Mùa lễ hội hiến trâu của người Cadong

04:04, 09/04/2016
.

(Baoquangngai.vn)- Đúng hẹn lại lên, những ngày này, đồng bào Ca dong nơi xứ ngàn cau Sơn Tây lại tưng bừng với lễ hội hiến trâu theo phong tục truyền thống, tạ ơn thần linh năm qua đã phù hộ cho dân làng no ấm. Cùng với đó là gửi gắm mong cầu an vui, sức khỏe và vạn điều may mắn sẽ “gõ cửa” trong vụ mùa tiếp theo.
Phong tục bao đời
 
Bước qua tháng 4, khi hoa gạo rực đỏ dưới cái nắng gắt như “điềm báo” một mùa hạ nữa gần sang thì cũng là lúc lễ hội hiến trâu lại rộn ràng hơn bao giờ hết. Vui hơn hết là gia đình già Đinh Văn Lập (75 tuồi) trú thôn Mang Châu, xã Sơn Bua. Lần này đến phiên già Lập tự nguyện dâng trâu, cúng thần linh cho cả làng cùng hưởng phước phần trọn vẹn của năm Ất Mùi đã qua. Bà con tề tựu về đây khá đông vào những ngày trước, khi chúng tôi chưa lên tới. 
 
Ông thuộc diện giàu có trong thôn nên số lần hiến trâu không thể đếm xuể. Lễ hội hiến trâu cứ thế kéo dài trong 11 ngày. Dưới nóc nhà sàn sừng sững, mọi người đồng thanh hát vang những làn điệu Ka - lêu, Ka - choi đặc trưng của dân tộc mình, bay bổng theo những gót chân thon nhỏ của những thiếu nữ Ca dong đang múa uyển chuyển theo tiếng cồng chiêng ngân vang… tựa như thần linh giao cảm về chung vui cùng. 
 
Già Lập chia sẻ: “Đây còn là dịp để tôi bày tỏ tình cảm đến bà con, chòm xóm, họ hàng gần xa đã luôn giúp đỡ gia đình; kết nối tình cảm keo sơn, gắn bó giữa xóm làng với nhau”.
 
Vì lẽ đó, mà dù có ngăn cách dặm trường, tha hương tứ xứ thì đến ngày lễ trọng đại này, con cháu trong làng tất thảy đều sắp xếp công việc, hồi hương tham dự để tưởng nhớ về ông bà, tổ tiên, sum vầy bên gia đình, người thân, bè bạn.
 
 
Dựng câu nêu là một trong những công việc quan trọng trong lễ hiến trâu.
Dựng cây nêu là một trong những công việc quan trọng trong lễ hiến trâu.
 
Nếu trong lễ ăn trâu của các dân tộc anh em khác cư trú trong tỉnh đòi hỏi người dân trong làng phải cùng nhau đóng góp rượu, gà, nếp… thì với người Ca dong nó tinh giản hơn rất nhiều. Các hộ chỉ việc góp công sức xuyên suốt quá trình hành lễ. Mọi thứ còn lại do người hiến trâu lo liệu.
 
Cây nêu cũng là thứ không thể thiếu trong công tác chuẩn bị. Việc lên rừng chọn cây gỗ tốt được giao cho trai tráng có sức khỏe của thôn. Cây nêu của người Ca dong độc đáo và cầu kỳ hơn rất nhiều so với người Cor và H’re với đặc điểm dễ nhận dạng là có nhiều hoa văn, họa tiết công phu, cao hơn chục mét đứng. Phần thân cây có trang trí thêm những dải hoa được làm từ các loại cây rừng. 
 
Khi cây nêu đã được dựng chỉ thiên đâu vào đó, gia đình sẽ thực hiện nghi lễ cúng cây nêu và buộc trâu vào gốc, báo với Giàng vật hiến đã sẵn sàng. Con trâu hiến tế là trâu đực, tơ, mập mạp được già Lập mua ở ngoài làng và dắt về làng trước đó vài ngày. Trước khi dắt trâu ra buộc vào cây nêu và tiến hành đâm phép, già Lập tranh thủ cho trâu ăn những bó cỏ cuối cùng được chuẩn bị sẵn. 
 
Già Lập làm phép cầu mong sức khỏe cho con cháu trong gia đình.
Già Lập làm phép cầu mong sức khỏe cho con cháu trong gia đình.
 
Ngày thứ 9, khi mặt trời vắt vẻo trên đỉnh núi xa xa, nghi lễ chính thức bắt đầu. “Theo quan niệm của người Cadong, lúc đâm phép con trâu, nếu trâu quay đầu về phía ngôi nhà của gia đình mình thì đó là điềm lành”, già Lập cho biết. 
 
Ngày càng thưa vắng
 
Hiến trâu là lễ hội mang ý nghĩa truyền thống của người Cadong nói riêng và các dân tộc anh em sống dọc dãy Trường Sơn nói chung. Đây là sự kế tục của truyền thống xa xưa của đồng bào vùng cao, với nhiều nét văn hóa đặc sắc hội tụ như tính gắn kết cộng đồng,  tình yêu thiên nhiên… Cùng với đó, lễ hội còn góp phần bảo tồn văn hóa nghệ thuật, bản sắc dân tộc.
 
Xét về góc độ vật chất thì lễ hội hiến trâu khá tốn kém. Tuy nhiên, đó là sự tự nguyện của dân làng trong vùng. Thường thì hộ nào, làng nào có khả năng thì tổ chức lớn, không có khả năng thì làm nhỏ. 
 
Ở Sơn Tây, tục hiến trâu diễn ra phổ biến ở Sơn Dung, Sơn Bua, Sơn Mùa, Sơn Long. Ông Lê Phương Nam - Phó phòng Văn hóa và Thông tin huyện Sơn Tây, cho biết: “Trước đây, lễ hội được người Ca dong tổ chức rộng rãi trong vùng. Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây, bà con nhận thức được những mặt trái của lễ hội như hao tổn vật chất, thời gian, sức khỏe… quy mô lễ hội cũng được hạn hế phần nào. Đặc biệt, nhằm tránh hình ảnh phản cảm nhưng vẫn giữ được nét đặc trưng của lễ hội truyền thống, chủ nhà thường chọn thời gian và vị trí đâm trâu có ít người dân, trẻ em chứng kiến”.
 
 
Trai gái trong thôn tưng bừng cùng lễ hội hiến trâu.
Trai gái trong thôn tưng bừng cùng lễ hội hiến trâu.
 
 
Tiến bộ hơn, nếu như trước đây, ngoài lễ hội đâm trâu vào dịp đầu năm để tạ hơn thần linh thì trong năm đó, nhà nào có mùa màng thất bát hoặc có người đau ốm, bệnh tật… chủ nhà sẽ cúng xin quẻ. Khi xin quẻ, trúng vào quẻ cúng trâu thì bà con lại tổ chức lễ hiến trâu dù cho tốn kém đến mấy, nhằm xua đuổi “con ma”.
 
Bây giờ, tình trạng cúng trâu tràn lan để cầu mong sức khỏe đã thuyên giảm. Khi trong nhà có người bệnh tật, bà con sẽ chủ động đến các cơ sở y tế để khám, chữa bệnh chứ không phụ thuộc hoàn toàn vào thần linh.
 
“Đồng bào đặc biệt chỉ cúng trâu khi gia đình có điều kiện thiết đãi mọi người vào dịp đầu năm. Tôi cho rằng, đây cũng là một sự tiến bộ trong đời sống tâm linh của người dân”, ông Đinh Văn Dung -  một già làng gạo cội, chia sẻ.
 
 
Bài, ảnh: Thiên Hậu
 

.