Phát triển đảo Bé: Cân nhắc giữa mục tiêu trước mắt và lâu dài

09:09, 23/09/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Qua nhiều năm nghiên cứu, các nhà khoa học trong và ngoài nước đã khẳng định những giá trị nổi bật ít thấy trên thế giới của đảo Bé (xã An Bình, Lý Sơn). Tuy nhiên, các di sản địa chất quý báu cùng với cảnh quan, môi trường tự nhiên của đảo đang đối mặt với nguy cơ bị xâm hại. Vì vậy, việc bảo tồn đảo Bé là một yêu cầu cấp thiết, phải có sự cân nhắc giữa mục tiêu trước mắt và lâu dài.

TIN LIÊN QUAN


Đặc sắc những giá trị di sản

Việc bảo tồn toàn bộ Lý Sơn, Bình Châu và vùng phụ cận là việc làm hết sức cần thiết để xây dựng hồ sơ Công viên địa chất toàn cầu. Tuy nhiên, hiện nay ở đảo Lớn đang đối mặt với nguy cơ xâm hại nghiêm trọng về cảnh quan môi trường, hệ sinh thái, di sản địa chất, trong khi đảo Bé tương đối còn nguyện trạng. Vì vậy, trước hết cần phải bảo tồn khẩn cấp, vì nguy cơ bị xâm phạm là rất lớn khi phát triển du lịch ở hòn đảo này đang diễn ra một cách tự phát.

 

Đảo Bé ngày càng thu hút đông đảo du khách bởi vẻ đẹp hoang sơ, với những giá trị đặc biệt.
Đảo Bé ngày càng thu hút đông đảo du khách bởi vẻ đẹp hoang sơ, với những giá trị đặc biệt.

Theo các nhà khoa học, những đợt phun trào của núi lửa cách nay khoảng 11 triệu năm đã hình thành nên huyện đảo Lý Sơn, gồm đảo Lớn và đảo Bé nằm giữa biển khơi. Những dòng dung nham núi lửa đã tạo cho hòn đảo này nhiều cảnh quan kỳ thú, ngoạn mục. Trong đó, đảo Bé là địa bàn phân bố của một hệ thống di sản địa chất đa dạng và độc đáo với những miệng núi lửa lộ thiên hay ẩn mình dưới đại dương sâu thẳm, những cổng tò vò khổng lồ dưới nước, những địa hình vách dốc thẳng đứng được tạo bởi dung nham núi lửa sừng sững bên bãi biển trong đó chứa đựng nhiều loại dung nham hiếm gặp trên thế giới, đang thu hút sự quan tâm của các nhà khoa học, của những người ưa khám phá...

Đảo Bé còn chứng kiến một quá trình kiến tạo vỏ trái đất xen lẫn với sự phát triển văn minh con người. Đó là thềm biển Holocene muộn có niên đại 2.500 đến 4.000 năm cách ngày nay bên cạnh vết tích con người cư trú sớm nhất trên đảo này có niên đại xấp xỉ 3.000 năm. Nền văn hóa sớm ấy chính là cội nguồn của một nền văn hóa vật thể, phi vật thể phong phú trên hòn đảo này. Du khách đến đây còn được chiêm ngưỡng một hệ sinh thái biển với các loài thủy sinh phong phú.
 
Ngoài những di sản quý báu đó, đảo Bé còn được biết đến như một nơi có môi trường hoang sơ và đẹp với nước biển luôn trong xanh- sạch, những ruộng bậc thang trồng hành tỏi với những bờ ngăn bằng đá, những rặng dừa xanh ngắt, con người thật thà, chất phác, làng xóm yên vui, bình lặng.

“Nếu Lý Sơn được bảo tồn tốt và được công nhận Công viên địa chất toàn cầu thì không chỉ đảo Bé hay Lý Sơn mà người dân cả nước sẽ được hưởng lợi. Việc bảo tồn những di sản quý báu đó chính là bảo tồn nguồn động lực phát triển của Lý Sơn, là bảo đảm cho tương lai bền vững của Quảng Ngãi nói chung, huyện đảo Lý Sơn nói riêng”
Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ- Giám đốc Sở VHTT&DL

Bảo tồn khẩn cấp đảo Bé

Với các loại hình di sản đa dạng và độc đáo, trong đó có các điểm địa chất quan trọng mang tính quốc tế đại diện cho Công viên địa chất toàn cầu nên đảo Bé đã được các chuyên gia địa chất trong và ngoài nước xác định là khu vực quan trọng bậc nhất có tính quyết định tới Công viên địa chất cấp tỉnh và Công viên địa chất toàn cầu sau này.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây du lịch phát triển không có quy hoạch, du khách đến đảo Bé ngày càng nhiều, nên các di sản địa chất, văn hóa, cùng với cảnh quan môi trường tự nhiên đang đối mặt với nguy cơ bị phá hoại, bị mất đi tính hấp dẫn.

Các dịch vụ du lịch tự phát ngay tại các điểm di tích; tình trạng xả rác thải bừa bãi tại các điểm di sản địa chất... Hơn nữa, do ý thức của cộng đồng chưa cao, nên đã xâm phạm di tích và hệ sinh thái biển như đánh bắt cá bằng thuốc nổ, giã cào hoặc khai thác tận diệt các loài sinh vật biển... Các di sản địa chất, văn hóa quý báu bị phá, quần thể sinh vật biển dần dần bị tận diệt hoặc không còn môi trường sống phải di cư đi chỗ khác.

“Trước những thực trạng đáng lo ngại trên, nên việc bảo tồn đảo Bé theo Dự án của Công ty Cổ phần Đầu tư- Phát triển Đoàn Ánh Dương đưa ra sẽ góp phần quan trọng vào việc bảo tồn và phát huy các giá trị vốn có của đảo Bé”, tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ - Giám đốc Sở VH-TT&DL, cho hay. “Mục tiêu lâu dài của dự án là xây dựng đảo An Bình (đảo Bé) nói riêng và Lý Sơn nói chung trở thành tâm điểm của Công viên địa chất quốc gia và toàn cầu. Khai thác và phát huy tiềm năng, lợi thế của di sản địa chất, các danh thắng thiên nhiên, di tích lịch sử văn hóa bền vững, nhằm phát triển du lịch”, thạc sỹ Nguyễn Tuấn Lâm- Chuyên gia khảo cổ học dưới nước, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư- Phát triển Đoàn Ánh Dương, cho biết.

Bà Julia Babcock- Chuyên gia quy hoạch phát triển bền vững- Trường Đại học Pollan (Mỹ) đã đưa ra hẳn một chuyên đề của Công viên địa chất Lý Sơn. Bà cho rằng Lý Sơn là nơi giao thoa giữa con người với thiên nhiên. Tất cả các giá trị của Công viên địa chất toàn cầu đóng góp vào sự phát triển kinh tế và các lĩnh vực giáo dục, xã hội...

Chúng ta cần phải biến đảo Bé thành một trường học cho thế giới. Khi sinh viên thế giới đến đây học tập và nghiên cứu thì cả thế giới sẽ biết đến nơi này. Như vậy sự thân thiện về cảnh quan, thiên nhiên, môi trường và con người sẽ tạo nên một giá trị lớn. Vì vậy, việc bảo tồn sẽ giúp bảo vệ nguyên trạng, nhằm mang lợi ích cho cộng đồng. Chính cộng đồng là những người hưởng lợi trực tiếp từ việc bảo tồn này.
 

Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG

 


.