Kỉ niệm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21.6: Đi núi không?

09:06, 21/06/2016
.
 

(Baoquangngai.vn)- "Đi núi không?" là câu hỏi tôi thèm được nghe nhất từ các anh, chị đồng nghiệp trong làng báo Quảng Ngãi. Chỉ một câu hỏi thôi mà chứa đựng trong đó tinh thần lăn xả vì nghề nghiệp và sự dìu dắt, chia sẻ của những đồng nghiệp trong nghề.
 
Tôi là một cử nhân Luật, bước vào nghề báo như một kẻ tay ngang nên bước đầu học nghề vô cùng khó khăn. Ban đầu, tôi chẳng biết viết gì ngoài những tin tức "xe cán chó, chó cán xe" hoặc tin tức từ cuộc họp. Một nhà báo kì cựu nói với tôi rằng, viết mãi như vậy thì không bao giờ trở thành nhà báo được. Tôi loay hoay không biết làm sao.
 
Cô giáo Đinh Thị Thiết, nhân vật trong chuyến đi tác nghiệp nhân ngày nhà giáo Việt Nam 20.11.2014. Ảnh: Hiền Linh.
Cô giáo Đinh Thị Thiết, nhân vật trong chuyến đi tác nghiệp nhân ngày nhà giáo Việt Nam 20.11.2014. Ảnh: Hiền Linh.
 
Nhìn sang các anh, chị đồng nghiệp, tôi thấy phần lớn các bài viết hay, độc đáo đều là kết quả của các chuyến đi miền núi. Vì thế, tôi bắt đầu "xin" đi theo. Rồi khi đã thân quen và “được lòng” các anh, tôi thường được thương quý rủ rê: “Đi núi không mày?”, “Đi núi không em?”. “Đi núi không? Có lẽ là mẫu câu về chuyện đi tác nghiệp nhiều nhất tôi được nghe. Hầu như lần nào cũng nghe bằng một tâm trạng hăm hở, phấn khích, sẵn sàng “xách ba lô lên và đi” ngay.
 
Những chuyến đi miền núi đã đắp đầy trải nghiệm của một thanh niên suốt ngày ngồi trên máy tính như tôi và gắn chặt tình cảm với những người anh, chị đồng nghiệp. Những chuyến đi cho tôi hiểu quê hương mình dài rộng ra sao, nơi ấy đồng bào sống thế nào. Những cô giáo người Kinh lên mạn ngược xa xôi vất vả để chở con chữ đến với các em... Nếu tôi đi núi nhiệt tình, các anh, chị sẽ gật đầu: “Thằng này được, làm siêng”, còn khi nào tôi lười thì các anh tặc lưỡi: “Cái thằng đó nó làm biếng, ở nhà ru rú suốt”.
 
Tôi nhớ nhất chuyến lên huyện miền núi Sơn Tây cùng các anh chị PTQ và Hà Xuyên-một người từng gắn bó với Báo Quảng Ngãi. Chiếc ô tô uốn lượn trên những sườn núi chông chênh làm một đứa say xe kinh niên như tôi nôn thốc nôn tháo, Hà Xuyên trách vui: “Bộ tui xấu lắm sao mà thấy tui là mắc ói vậy ba”, làm cả xe cười nghiêng ngả.
 
Đến nơi, chúng tôi "gạ" ông Lê Hoài Thạnh-Trưởng Phòng Giáo dục huyện Sơn Tây để tìm một cô giáo vùng cao điển hình. Nơi ấy, chúng tôi cùng hai thầy giáo chạy xe máy băng qua ngọn núi bên hồ thủy điện Đăk Đrink để gặp cô Thiết cùng những học trò Cadong được cô nuôi bằng đồng lương giáo viên.
 
Chưa đầy 3 tuần sau, đúng vào ngày 20-11,nhờ bài báo của anh Minh Huy trên báo Tuổi Trẻ, Phó Bí thư Tỉnh ủy Trần Văn Minh đã đến trao số tiền 200 triệu đồng do một doanh nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh tặng cô Thiết để nuôi dưỡng các em học sinh. Sáng hôm sau thì các báo đồng loạt lên bài "đinh".
 
Bốn giờ sáng hôm đó, tôi cùng chị Ái Kiều theo xe Phó Bí thư trở lại huyện miền núi Sơn Tây. Cuộc “vi hành” bất ngờ của Phó Bí thư Trần Văn Minh khiến lãnh đạo huyện cũng bất ngờ, nhưng không phải cầu kì đón tiếp vì người mà chúng tôi cần gặp là cô giáo Đinh Thị Thiết và các em. 
 
Trước sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, các thầy cô giáo ở trường không giấu nỗi xúc động, cô giáo Thiết cùng các em thơ ngơ ngác của cô đã đi mấy cây số đường núi để đến điểm trường chính nhận quà từ tay Phó Bí thư. Hôm ấy, chứng kiến món quà được trao tận tay cô Thiết và các em, cảm nhận niềm vui trong những ánh mắt ấy, tôi bỗng thấy nghề nghiệp của mình ý nghĩa biết chừng nào.
 
Tôi vào Khánh Hòa theo yêu cầu của cơ quan cũ nhưng không thể nào có được cái không khí ấy, nên thi thoảng vẫn nhớ: “Đi núi không?”, mà không rõ là ai gọi. 
 
Có những buổi chiều miền ngược mưa giăng kín trời mà đường về thì đầy bùn đất, tôi cùng anh đứa dắt, đứa đẩy chiếc xe máy đang gầm gừ rú ga để vượt qua một đoạn đường đất đỏ ngầu nhão nhoét lầy lội. Có những buổi chở người trên con đường xa ngái, nhìn khung cảnh núi rừng bát ngát, nhìn trời cao gió lộng, có thể tôi đã có một khắc rung rinh với em... mà chưa từng thổ lộ.
 
Một bữa khi đã về lại quê nhà, tôi sướng vui khi có người rủ: “Đi núi nhé” và bao nhiêu ủ ê tan biến hết. Tôi lại trở lại với nghề báo, cái nghề tôi yêu dẫu có lúc cũng lắm nỗi muộn phiền. Chỉ một câu hỏi ngắn: “Đi núi không?” mà ẩn chứa trong đó là cả tinh thần dấn thân, lăn xả vì nghề nghiệp, cả tinh thần sẻ chia, dìu dắt của những anh em trong nghề.
 
Lâu ngày không ai gọi, tôi bỗng thèm được nghe: “Đi núi không Linh?"
 
Hiền Linh

.