ba trường làng, nhưng được cái là dân biển trăm phần trăm, dòm mặt trời, mặt trăng cứ đoán mò đi tới. Thấy “quợn” nước là biết chỗ đó sâu độ bao nhiêu thước. “Địa địa” mây, hướng gió là biết sắp mưa hay bão. Ớn nhất là cái máy dầu nó “ bệnh thần kinh”, vui thì chạy, “tửng tưng” thì nằm phè ra đó, sửa mệt thấy bà, may là đi tới nơi, thôi thì làm mồi cho mấy con cá mập no say. Chú lại cười hề hề rất tiếu lâm.

Câu chuyện lại tiếp tục đều đều trong cơn mưa bất ngờ ập xuống. Nước tuôn xối xả trên mái nhà ọp ẹp lợp bằng dừa nước nghe lốc tốc. Đêm ba mươi năm đó tối như mực, đứng kế nhau mà không thấy rõ mặt nhau, chỉ nghe tiếng khóc thút thít, những cái nắm tay thật chặt. Sóng biển vẫn đập nghe thình thịch từng đợt vào cồn.

- Mấy anh đi mạnh giỏi. Không được chết. Mai mốt dìa nghe. Tui tụi đợi. Lâu mấy cũng đợi.

- Ừa thì dìa chớ. Tụi này trời đánh chưa chết chớ nói gì mấy cái thằng Mỹ lôm côm. Mai mốt hoà bình làm đám cưới bảy bữa cho nó oai, mời hết bà con cồn Lợi này nhậu hết. Chú ba Đúc nói thật lớn.

Nói cho bọn con gái yên lòng chớ kỳ thật những người lính quê mùa ra đi biết sẽ lành ít dữ nhiều. Ai mà biết được ngày sẽ ra sao. Sau này nghe kể lại chờ lâu quá không thấy tăm hơi mấy chú, mấy cô chắc mẩm là đã hy sinh hết nên len lén lập bàn thờ hương khói mỗi ngày. Khổ nổi, đâu có hình thờ nên phải viết đại cái tên người yêu lên cái khung ảnh trống trơn cho đỡ nhớ.

Năm 1972 một lần dẫn tàu sắt chở vũ khí vô gần bãi tập kết, địch đánh hơi cho tàu chiến cùng trực thăng bao vây đánh quyết liệt. Hoả châu sáng rực mặt sông cái. Tiếng động cơ chạy ầm ập. Đạn bắn vô tàu xối xả. Tiếng loa phóng thanh của địch kêu gọi bộ đội buông súng, tắt máy tàu, giương cờ trắng đầu hàng. Trước tình thế hiểm nghèo, thuyền trưởng Hậu ra lệnh:

-  Trời đang tối. Các đồng chí rời tàu bơi nhanh vô bờ. Để mặc tôi chết sống với chúng.
- Làm sao tụi tui bỏ anh mà đi cho đành, chết cùng chết anh Hậu ơi. Cả nhóm nhốn nháo.
- Không. Đây là lệnh chỉ huy. Các đồng chí không được hy sinh vô ích, rời tàu ngay.

Biết không lay chuyển được ý anh, họ rời tàu. Xa xa vẫn thấy đôi mắt tự tin sáng ngời ánh thép của anh với nụ cười mãn nguyện. Chiếc áo trắng được treo lên mũi tàu. Tiếng máy tàu tắt hẳn. Mấy chiếc tàu chiến của Mỹ áp sát mạn tàu. Lố nhố bọn Mỹ quăng dây sang buộc chặt mỏ neo. Tiếng nói xí xô xí xào kèm với với tiếng cười khoái trá, đắc thắng. Ầm. Ầm. ầm. Ba tiếng nổ dây chuyền xé toạc màn đêm tạo những vệt sáng dài ngoằn trắng xanh trên mặt nước. Những cột nước vọt lên cao hàng chục mét liên hồi rồi tắt dần. Không một ai sống sót sau những tiếng nổ kinh thiêng ấy.

Chú sáu Tiền, ba Đúc cùng hàng chục thuỷ thủ vừa bơi vào bờ vừa khóc.
- Anh Hậu ơi. Tha lỗi cho tụi tui.
Sau này mới biết xương cốt của anh trôi dạt tới tận biển. Nghe kể có lẽ hồn vía anh linh thiêng nên mách bảo cho con cháu kiếm được đem về thờ.

- Sau giải phóng, mấy chú có gặp lại nhau hông? Còn cái chuyện mấy cô thờ sống nữa.
- Sau 30 tháng 4, tụi tao cố gắng tìm nhau nhưng “chua” lắm mầy ơi. Còn mấy “bả” thì muốn té xỉu khi thấy tụi tao lù lù trở về. Rồi thì cưới, quân tử nhứt ngôn mà mầy, con cháu đầy đàng... Tiếng chú ba Đúc trả lời.

- Còn mấy thằng trời đánh như tụi tao, kiếm hụt hơi. Kiếm đủ đâu phải chuyện chơi mày. Chưa kể còn chưa biết hết đứa nào sống, chết, thương tật ra sao. Thôi thì coi như mình đã xong phận sự với nước. Chỉ tiếc... Giọng chú sáu Tiền thật buồn.

- Chú tiếc cái gì?

- Tụi tao hổng có đòi hỏi gì cao siêu hết. Nhà nước lo cho bao nhiêu là quá đủ rồi. Chỉ lo ba đứa nhỏ lớn lên hổng biết gì về những chiếc tàu không số này. Như bây. Ai đời sinh đẻ ở đây mà cũng “mù tịt” mấy cái chuyện này. Nè, có về thì kể lại cho tụi nhỏ nghe chơi. Nè. Kể cho đàng hoàng, đừng có thêm mắm dặm muối đó nghe. Ai có thắc mắc vặn vẹo gì thì a lô xuống tao, tao trả lời ngon e. Có sao nói vậy.

Mưa đã tạnh. Những quầng sáng đã hừng lên báo hiệu bình minh đang tới. Hoàng bước nhè nhẹ vào quảng trường với tâm trạng phấn chấn lạ thường. Hình như trong gió biển sớm mai, trong bạt ngàn rừng đước thấp thoáng bóng dáng những con tàu không số đang hối hả vào bờ.
 

Truyện ngắn: TÔ PHỤC HƯNG
 


.