Cá mòi và hoa hậu

09:08, 31/08/2016
.

TRẦN ĐĂNG

(Baoquangngai.vn)- Mấy bữa nay, sau đêm đăng quang của Đỗ Mỹ Linh, tân hoa hậu Việt Nam năm 2016 đã phải hứng chịu gạch đá tơi bời từ cư dân mạng. Người thì bảo cô răng hô, kẻ nói cô… mắt lác?, thế mà cũng đội vương miện! Thôi thì hết chuyện để chê, để “dìm hàng” người đẹp. 
 
Búa rìu dư luận, nhất là thời buổi “thế giới phẳng” này, ai cũng có thể là “chủ bút” của “tờ báo” nhà mình, ai cũng có thể làm “quan tòa” để phán xét người khác, ai cũng có thể là “chánh chủ khảo” cuộc thi nhan sắc… thì việc hoa hậu bị “chê đủ kiểu” như thế cũng không có gì là lạ.
 
Chỉ lạ một điều là nhan sắc nó có tội tình gì mà mang ra giải phẫu đến từng sợi lông mi như vậy? Suy cho cùng, thi hoa hậu cũng là một cuộc chơi thôi, mà đã là cuộc chơi thì vui là chính, có gì quan trọng để mà sân si nhau ghê gớm đến thế!
 
Nhân chuyện om sòm về cuộc thi sắc đẹp này, chợt nhớ đến câu ca dao của quê nhà, cũng đề cập đến người đẹp, nhưng không phải cuộc thi hoa hậu, dù là hoa hậu… làng, mà là một buổi đón dâu.

 

Tân hoa hậu
Tân hoa hậu Đỗ Mỹ Linh (ảnh Internet)
 
Lớp người trên dưới 50 tuổi, quê Quảng Ngãi, hẳn thuộc hoặc từng nghe câu ca dao này: “Tiếng đồn chị Bốn có duyên/ Anh Bốn đi cưới một thiên cá mòi/ Hổng tin dở quả ra coi/ Mít non ở dưới cá mòi ở trên”. Ca dao Quảng Ngãi có cái mô típ “chị Bốn” hoặc “cô Bốn” (tôi sẽ đề cập ở một bài viết khác), hai câu ca dao trên không đề cập đến tên chị là gì nhưng chắc là thứ 4 nên gọi chị Bốn. Tác giả khuyết danh cũng không đặc tả dung nhan chị Bốn mà chỉ đề cập đến cái “duyên” thôi. 
 
Có thể duyên ở đây là duyên số (lấy được anh Bốn chẳng hạn), cũng có thể là cái duyên mặn mòi (chỉ một dạng của nhan sắc). Nhưng “giá trị” của cái duyên chị Bốn thì… không phải dạng vừa đâu, những “một thiên cá mòi” kia đấy. Không biết ở những nơi khác thế nào chứ ở huyện Sơn Tịnh quê tôi, đơn vị “thiên” không phải là một ngàn mà là một trăm thôi. Mẹ tôi hay nói đến “thiên lúa”, ví dụ “mùa rồi cắt được hai thiên”, nghĩa là 200 ang lúa, bằng một ngàn ký (một ang 5 ký). 
 
Ngày xưa, (khoảng 50 năm về trước) đồ sính lễ mà nhà trai mang đến nhà gái trong ngày cưới hầu như không có nhẫn vàng khuyên bạc (trừ những gia đình giàu có) mà là những vật phẩm có giá trị. Đồ sính lễ giá trị nhất mà anh Bốn mang tặng họ nhà gái trong bài ca dao này là “một thiên cá mòi” (100 con). Nói nó giá trị nhất là bởi vì có người đồn. Giá trị của vật phẩm như thế nào thì mới có tiếng đồn chứ đồ sính lễ chỉ là vài chục con cá chuồn thì ai đồn làm gì! 
 
Tác giả bài ca dao còn sợ “tiếng đồn” nọ sẽ làm nhiều người không tin, bèn dấn thêm một bước nữa: “Hổng tin dở quả ra coi/ Mít non ở dưới cá mòi ở trên”. Vậy là đã rõ, đồ sính lễ được đựng trong một cái quả, gồm hai thứ là mít non và cá mòi, được sắp xếp theo lớp lang chứ không bỏ lộn xộn. Mít non thì không rõ bao nhiêu trái chứ cá mòi thì đúng một thiên nhé! “Duyên” chị Bốn nhà tôi chỉ vậy, có một thiên cá mòi nhưng cũng đủ để cho xóm làng đồn đại! 
 
Qua đây cũng thấy “vị trí” của con cá mòi trong đời sống của người dân thôn quê một thời nó giá trị biết chừng nào. Nó có thể thay nhẫn vàng khuyên bạc, thay cả xe hơi nhà lầu như thời nay chứ chả chơi. Thế mới thấy ông bà mình một thời nghèo khó đến nhường nào! 
 
Tôi còn nhớ, cả nhà 5-7 miệng ăn nhưng đến bữa, mẹ tôi chỉ “nhón” đúng một con cá mòi, rắc thêm nắm muối, bỏ vào một cái tộ, đợi cơm sôi chắt nước xong mới bỏ vào nồi để chưng. Nước mỡ từ con cá mòi rỉ ra hòa mới nắm muối mà mẹ tôi đã bỏ vào tô cũng đủ cho cả nhà qua bữa. Cái duyên của chị Bốn đã đủ cho cả nhà qua một trăm bữa ăn, kể mà thương cho phận người một thuở.
 
Dễ có đến bốn chục năm nay, con cá mòi quê hương đã bỏ đi biệt tích. Duyên chị Bốn cùng đồ sính lễ cũng chỉ còn trong trí nhớ của lớp người già. “Xe cup đã thay ngựa tía võng điều” (thơ Nguyễn Duy) nhưng mùi thơm ngây ngất của con cá mòi trong chiếc quả đựng đồ sính lễ cũng như khi nó được lấy ra trong nồi cơm vừa chín tới từ tay bà mẹ quê sao cứ đeo đẳng lấy tôi chẳng thể nào rời. 
 
Coi đám cưới chị Bốn theo chồng mà còn vui hơn xem hoa hậu. 
 

.