Thơ Xuân Diệu, vài cảm nhận

04:04, 04/04/2016
.

Thanh Thảo


(Baoquangngai.vn)- Trong tập “Thơ Thơ” viết cách đây đã hơn 80 năm, Xuân Diệu có bài “Đi thuyền” chỉ vỏn vẹn 6 câu, nhưng phát lộ một tuyên ngôn về sự chuyển động trong thơ ông:

                                “Cái bay không đợi cái trôi
                                Từ tôi phút ấy sang tôi phút này”


Nếu “cái bay” là đặc tính lãng mạn riêng trong thơ Xuân Diệu, một đặc tính đã đưa ông lên hàng chủ soái của dòng thơ lãng mạn 30-45, thì “cái trôi” lặng lẽ hơn, lại âm thầm đưa thơ ông tới nhiều bến bờ khác lạ qua những giai đoạn khác nhau của đời thơ ông. Tôi nghĩ, với một sự nghiệp thơ lớn như sự nghiệp thơ Xuân Diệu, thì coi nó như một dòng sông có lẽ thích hợp hơn là ví nó như một cánh chim hay một cái…máy bay, dù là chim én hay máy bay siêu thanh.

Đặc tính của một dòng sông lớn là trôi chảy và thu hút, bồi đắp và phá vỡ. Vì vậy hai bờ sông thường có bên bồi và bên lở. “Chúng tôi ngồi ở giữa một bài thơ” (“Biệt ly êm ái”) là phá vỡ một cấu trúc của câu thơ cổ điển, kể cả cấu trúc của câu thơ lãng mạn. Nó có thể tiếp cận với cấu trúc của một câu thơ hậu hiện đại, bởi cái động từ “ngồi” hết sức bình dân kia, nhất là khi lại “ngồi ở giữa một bài thơ”.

Vậy thì bài thơ ấy giống cái gì? Nó không thể giống tất cả những bài thơ trước đó, vì nó có thể là một chiếc chiếu hay một không gian, tùy cách người đọc lựa chọn.

Làm thơ thường nương nhờ vào sự may rủi, bất thần, nhưng đó là là cái may rủi hay bất thần của tài năng. Thật không khó để nhận ra tài năng trong thơ Xuân Diệu, nhưng còn sự bất thần? Tôi cảm giác, dòng sông thơ Xuân Diệu thường có những vực xoáy đột ngột, nhưng không nhằm dìm chết hay gây choáng cho ai, mà lại tạo nên sự cộng hưởng, trong đó âm thanh và ánh sáng, nhạc và người, ký ức và hiện tại hô ứng, giao hưởng:

                              “Thu lạnh, càng thêm nguyệt tỏ ngời
                                 Đàn ghê như nước, lạnh, trời ơi
                                 Long lanh tiếng sỏi vang vang hận
                                 Trăng nhớ Tầm Dương, nhạc nhớ người…”

                                                  (Nguyệt cầm)

Đó là đoạn thơ của những năm 30, còn đoạn thơ này của những năm 60 thì sao:


                        “Đường Láng thơm bạc hà, kinh giới
                         Ôi trăng soi trên lá xà cừ”

                                      (Đêm trăng đường Láng)

Lắng kỹ, câu thơ ấy có âm thanh, sắc màu và mùi vị tương hợp, nhưng cấu trúc của nó lại ngẫu nhiên vô cùng. Một số nhà phê bình cho rằng ở giai đoạn sau, thơ Xuân Diệu có phần dễ dãi. Tôi cho là họ nhầm! Khi dòng sông chảy ra gần tới biển, nó trải ra, lưu tốc chậm dần, và sự thân thiện của nó nhiều khi khiến người ta nhầm với sự dễ dãi. Nhưng ở ngay đoạn cuối ấy, dòng sông vẫn đầy những ngẫu nhiên.

Thơ Xuân Diệu giai đoạn sau 1960 không phải toàn bài hay, nhưng ở những bài thơ hay, sự giản dị đã ở vào đoạn cuối của dòng sông sắp gặp biển. Nó mênh mang một cách tự nhiên, và tự nhiên một cách ngẫu nhiên:

                                 “Tôi lắng kỹ, mới thấy trong cái nhạt
                                    Có một màu ngọt nhẹ đến lâng lâng…”

                                                 (“Cho chú xin một quả si”)

Và đây nữa, một “quả sấu non trên cao”:

                                  “Một ngày một lớn hơn
                                     Nấn từng vòng nhựa một
                                     Một sắc nhựa chua giòn
                                     Ôm đọng tròn quanh hột…”


Rồi:

                                      “Thoáng như một nghi ngờ
                                      Trái đã liền có thật”

                                           (Quả sấu non trên cao)

Đó là quá trình hình thành của sự sống, nó thân thiện, tự nhiên và ngẫu nhiên. Thơ ấy là thơ hiện thực, nhưng nó nhuốm màu sắc của tượng trưng và siêu thực. Có điều, nó tự nhiên, gần gặn và bất ngờ như sự sống.

Theo tôi, người ta cần nghiên cứu sâu hơn về giai đoạn thơ gọi là “hiện thực” của Xuân Diệu, vì nó có những “vực xoáy” còn bất ngờ hơn cả trong thơ lãng mạn của ông. Ở một nhà thơ lớn, thì tuổi càng cao, thơ càng chín, nó mộc mạc đến tận cùng, thô ráp và tự nhiên đến tận cùng, như đời sống:

                              “Má gọt thịt cho ăn
                              Đến khi lưa cái hột
                              Vẫn ôm lấy cạp hoài
                              Bởi cứ còn ngon ngọt”

                                   (Xoài thanh ca Bình Định)

Ngôn ngữ thơ khi được đẩy đến tận cùng, nó “thô sơ và hực sáng” như thế đấy!

Còn khi thơ đã chín như xoài thanh ca, thì đến cái hột của nó vẫn còn đầy chất ngọt. Bạn đã thử chưa?
   


.