Lưu giữ các giá trị văn hóa truyền thống

01:10, 30/10/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Cùng với việc chăm lo xây dựng gia đình hạnh phúc, phát triển kinh tế gia đình, phụ nữ ở các địa phương trong tỉnh đã có nhiều hoạt động ý nghĩa nhằm phát triển phong trào văn hóa-văn nghệ, chung tay bảo vệ các giá trị văn hóa truyền thống.

TIN LIÊN QUAN

Trong những năm gần đây, hội phụ nữ các cấp trong tỉnh đã đẩy mạnh phong trào văn hóa-văn nghệ. Trong các buổi sinh hoạt hội, vào những dịp lễ, Tết, hội phụ nữ tổ chức nhiều hoạt động liên hoan, giao lưu văn hóa-văn nghệ. Đặc biệt, những làn điệu dân ca, bài chòi, hát bả trạo được các mẹ, các chị gìn giữ và cất lên trong mỗi dịp lễ hội, góp phần tạo không khí sôi nổi, gắn kết trong cộng đồng.  

 Nhiều hội viên phụ nữ nhiệt tình tham gia các hội thi, góp phần quan trọng vào việc giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống.
Nhiều hội viên phụ nữ nhiệt tình tham gia các hội thi, góp phần quan trọng vào việc giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống.


Ở miền biển, vào những dịp lễ tế, các chị trong trang phục sặc sỡ, cùng với các chàng trai tham gia hát bả trạo. Họ diễn xướng hò kéo lưới mang theo nhiều điều ước tốt lành, cầu mong ngư dân năm mới ra khơi bội thu thủy sản, gia đình ấm no, hạnh phúc. Đặc biệt, vào dịp lễ Tết, các cô gái ở vùng biển Phổ An (Đức Phổ) cùng tham gia đội sắc bùa để hát theo yêu cầu của các hộ gia đình, cầu mong một năm mới mưa thuận gió hòa, người yên vật thịnh, tấn tài tấn lộc, sống lâu tuổi thọ, trên thuận dưới hòa, trăm nghề tấn phát.

Chị Lê Thị Hạnh - Chủ tịch Hội LHPN huyện Đức Phổ cho hay, trong những ngày lễ hội, phụ nữ Đức Phổ, nhất là ở các xã vùng biển như Phổ An, Phổ Thạnh đã xây dựng kịch bản, tiểu phẩm và nội dung các bài hát theo thể loại hát ru, hát dân ca, bài chòi để biểu diễn trước công chúng. Chị em cũng đã tham gia các hội thi, liên hoan hát ru và hát dân ca do tỉnh tổ chức. Các chị đã tham gia sôi nổi, thể hiện niềm đam mê với loại hình nghệ thuật truyền thống. Tại các hội thi, các cấp hội phụ nữ trong huyện cũng đã lồng ghép các tiết mục dân ca, bài chòi truyền thống một cách sinh động, thiết thực, tạo ấn tượng cho người xem.

 

Trong các đợt sinh hoạt, người phụ nữ Cor (Trà Bồng) diện trang phục truyền thống để giữ gìn nét đẹp văn hóa của dân tộc.
Trong các đợt sinh hoạt, người phụ nữ Cor (Trà Bồng) diện trang phục truyền thống để giữ gìn nét đẹp văn hóa của dân tộc.


Qua các hoạt động văn hóa-văn nghệ do các cấp hội phụ nữ tổ chức đã thu hút không chỉ chị em phụ nữ tham gia mà còn có đông đảo người dân ở các cộng đồng dân cư tham gia, cổ vũ.

Ở khu vực miền núi, cách thức các chị, các mẹ giữ gìn văn hóa nghệ thuật truyền thống cũng thể hiện nét riêng. Thường thì những ngày lễ hội hay những lúc lên rẫy, lúc ở nhà chăm con, lo việc gia đình, các chị, các mẹ lại cất lên tiếng ca lêu, ca choi, xà ru...  hòa với những nhạc cụ dân tộc truyền thống âm vang khắp núi rừng. Bên cạnh đó, các chị, các mẹ còn giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình thông qua những bộ trang phục.

Đến nay, phụ nữ Làng Teng, xã Ba Thành (Ba Tơ) vẫn giữ nghề dệt thổ cẩm truyền thống độc đáo của đồng bào dân tộc Hrê. Những tấm thổ cẩm được làm ra từ đôi bàn tay khéo léo của người phụ nữ Hrê còn được trưng bày tại Bảo tàng Ba Tơ để giới thiệu với du khách về nét đặc trưng văn hóa trong trang phục truyền thống của người Hrê.

Phụ nữ Cor cũng ra sức giữ gìn trang phục truyền thống mang đậm bản sắc dân tộc. Trang phục truyền thống thường thấy của các cô gái Cor là áo trắng tinh của bông vải, váy lam quấn vòng, dài quá gối, những đường trắng đỏ chạy quanh gấu váy... Vào dịp lễ, Tết, chị em người Cor diện bộ trang phục truyền thống với niềm tự hào của dân tộc.

Đã hơn 20 năm nay, bà Hồ Thị Lương (60 tuổi, ở thôn 3, xã Trà Thủy, huyện Trà Bồng) đã giữ bộ trang phục truyền thống của cá nhân như tài sản quý. "Trang phục truyền thống cũng là cái hồn của dân tộc nên mình phải giữ. Mình giữ cẩn thận ý muốn giáo dục con cháu phải biết giữ gìn truyền thống văn hóa", bà Lương thổ lộ.


 Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG


 


.