Những hiện vật sống mãi với thời gian

02:09, 01/09/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đó là những chiếc ba lô đã sờn màu, những gươm đao, giáo mác, tài liệu, hình ảnh... của quân và dân ta năm xưa đã góp phần lật đổ ách thống trị của thực dân phong kiến, làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, khai sinh ra Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Thuyết minh viên Ma Thị Nhung – Trưởng Phòng trưng bày tuyên truyền – Bảo tàng Tổng hợp tỉnh đưa tôi tham quan các gian trưng bày về hình ảnh, tư liệu, hiện vật chiến tranh. Đứng trước gian trưng bày những kỷ vật gắn liền với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, chị Nhung bảo: “Những hình ảnh, tư liệu, hiện vật này tuy đã cũ kỹ, thô sơ, nhưng đều ẩn chứa trong đó những câu chuyện sinh động về lòng quả cảm, gan dạ của quân và dân ta”.

Như một thanh kiếm thô sơ đã ngả màu theo thời gian được đặt trang trọng trong hộp kính, ghi chú thích là của ông Phạm Văn Ạch, ở thôn Nước Lá, xã Ba Vinh (Ba Tơ), được dùng trong cuộc Khởi nghĩa Ba Tơ ngày 11.3.1945.

 

Góc trưng bày kỷ vật thời kỳ kháng chiến chống Pháp.
Góc trưng bày kỷ vật thời kỳ kháng chiến chống Pháp.

 

Đến nay, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh đã sưu tầm được 364 tư liệu, 594 hiện vật, 667 hình ảnh về thời kỳ chống Pháp. Đây là những kỷ vật quý, có ý nghĩa lịch sử sâu sắc, không những ghi lại sự kiện lịch sử mà còn có ý nghĩa giáo dục thế hệ trẻ về lòng yêu nước, giá trị của độc lập, tự do, hòa bình...
 Chị PHẠM THỊ THANH TUYẾT – Phó Phòng kiểm kê,  bảo quản  (Bảo tàng Tổng hợp tỉnh).

Dù được ghi chú là của ông Ạch, nhưng nó là một vật dụng khắc họa một thời kỳ oanh liệt của đồng bào dân tộc thiểu số Hrê. Họ một lòng theo Đảng, theo cách mạng, nhất tề đứng lên làm cuộc khởi nghĩa, với những thứ vũ khí thô sơ, không hề cân sức với đối phương, nhưng tinh thần quyết chiến, quyết thắng thì vô cùng mãnh liệt.

Hay như kỷ vật cây gậy batoong có gắn cây sắt nhọn, một số dụng cụ được làm bằng tre, nứa để giữ lửa, giữ nước được du kích và đồng bào dùng trong lúc hành quân xuyên rừng... đã chứa đựng nhiều câu chuyện đầy ý nghĩa.

Nhưng có lẽ ấn tượng và cảm động nhất là những hũ gạo tiết kiệm nhỏ xinh xinh được khắc tên ông Phạm Xuôi, Phạm Văn Rum ở thôn nước Lá, xã Ba Vinh ủng hộ đội du kích Ba Tơ năm 1945. Những chiếc hũ gạo này còn gợi cho chúng tôi nhớ đến tấm lòng của mẹ Thía ở dưới chân núi Cao Muôn, ngày đêm sản xuất góp gạo nuôi quân. 

Đây còn là hiện vật tượng trưng cho nhiều tấm lòng của đồng bào ta một lòng son sắt, thủy chung với cách mạng, dù sống trong sự kìm kẹp của chế độ thực dân, cơm không đủ no, áo mặc không đủ ấm, cuộc sống đầy kham khổ, nhưng bà con vẫn góp gạo nuôi quân, tất cả vì tuyền tuyến, vì độc lập tự do của dân tộc.

Hũ gạo tiết kiệm ủng hộ đội du kích Ba Tơ của ông Phạm Văn Rum.
Hũ gạo tiết kiệm ủng hộ đội du kích Ba Tơ của ông Phạm Văn Rum.


Hiện tại, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh còn lưu giữ nhiều kỷ vật là kiếm Nhật, dao găm của đội du kích Ba Tơ thu được ở trận đánh Mỏ Cày ngày 16.8.1945... hay như chiếc ba lô đã sờn màu của nhạc sĩ Dương Minh Viên, tác giả bài hát "Du kích Ba Tơ"; lá cờ đỏ sao vàng được nhân dân xã Ba Xa (Ba Tơ) dùng trong những ngày đầu xây dựng chính quyền sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945...

Mỗi kỷ vật chiến tranh là những câu chuyện đầy cảm động, giúp thế hệ những người sinh ra sau chiến tranh thấu hiểu và hình dung được những thời khắc mà cả dân tộc đứng lên đấu tranh giành độc lập cho dân tộc...

Ông Đoàn Bích – nguyên Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh, cho biết, kỷ vật chiến tranh thoạt nhìn thì đơn giản, không có giá trị về tiền bạc, nhưng giá trị về tinh thần và lịch sử thì không gì sánh được. Với những người đi sưu tầm, đòi hỏi phải thấu hiểu được điều đó.

Bài, ảnh: TRƯỜNG AN


 


.