Hương sắc xứ Quảng

10:10, 08/10/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đó là chủ đề được ngành VH-TT&DL chọn để tham gia Liên hoan đàn, hát dân ca ba miền năm 2016 vừa diễn ra tại tỉnh Kiên Giang.

TIN LIÊN QUAN

Tham dự Liên hoan vừa qua, Quảng Ngãi có 6 tiết mục, thể hiện bản sắc đặc trưng của văn hóa tỉnh nhà. Ngoài hát bài chòi cổ và bài chòi mới còn có những bài hát truyền thống của đồng bào Hrê; tấu chiêng và múa truyền thống của người Cor (Tây Trà)...

Lời tự tình của kèn Amáp

Chỉ với một chiếc kèn dài chừng 30cm và nhỏ như ruột bút bi nhưng hai cụ bà Hồ Thị Bảy và Hồ Thị Lâm (Trà Phong- Tây Trà) đã mang đến cho người nghe những âm thanh đặc sắc nhất của đất và người miền tây Quảng Ngãi. Mế Bảy năm nay đã ngoài 90 tuổi nhưng còn rất minh mẫn. Mế chia sẻ: Từ khi còn nhỏ, mế đã biết thổi kèn A máp. Kèn A máp là nhạc cụ chỉ dành riêng cho phụ nữ.

 

 Tiết mục múa chiêng và múa truyền thống của đồng bào dân tộc Cor (Tây Trà).                                                                                                             ẢNH: TRỊNH PHƯƠNG
Tiết mục múa chiêng và múa truyền thống của đồng bào dân tộc Cor (Tây Trà). ẢNH: TRỊNH PHƯƠNG


Thường thì có một người thổi hoặc hai người cùng thổi. Nếu một người sử dụng thì lấy hai tay úp lại nhau vào lỗ thoát hơi làm hộp cộng hưởng. Hai tay mở ra, úp lại tạo thành các âm thanh khác nhau. Nếu hai người sử dụng thì một người thổi một đầu kèn, người kia ngậm vào đầu kèn còn lại, dùng miệng làm hộp cộng hưởng. Người làm hộp cộng hưởng là người hát. Nhưng tiếng hát đó không phải ai cũng hiểu, vì âm thanh phát ra hòa trộn giữa tiếng người hát với tiếng sáo, tạo nên âm điệu hết sức đặc biệt mà chỉ có người trong cuộc và người có kinh nghiệm mới thấu hiểu tiếng kèn muốn biểu đạt điều gì.
 

“Hương sắc xứ Quảng” là những đặc trưng văn hóa riêng của người Quảng Ngãi. Ngành văn hóa đã có sự cân nhắc để lựa chọn ra 6 tiết mục tham gia liên hoan nhằm đem đến cho người xem cái nhìn rõ nét hơn về dân ca xứ Quảng. Đây là dịp để các nghệ nhân, đồng bào các dân tộc thiểu số ở các vùng miền trong cả nước có dịp được giao lưu, học hỏi và giới thiệu cho bạn bè trong nước và quốc tế biết đến những đặc trưng vốn có của đồng bào dân tộc mình.
Ông Cao Văn Chư- Phó Giám đốc Sở VHTT&DL

Khi thay đổi người làm hộp cộng hưởng thì âm sắc của kèn cũng khác hẳn. Mế Bảy và mế Lâm có thể cùng song tấu rất nhiều bài A máp khác nhau, như ru con, đánh thức con dậy, khuyên con đi làm rẫy, đi bẫy thú...

Tiếng kèn A máp cũng như lời nhắc nhở con cháu của đồng bào Cor được lớn lên nhờ dòng sữa mẹ hòa quyện với những làn điệu dân ca ngọt ngào được thể hiện qua tiếng kèn A máp. Không chỉ có thế, trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, tiếng kèn A máp còn được dùng để báo tin cho các chiến sĩ cách mạng khi có địch càn. Nhờ đó mà nhiều bộ đội thoát khỏi vòng vây của biệt kích.

“Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, mế làm nhiệm vụ nuôi giấu cán bộ. Mế đã dạy cho nhiều bộ đội biết thổi kèn A máp. Khi bộ đội và nhiều người dân trong làng biết thổi kèn A máp thì mọi người dùng tiếng kèn để truyền tin cho nhau, để báo động lúc an bình hay nguy biến”, mế Bảy chia sẻ.

Mấy năm qua, những nghệ nhân như mế Bảy, mế Lâm đã giữ gìn và phát huy loại hình nghệ thuật đặc sắc của đồng bào Cor bằng cách thổi cho con cháu nghe; truyền nghề cho những cô gái trong làng. Tuy nhiên, theo mế Lâm thì để học được loại nhạc cụ này không hề đơn giản. Người học phải có tình yêu, sự kiên trì và sự tinh tế mới hiểu được người thổi nói gì qua hơi thổi. Hiện nay, ngoài những người lớn tuổi, thì một số cô gái trẻ của đồng bào dân tộc Cor cũng biết thổi kèn A máp, nhưng số lượng không nhiều.

Sự hòa quyện của các đặc trưng văn hóa

Không chỉ kèn A máp mà tham dự liên hoan vừa qua còn có nhiều đặc trưng văn hóa của từng vùng miền. Nếu như kèn A máp chỉ dành riêng cho phụ nữ dân tộc Cor, với số lượng người thổi từ 1-2 người thì múa chiêng và múa truyền thống lại đòi hỏi số lượng người đông hơn. Trong đợt tham gia liên hoan có 10 cô gái và 3 chàng trai người Cor (Tây Trà) đem đến cho người xem các điệu chiêng cúng thần, chiêng chào khách, chiêng tiễn khách.

Hòa mình vào tiếng chiêng, các cô gái người Cor nhịp nhàng, uyển chuyển làm say lòng người. Chị Hồ Thị Lý (36 tuổi) đến từ thôn Trà Ong (Trà Quân), bộc bạch: Đây là lần thứ 2 tôi tham gia một chương trình giao lưu văn hóa có quy mô lớn, mang đến cho người dân đồng bằng sông Cửu Long những nét văn hóa đặc trưng nhất của đồng bào miền tây Quảng Ngãi.

 Mế Bảy và Mế Lâm song tấu kèn A máp.
Mế Bảy và Mế Lâm song tấu kèn A máp.


"Hương sắc xứ Quảng" còn đem đến liên hoan tiết mục “Con cá biển”. Đây là dân ca Hrê được các cô gái đồng bào dân tộc Hrê (Sơn Hà) biểu diễn. Người xem cũng được thưởng thức các tiết mục dân ca bài chòi. Nếu như “Một góc trời quê” do Võ Duy Khánh soạn lời là một tác phẩm bài chòi mới ca ngợi sự đổi thay của quê hương, thì trích đoạn “Ông xã- bà đội” là trích đoạn bài chòi cổ được Nghệ nhân ưu tú Trần Tám thể hiện.

Theo ông Tám thì, nói đến dân ca bài chòi là nói đến đặc trưng, bản sắc riêng của từng vùng miền, đặc biệt là ở Quảng Ngãi và Nam Trung Bộ. Hiện nay bài chòi đã dần mai một. Quảng Ngãi chỉ còn một số ít người hát bài chòi, trong đó, chủ yếu là hát bài chòi mới. Vì vậy, việc đưa trích đoạn bài chòi cổ vào chương trình tham gia liên hoan nhằm giới thiệu cho các vùng miền trong cả nước về đặc trưng của tỉnh nhà.

Ông Tám cho biết thêm, trong những năm qua, tỉnh ta cũng mở các lớp dạy dân ca bài chòi cho giáo viên, thanh niên và phụ nữ nhưng chủ yếu là truyền dạy về dân ca. Để hát được bài chòi đòi hỏi phải có thời gian và sự thẩm thấu nhất định.


Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG

 


.