Sau tay phấn là tay ảnh

10:08, 02/08/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Suốt 21 năm qua, thầy giáo Trịnh Nhân Hiếu (43 tuổi, giáo viên Trường Tiểu học Sơn Dung, huyện Sơn Tây) vẫn miệt mài trèo đèo, lội suối bám các thôn làng vùng cao để gieo chữ cho nhiều thế hệ học trò người Ca Dong. Sau bàn tay lấm lem bụi phấn, anh còn là một tay ảnh, một con người yêu nghệ thuật, say mê nhiếp ảnh cháy bỏng.

Hơn 20 năm "cắm bản"

Năm 1995, sau khi tốt nghiệp khóa Trung học Sư phạm Quảng Ngãi, chàng trai Trịnh Nhân Hiếu, quê ở xã Nghĩa Dũng (TP.Quảng Ngãi) đã xung phong lên huyện miền núi Sơn Tây tham gia lớp giáo viên “cắm bản” đầu tiên. Ngày ấy, người dân ở các vùng cao này chưa biết cái chữ, cuộc sống còn nhiều khó khăn, việc đến trường của trẻ vùng cao ở đây chưa được chú trọng. Vì thế, thầy Hiếu phải ngày, đêm đi vận động.

Một thời gian cùng ăn, cùng ở với dân, thầy Hiếu phải học tiếng Ca Dong để làm “cầu nối ngôn ngữ” cho học trò. Ban ngày thầy Hiếu dạy chữ cho trẻ, buổi tối thầy đứng lớp dạy xóa mù chữ cho đồng bào. Cứ thế, 21 năm nay, anh đã bám những ngôi làng, gắn bó với dân, với trẻ em vùng khó. Đã có rất nhiều thế hệ trẻ vùng cao được thầy Hiếu giúp đỡ, dìu dắt để tiếp tục học lên cao.

Em Đinh Sông Thành, sinh viên Hội họa đang học ở Huế là một trong những trường hợp ấy. Nói về người thầy của mình, Thành xúc động chia sẻ: “Nếu không có thầy Hiếu em không có ngày hôm nay. Nhờ thầy giúp đỡ, giúp em hoàn thành ước mơ họa sĩ”.

Tuổi trẻ cống hiến không mệt mỏi cho sự nghiệp trồng người ở vùng khó, thầy Hiếu gặp và bén duyên người con gái cũng là đồng nghiệp “cắm bản”, để rồi Sơn Tây là quê hương thứ hai của anh.

Say mê nhiếp ảnh

 

Đua thuyền trên bến sông quê - một tác phẩm của Trịnh Nhân Hiếu.
Đua thuyền trên bến sông quê - một tác phẩm của Trịnh Nhân Hiếu.


Ít ai biết rằng, một nhà giáo quen với việc đứng lớp hằng ngày như thầy Hiếu lại có nhiều tài lẻ. Ngoài đam mê hội họa, sáng tác thơ, anh còn có một đam mê rất lớn - đó là nhiếp ảnh. Anh đến với nhiếp ảnh như một sự tình cờ và niềm đam mê loại hình nghệ thuật này đã được anh đeo đuổi đến tận bây giờ.

Tự mày mò học chụp ảnh qua sách vở và một số bạn bè là nghệ sĩ nhiếp ảnh, rồi những dịp anh em nhiếp ảnh đồng bằng lên vùng cao sáng tác, như cá gặp nước, anh Hiếu hòa mình vào “sân chơi” qua những trại sáng tác của Hội nhiếp ảnh tỉnh. Anh chọn cho mình một cách sáng tạo riêng - săn tìm những khoảnh khắc, thay vì dàn dựng cảnh và trung thành với lối đi này.

Với nguồn cảm hứng vô tận ấy, anh đã rong ruổi khắp nơi để tìm, chớp lấy những khoảnh khắc đẹp của cuộc sống lao động sản xuất, vẻ đẹp hoàn mỹ của thiên nhiên và nhịp sống thường nhật của con người. Ống kính máy ảnh của anh đã thu từng con sông, từng ngọn núi... và còn lưu lại hình ảnh sinh động về sự hồn nhiên của trẻ thơ, những con người chân quê, đôn hậu... bằng tất cả những rung động của tâm hồn.

Đến nay, anh Hiếu đã sáng tác hàng trăm ảnh giàu nghệ thuật, được triển lãm toàn quốc, khu vực và địa phương, như tác phẩm: Âm thanh Brâu; Đua thuyền trên bến sông quê (triển lãm toàn quốc); Hải Đăng Dung Quất; đập thủy điện Đăkđrinh; Ông và cháu (đạt triển lãm ảnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên)... Đó thật sự là những nỗ lực rất lớn của một “tay ngang” của làng nhiếp ảnh.

Nhìn những tác phẩm mang hơi thở cuộc sống, với những khoảnh khắc biết nói của anh Hiếu, tôi hiểu rằng phía trước ống kính đó là một người thầy hết lòng với học sinh và đằng sau đó là một người nghệ sĩ cháy hết lòng với nghệ thuật, theo tinh thần chân - thiện - mỹ.
       

KIM NGÂN
 


.