Trắng xóa... bông gòn

04:08, 28/08/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nếu như hoa gạo đỏ rực là “linh hồn” của mỗi làng quê ở miền Bắc, thì bông gòn tượng trưng cho sự bình yên, nhẹ nhàng của vùng nông thôn quê tôi. Những bông gòn trắng tinh, mềm mại cuốn theo chiều gió, bay qua triền đê, bám vào cỏ cây, vào giỏ xe đạp, vào tóc... của lũ con gái chúng tôi mỗi buổi chiều đạp xe ngang qua hai cây gòn đầu xóm.

Nhớ thời còn bé, khi những trái gòn xanh dần khô và chuyển sang màu đen tuyền, sửa soạn nứt toát, nội và tôi cùng dắt nhau đi nhặt từng trái gòn khô. Tích trữ được chừng trăm trái, bà tách phần bông trắng tinh cất vào bao riêng để dành làm gối. Vốn cẩn thận, tỉ mẩn, bà lựa loại bỏ những hạt bông gòn cứng ngắt ra khỏi đống bông gòn để chúng tôi nằm khỏi bị “cấn đầu”.

Ruột gối làm từ bông gòn, còn vỏ gối thì được bà tận dụng  từ những mảnh vải “rẻo” đủ sắc màu chắp nối lại. Chỉ đơn giản thế thôi, ấy vậy mà thành những chiếc gối bông gòn mềm mại, êm ái và ấm áp không thua gì những chiếc gối mắc tiền bày bán ngoài tiệm.

Bóng cây gòn che mát những con đường ở vùng nông thôn.
Bóng cây gòn che mát những con đường ở vùng nông thôn.


Cũng từ nhúm bông gòn ấy, mỗi lần có đứa cháu nào bị cảm lạnh, nội lại nhúng bông gòn vào rượu rồi đặt lên rốn cho chúng tôi.  Chỉ đơn giản vậy thôi, thế mà sáng hôm sau, tôi cứ cảm thấy người nhẹ tênh, mọi mệt mỏi dường như tan biến hết... Bông gòn qua đôi bàn tay của nội, bỗng trở nên diệu kỳ.

Rồi thời gian thoi đưa, giờ nội tôi không còn đủ sức khỏe để cùng tôi đi nhặt bông gòn. Những chiếc gối bông gòn mềm mại từng là niềm háo hức ngày xưa, giờ chẳng những gia đình tôi, mà hầu hết các gia đình cũng dần quên, để tìm đến những chiếc gối hơi tiện lợi.

Thế nên giờ, đi ngang qua nhiều làng quê, nhìn thấy không biết bao nhiêu “cây bông gòn xổ lòng bay ra trắng xóa” (thơ Trần Hữu Dũng), nhưng “xổ lòng” vậy thôi, chứ đâu còn ai háo hức nhặt về... Bông gòn cứ thế bay mãi, dập dìu trên khắp các nẻo quê, dịu dàng nhắc lòng người về những ngày xưa xa ngái, dịu dàng gieo vào lòng người sự bình yên, dân dã chốn thôn quê, đồng nội.

Bài, ảnh: Ý THU

 


.