Trần Thuật Ngữ và những chuyến hành phương Nam

09:04, 30/04/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đến với làng thơ không ồn ào, gấp gáp, Trần Thuật Ngữ cứ lặng lẽ góp nhặt, chắt chiu và dâng tặng cho đời những vần thơ dung dị mà thật nhiều xúc động. Thơ Trần Thuật Ngữ đã “chạm” vào trái tim bao bạn đọc bởi sức nặng tâm tình, sức nặng cộng cảm, và hơn cả là sự đồng điệu tâm hồn.
 

 

 Nhà thơ Trần Thuật Ngữ - tên thật là Trần Bá Thiện, sinh năm 1946, quê làng Long Phụng nay thuộc xã Đức Thắng, huyện Mộ Đức, là hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Ngãi.
Nhà thơ Trần Thuật Ngữ - tên thật là Trần Bá Thiện, sinh năm 1946, quê làng Long Phụng nay thuộc xã Đức Thắng, huyện Mộ Đức, là hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Ngãi.

Từ những năm 1967, thơ của ông đã được đăng trên các tạp chí: Đất nước, Văn, Quần chúng, Khởi hành... với những tác phẩm đã trở nên gần gũi với người yêu thơ thời bấy giờ như Thư tình mùa xuân, Gửi em chiếc lá cây xanh, Phượng... Và mới đây nhất ông đã xuất bản tập thơ: “Những bài thơ viết dưới trời xuân thu” - NXB Văn nghệ; tập hợp những sáng tác gần đây nhất của ông.

“Những bài thơ viết dưới trời xuân thu” là những trải nghiệm cùng những nỗi niềm, trăn trở của một người con quê hương. Thơ ông luôn mang nặng dáng hình quê hương, đất nước, và ở đó còn là niềm tin, là hy vọng vào một tương lai tươi sáng. Có phải năm nào xưa không em/Mùa xuân hoa nở đỏ bên thềm/Em như con bướm vàng bay mỏi/Đậu xuống lòng anh run nắng im... (Gặp lại Hà ở Sài Gòn).

Tình yêu luôn là đề tài sáng tác bất tận cho văn nghệ sĩ, với nhà thơ Trần Thuật Ngữ, tình yêu trong ông không đơn thuần chỉ là tình yêu đôi lứa, đó còn là một tình yêu rất đỗi thiêng liêng mà ông dành cho quê hương, tuổi thơ.

Quê hương ông bên dòng sông Vệ hiện ra như bức tranh đầy màu sắc, để ông thả hồn mình cùng dòng sông “như câu chuyện cổ”, “như tiếng hát ru”, mà có khi cũng “như con ngựa chứng” trong thơ ông.

Với ông, câu chuyện cổ tích còn là những đêm “trăng bốn mùa đẹp như mắt trẻ thơ” trong sân đình Long Phụng, âm nhạc với ông là tiếng chim, tiếng sóng ngân vang, chân đất, đường làng cứ thế như đưa ông về với một thời quá vãng.

Một thời tuổi trẻ nhiệt huyết đã đưa ông đến những miền đất xa xôi, để rồi cũng chính những nơi này đã gieo vào lòng ông những cảm xúc khó phai. Tây Nguyên hùng vĩ, đất và người nơi đây những năm sau chiến tranh còn nhiều gian khổ. Bài Tây Nguyên hành được ông viết vào năm 1986, trong dịp ông cùng với người bạn đi lên Tây Nguyên.

Những cơn mưa chiều nơi miền cao nguyên đất khách càng làm cho nỗi nhớ quê hương của những người con xa xứ thêm cồn cào, da diết. Có chăng, thứ duy nhất làm cho chí nam nhi vơi bớt nỗi buồn là những chén rượu tiêu sầu, nhưng rồi sao mắt vẫn ướt lệ nhòa. Có phải bao đêm hồn đất khách/Còn đau câu chuyện dưới trời xa/Đêm rừng ru tiếng chim kêu lạnh/Những bóng mưa qua những mái nhà... (Tây Nguyên hành).

Mỗi người một phận, sau những chuyến hành Tây Nguyên và hành phương Nam, Trần Thuật Ngữ đã trở lại quê nhà. Long Phụng, Cô thôn, núi Ấn, dòng sông Trà, sông Vệ... lại in dấu chân ông. Đã ngoài thất thập, trải qua một đời phiêu bạt, chứng kiến bao thăng trầm của lịch sử, có lẽ thơ Trần Thuật Ngữ giờ như sâu lắng hơn, bởi bản thân ông dần thấu hiểu được những giá trị của cuộc sống.

Tình yêu quê hương, đất nước, con người trong thơ ông như được thêm sức mạnh, vẫn cùng ông thăng hoa trong cảm xúc thơ ca và vững tin trên chặng đường đi đến những giá trị lành mạnh trong tâm hồn.


Bài, ảnh: Huỳnh Thế


.