Tuyển tập 40 năm Văn xuôi Quảng Ngãi: Sự tri ân sâu sắc

02:06, 18/06/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Từ sau khi đất nước hoàn toàn được giải phóng đến nay, bên cạnh những thành tựu lớn về kinh tế - xã hội của tỉnh, văn học nghệ thuật (VHNT) cũng đồng hành cùng sự lớn lên từng ngày của quê hương và đã gặt hái được những thành tựu đáng khích lệ.

 

 

Tuyển tập dày gần 500 trang, gồm hai phần chính là văn xuôi và phần lý luận- phê bình. Phần văn xuôi gói gọn trong 38 tác phẩm của các tác giả Thanh Thảo, Mai Bá Ấn, Cao Chư, Phạm Đương, Lê Hồng Khánh, Hồ Nghĩa Phương, Lê Văn Sơn, Thanh Tánh... Phần lý luận- phê bình có 20 tác phẩm.

Sự ra đời của Tuyển tập 40 năm Văn xuôi Quảng Ngãi là những ghi nhận về đóng góp của giới văn nghệ sĩ tỉnh nhà. Ông Lê Văn Sơn - Chủ tịch Hội VHNT tỉnh, cho biết, để cho ra đời Tuyển tập 40 năm Văn xuôi Quảng Ngãi, Ban Biên tập đã có nhiều nỗ lực trong việc tuyển chọn, biên tập, nhằm tôn vinh những người đã hết lòng vì con đường thơ - văn của tỉnh nhà, cho ra đời những tác phẩm có chất lượng, phản ánh đầy đủ, sinh động và rõ nét nhất về quê hương núi Ấn - sông Trà.

Nối tiếp truyền thống văn hóa, văn học của vùng đất địa linh nhân kiệt; noi gương các thế hệ nhà thơ, nhà văn đã làm rạng danh quê hương; trong 40 năm qua, đội ngũ văn nghệ sĩ tỉnh nhà đã tiếp tục phát huy sức mạnh của VHNT trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước; vượt qua bao khó khăn, gian khổ của đời sống thường ngày, các tác giả đã đem tâm huyết của mình viết nên những trang văn phản ánh hiện thực cuộc sống qua những rung động thẩm mỹ của chính mình.

Tuyển tập là nơi hội tụ những tác phẩm của các tác giả một lòng cống hiến cho nền VHNT cả nước nói chung và Quảng Ngãi nói riêng. Mở đầu tuyển tập, người đọc dễ dàng tiếp cận thông qua lời giới thiệu rõ nét.

So với thành tựu thơ, văn xuôi Quảng Ngãi còn khá khiêm tốn trên mặt bằng chung của văn đàn cả nước. Nhưng nhìn chung trong dòng chảy của văn học đương đại, văn xuôi Quảng Ngãi cũng đã gặt hái nhiều thành tựu trong tiến trình phát triển của văn học tỉnh nhà 40 năm qua, với một đội ngũ sáng tác đông đảo, ngày càng đa dạng về độ tuổi và phong phú về bút pháp, như: Thoại Văn, Phong Đăng, Nguyễn San, Phạm Quy, Thanh Tánh, Vũ Thị Thanh, Nguyễn Anh Tuấn, Xuân Dũng, Mai Duy Quý, Phạm Văn Hoanh... và các nhà thơ, nhà nghiên cứu viết văn xuôi như: Nguyễn Trung Hiếu, Thứ Lang, Thanh Thảo, Nga Ri Vê, Hoài Hà, Phạm Đương, Mai Bá Ấn, Cao Chư, Trần Cao Duyên, Nguyễn Ngọc Trạch, Lê Hồng Khánh...

Đối với lý luận- phê bình, trước thời kỳ đổi mới, Nguyễn Đức Quyền đã có những công trình đến bây giờ vẫn còn lưu dấu ấn trên giảng đường các trường phổ thông và đại học. Sau đổi mới, bên cạnh những bài viết của đội ngũ giảng viên, giáo viên tại các trường học như Võ Vĩnh Khuyến, Nguyễn Diên Xướng, Bùi Huyền Tương, Trần Thu Hà, Đoàn Thị Minh Trà, Sơn Trần... cùng các nhà nghiên cứu văn hóa như Nguyễn Đăng Vũ, Cao Chư, Lê Hồng Khánh, Nguyễn Thái Bình... đặc biệt là những công trình lý luận- phê bình của Thanh Thảo cùng với sự vươn lên và từng bước chuyên nghiệp hóa của hai cây bút Mai Bá Ấn, Trần Hoài Anh.

Mỗi một tác giả có hướng đi riêng cho mình và tạo nên những tác phẩm gắn liền với tên tuổi, tạo sức hút riêng. Tuy nhiên, họ đều có chung một chí hướng, đó là tạo nên những tác phẩm- những đứa con tinh thần bằng sự cảm nhận, sự hiểu biết, góp phần vào việc tô thêm sắc màu cho cuộc sống, cũng như góp phần xây dựng quê hương và bảo vệ Tổ quốc.
         

Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG


 


.