Hai nửa trái tim

02:06, 12/06/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Hình ảnh người phụ nữ luôn đồng hành cùng thơ ca bởi họ vừa là đề tài, vừa là lực lượng sáng tác biểu diễn. Nét đẹp đời người, những phẩm chất tốt đẹp, thiên chức làm mẹ, những đóng góp trong xã hội... của phụ nữ luôn là kho tàng phong phú cho giới nghệ thuật sáng tác.
 
Thực tế trong kho tàng văn học, nghệ thuật của Việt Nam cũng như thế giới, có khá nhiều tác phẩm hội họa, thơ ca khắc họa hình ảnh người phụ nữ, người mẹ, tình yêu, vẻ đẹp hình dáng và tâm hồn, những đức tính cao quý, đảm đang, thủy chung...
 

xcbcb
 

Với văn học - nghệ thuật Việt Nam nói chung, Quảng Ngãi nói riêng, tình mẫu tử được ngợi ca bởi hình ảnh tảo tần, chắt chiu, dành tâm, trí, lực cho mái ấm gia đình, cho nuôi dạy con trẻ, cho một tương lai tươi sáng mà tựu chung là sự hạnh phúc. Qua đó cũng vọng lên lời tri ân của những người con dù ở bất cứ nơi đâu, hoàn cảnh nào, chân trời hay góc bể.

“Mẹ ơi bìm bịp kêu chiều/ Nắng mưa lụt bão liêu xiêu bãi đồng”, hay “Lặng lờ trong đục riêng ta/ Tiếng chim vẳng lại biết là hồn quê” (Bìm bịp kêu chiều – Hồ Nghĩa Phương). Với Phan Bá Trình trong bài Gió từ tay mẹ đã viết: “Gió từ tay mẹ thổi ra/ Mang bao nỗi nhớ quê nhà theo con”, hay “Ngược xuôi cuối bể đầu non/ Về ngồi bên mẹ nhổ mòn tóc sâu”.

Còn với Bùi Tấn Xương trong tác phẩm Mẹ ơi cũng đã khắc họa sâu đậm sự hạnh phúc tuổi thơ khi có mẹ: “Cái hạnh phúc tự nhiên đơn giản lắm/ Là được tắm trong suối nguồn sữa mẹ/ Được bế bồng trong tiếng mẹ à ơi!”. Còn góc độ người mẹ thời kháng chiến gian lao, tác giả Bùi Thông đã hoài niệm bằng tác phẩm Xuân về nhớ mẹ: “Thuở còn thơ đầu cạo trọc gáo dừa/ Con hay làm nũng vòi quà với mẹ/ Nhà mình nghèo mẹ gánh tuổi xuân đi qua thời son trẻ/ Lặn lội chợ đời vất vả chuyện chồng con”.

Với nghĩa vợ chồng, nhà báo, nhà thơ Nguyễn Quang Trần thể hiện khá sâu sắc qua tác phẩm Bài tình ca thứ nhất: “Nửa cuộc đời với bao nỗi gian lao/ Em vẫn lặng lẽ như là hoa cỏ/ Lặng lẽ tỏa hương trong gió/ Thành bài thơ anh viết lúc nửa cuộc đời”. Nhà thơ Lê Văn Thuận thì thổn thức với tình yêu, với niềm hạnh phúc lứa đôi với bài thơ Hai nửa trái tim:  “Hai nửa trái tim hòa nhịp đập/ Chia sẻ cho nhau những ngọt bùi”.

Tình yêu và hạnh phúc là thế đấy, nên dù ở lứa tuổi nào khi đã yêu nhau thì tình yêu cao cả, rung động đến không ngờ: “Em chợt đến tôi điếng hồn mấy bận/ Sợ thiên thần sợ nước mắt vào trong” (thơ Xuân về an vui của Lê Thanh Phách). Và dường như trong mỗi bài thơ về đề tài phụ nữ đều không thể không nhắc đến các phẩm chất tốt đẹp của phụ nữ như lòng tự tin, tinh thần tự trọng, tính đảm đang, khẳng định mình...

Cùng với thơ là nhạc, như bài Mùa xuân nho nhỏ, thơ Thanh Hải, nhạc Trần Hoàn; Huyền thoại mẹ nhạc Trịnh Công Sơn; Hát về Mẹ Việt Nam Anh hùng của An Thuyên... là sự phối hợp nhịp nhàng cung bậc giai điệu, ca từ, độ trầm bổng của thơ và nhạc, đủ sức lan tỏa vào tâm hồn mọi người... khắc họa hình ảnh người mẹ Việt Nam cao thượng, những cung bậc tình yêu, niềm hạnh phúc lứa đôi. Âm hưởng của nó là tiếng yêu thương, niềm hạnh phúc gia đình, hạnh phúc lứa đôi... hòa quyện vào nhau kết nối quá khứ, hiện tại và tương lai của hai nửa cuộc sống – điều không thể thiếu đối với mọi người!

BÙI VĂN TẠO
 


.