Giữ cội nguồn giữa đại ngàn

09:05, 23/05/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Tiếng chiêng ngân vang giữa đại ngàn hòa cùng tiếng suối chảy róc rách. Từng giọt rượu thơm rót ra từ bộ ché quý mời khách đến thăm. Đó là những tài sản quý giá mà các già làng đồng bào Ca Dong ở rẻo cao Sơn Tây đã gìn giữ lại cho con cháu.

TIN LIÊN QUAN

Giữ truyền thống trong thời hiện đại

Cơn mưa rừng vừa tạnh. Vùng cao Sơn Tây như giải nhiệt sau những ngày nắng gắt. Phía xa, từng làn mây trắng vắt ngang đỉnh núi giữa đại ngàn trùng điệp. Ngôi nhà của già Đinh Văn Nam ở thôn Mang Tà Bể, xã Sơn Bua nằm bên cung đường Đông Trường Sơn. Nghe có người gọi, già Nam đang ở điểm trường gần đó liền đi bộ về nhà. Ông là già làng uy tín, gương mẫu của khu dân cư Nước Toa. Người làng xem ông là người có công lớn trong việc gìn giữ những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của đồng bào Ca Dong.

Trẻ con trong nhà già Lập thích thú với các bộ chiêng cổ còn lưu giữ.
Trẻ con trong nhà già Lập thích thú với các bộ chiêng cổ còn lưu giữ.


Trong góc bếp nhà già Nam là bộ ché gồm 9 cái với nhiều kích thước, hoa văn khác nhau. Già Nam cho hay, ché dùng để ủ rượu truyền thống phục vụ các dịp lễ cúng quan trọng của đồng bào. Rượu của người Ca Dong gồm có ba loại làm từ củ mì, lúa rẫy hay nếp than, trộn với loại men làm từ lá rừng, ủ trong ché 7 ngày là dùng được. Ché càng cổ, rượu càng ngon. Ngoài bộ ché quý, già Nam còn lưu giữ lại hai bộ chiêng gồm bộ 7 và bộ 8.

Nghe tiếng nhạc văng vẳng từ xa, già Nam tâm sự, tụi trẻ bây giờ thích hát karaoke, nghe nhạc trẻ. Mình không cấm điều đó, vì giới trẻ cũng phải thích nghi, đón nhận cái mới. Nhưng để những bài hát, điệu chiêng của dân tộc không bị mai một, trong các ngày hội họp, lễ cúng, già luôn dặn dò con cháu phải biết gìn giữ cội nguồn.
 

"Văn hóa đồng bào Ca Dong có sự giao thoa giữa cộng đồng dân tộc Tây Nguyên và dân tộc Hrê như về trang phục. Nhưng đồng bào Ca Dong vẫn có những nét đặc trưng khác biệt đó là không theo chế độ mẫu hệ, nhưng phụ nữ có tiếng nói giá trị trong gia đình, nam nữ bình đẳng nhau".
Đinh Rô Nga - Phó Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Sơn Tây.

Phát huy vai trò “hạt nhân”

Dong xe theo cung đường Đông Trường Sơn về hướng Quảng Nam, chúng tôi băng qua cầu treo suối Nước Bua rồi theo lối đường đã bê tông kiên cố. Bên chân núi Chớt, khu dân cư Mang Châu, thôn Nước Tang, xã Sơn Bua với hơn chục mái nhà sàn san sát nhau hiện ra. Từ lâu, ngôi nhà sàn của ông Đinh Văn Lập là điểm gặp gỡ, tập trung thường xuyên của người làng.

Mái tóc bạc phơ, dáng người gầy mảnh khảnh, già Lập đang ngồi sửa soạn lại bộ chiêng cổ của gia đình. Mấy đứa cháu nhỏ tinh nghịch dùng dùi đánh chiêng phát ra âm thanh lúc trầm lúc bổng, rồi mỉm cười thích thú. Bộ chiêng có nhiều kích thước khác nhau. Có nhiều cái chiêng cũ kỹ, sứt mẻ vài chỗ. Già Lập giải thích, đối với chiêng, tuyệt đối không chà rửa dưới nước. Vì như thế chiêng sẽ bị mất tiếng. Chiêng của người Ca Dong chia thành các bộ phân biệt theo âm thanh, nhưng ý nghĩa sử dụng như nhau.

Ngoài bộ ché gồm 9 cái, già Nam còn gìn giữ hai bộ chiêng cổ do ông bà để lại.
Ngoài bộ ché gồm 9 cái, già Nam còn gìn giữ hai bộ chiêng cổ do ông bà để lại.


Già Lập kể, để giữ lại 18 cái chiêng cổ, gia đình đã từ chối biết bao lời gạ gẫm của thương lái đổi lấy số tiền lớn. Từng có khoảng thời gian, người làng rộ lên phong trào đổi chiêng, ché lấy xe máy, ti vi. “Hai bộ chiêng là của ông bà tổ tiên để lại, ước chừng hàng trăm năm tuổi rồi. Nhiều người từng bán chiêng đi, đến lúc nhà có việc lại đến già mượn chiêng về thực hiện các nghi lễ cúng”, già Lập cho hay.

Những người già ở Sơn Tây tự hào vì nhiều thanh niên Ca Dong biết đánh chiêng. Trong văn hóa cồng chiêng của người Ca Dong, bất kể là nam hay nữ, nếu biết đánh chiêng đều được tham gia. Chính điều này đã góp phần gìn giữ văn hóa cồng chiêng của người Ca Dong. Có người còn cất công mang cây rừng làm men rượu về trồng bên dòng suối cạnh nhà, để không đánh mất hương vị truyền thống như bà Đinh Thị Út, em gái của già Lập.

Bà Đinh Rô Nga - Phó Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Sơn Tây cho biết, để gìn giữ những giá trị văn hóa của đồng bào Ca Dong, bên cạnh việc động viên các “hạt nhân” như già Nam, già Lập, bà Đinh Thị Dứa, già Đinh Ka La, già Đinh Văn Bun... lưu giữ lại các bộ chiêng, ché, sáo dọc, các bộ dây, làn điệu ca lêu, ca choi, ra nghe... ngành văn hóa còn khuyến khích giới trẻ tự học hỏi lẫn nhau, tạo điều kiện cho học sinh tham gia các hoạt động văn hóa văn nghệ.


Bài, ảnh: BẢO HÒA

 


.