Di tích bị... lãng quên

02:09, 22/09/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Quảng Ngãi có rất nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử với bề dày văn hóa, lịch sử rất lâu đời. Tuy nhiên, việc trùng tu, tôn tạo và quản lý vẫn còn sơ sài, khiến nhiều di tích xuống cấp trầm trọng, thậm chí có nguy cơ... “biến mất”.

TIN LIÊN QUAN

Bề dày giá trị lịch sử...

Đình làng Sung Tích, xã Tịnh Long (TP.Quảng Ngãi) được xây dựng rất sớm và gắn liền với việc mở đất, lập làng Sung Tích đầu thế kỷ XVI, đời vua Lê Thánh Tông. Sau đó, vào đầu thế kỷ XIX, triều Nguyễn đã tiến hành tôn tạo, xây dựng lại mới hoàn toàn với kết cấu khung gỗ ban đầu. Các kèo chồng được kẻ chuyền, kết cấu kiến trúc được chạm khắc gia công mỹ thuật công phu với các đường nét, hoa văn đặc sắc.

Chính vì không được trùng tu, tôn tạo mà Đình làng Sung Tích ở xã Tịnh Long (TP. Quảng Ngãi) đang dần bị lãng quên và có nguy cơ “biến mất”.
Chính vì không được trùng tu, tôn tạo mà Đình làng Sung Tích ở xã Tịnh Long (TP. Quảng Ngãi) đang dần bị lãng quên và có nguy cơ “biến mất”.


Đình làng Sung Tích được xem là nét văn hóa, tín ngưỡng đặc sắc và lâu đời của người dân ở đây. Trước đó, đây là nơi hội họp, bàn việc làng, bầu cử ngôi thứ trong Ban Kỳ mục để cai quản tất cả công việc chung của làng. Từ việc lớn đến việc nhỏ, người dân đều tụ họp đến đây để bình phẩm, bàn bạc và giải quyết. Hơn nữa, nơi đây hằng năm còn tổ chức các lễ hội đua thuyền sau khi tế lễ Thành Hoàng và thần Nam Hải, các vị tiền hiền. Đình làng cũng là nơi biểu diễn các loại hình nghệ thuật, văn hóa dân gian được dân làng tích lũy từ đời này sang đời khác.

Đối với di tích quốc gia Núi đá Phú Thọ, xã Nghĩa Phú (TP.Quảng Ngãi) cũng mang một bề dày lịch sử lâu đời, với giá trị văn hóa đặc sắc. Ở đây, còn có những khối đá nguyên vẹn, nằm chồng lên nhau tạo nên những đá Trống, đá Chuông, khi gõ vào sẽ phát ra những âm thanh rất kỳ bí. Những khối đá nhấp nhô tạo ra một dãy đá trải dài được gọi là Đá Trận và thành Bàn Cờ.

Theo người dân nơi đây, nó đã được hình thành cách đây hàng trăm năm. Cả di tích là một chuỗi các “công trình” nhỏ được xây dựng lô – gic. Đứng ở cửa Tam Quan, sẽ nhìn thấy toàn bộ các cảnh quan xung quanh. Từ cửa Tam Quan, rẽ phải là đến cổng chùa Hang, sang trái thì đến thành Bàn Cờ, nơi các vị vua Chế Mân, Chế Bồng Nga đánh cờ năm xưa. Bên cạnh đó, nơi đây còn lại rất nhiều các phế tích, thành quách rất lâu đời do người Chăm xây dựng vào khoảng thế kỷ IX - X.

...nhưng bị lãng quên

Mặc dù là di tích cấp tỉnh, cấp quốc gia, nhưng đình làng Sung Tích, núi đá Phú Thọ đã và đang dần bị quên lãng. Theo thời gian, nơi đây không được bảo vệ, trùng tu và giữ gìn nên hiện trạng di tích, cũng như những giá trị văn hóa lịch sử đang dần bị mai một. Do các tác động khách quan như mưa, nắng, gió bão, chiến tranh, đồng thời do việc sử dụng đình làng làm cửa hàng mua bán trong thời gian dài của hợp tác xã Tịnh Long đã làm cho các hạng mục ở đây xuống cấp trầm trọng.

Còn với di tích núi đá Phú Thọ, việc lấn chiếm đất làm nơi chôn cất, hay sự thiếu quan tâm của các cấp chính quyền cũng phần nào làm cho di tích bị che lấp trong đám cây cối um tùm, rậm rạp. Trong khi đó, việc trùng tu, bảo vệ những di tích lịch sử ở tỉnh ta, vẫn chưa được quan tâm đúng mức.

Theo cụ Võ Ý, người dân thôn Thanh An, xã Nghĩa Phú, cách đây chưa tới chục năm, núi Phú Thọ được đông đảo người dân biết đến. Nhiều người đến chùa Hang cúng quẩy, lễ lộc và đến tham quan, ngắm cảnh, theo đó các dịch vụ du lịch, buôn bán cũng rộ lên. Thế nhưng, “bây giờ cây cối mọc um tùm, rậm rạp, đường lên núi cũng khó khăn, đã vậy, dân còn chiếm đất để xây dựng mồ mả. Có lẽ di tích này cũng sắp bị lãng quên rồi", ông Ý cho hay.

Trước thực trạng trên, chính quyền các xã Nghĩa Phú, Tịnh Long cũng đã có những biện pháp để “cứu vãn”, tuy nhiên do kinh phí hạn hẹp nên không thể khắc phục được tình trạng xuống cấp, hư hỏng của di tích. Ông Trần Đường – Phó Bí thư Đảng ủy xã Tịnh Long cho biết: Chính quyền xã đã trích nguồn kinh phí gần 30 triệu đồng đúc trụ, cắm mốc và rào lưới, để bảo vệ những gì còn lại của đình làng Sung Tích. Bên cạnh đó, UBND xã cũng đã có văn bản đề nghị các cấp tu bổ, sửa chữa, nhưng đến nay vẫn còn chờ nguồn kinh phí để thực hiện.

Còn ở di tích núi đá Phú Thọ, ông Hồ Văn Hưng – cán bộ văn hóa-xã hội xã Nghĩa Phú cho hay: Tháng 4 vừa qua có một đoàn khảo sát của ngành chức năng đến đo đạc, cắm mốc ranh giới di tích và UBND xã cũng đã nhiều lần kiến nghị để được quan tâm, có những phương án bảo vệ, giữ gìn di tích này. Thế nhưng đến nay, di tích núi đá Phú Thọ vẫn còn trong tình trạng bị người dân lấn chiếm để xây dựng mồ mả. Các cấp cần có những biện pháp bảo vệ, giữ gìn để phát huy các giá trị lịch sử của di tích.
 

Bài, ảnh: ĐÌNH DIỆU

 


.