Hướng đến công viên địa chất toàn cầu

02:04, 10/04/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Qua những đợt khảo sát tại các khu vực Lý Sơn, Bình Châu (Bình Sơn) và các vùng phụ cận, nhiều chuyên gia trong và ngoài nước nhận định, nơi đây là một “cuốn từ điển” về núi lửa, về cấu tạo vỏ trái đất khá hoàn hảo. Trên cơ sở đó kết hợp với di sản văn hóa trong vùng là một trong những yếu tố để được công nhận Công viên địa chất toàn cầu.

TIN LIÊN QUAN

Sự phong phú về địa chất

Nhiều du khách trong và ngoài nước đến với Lý Sơn, không chỉ vì sự hoang sơ của hòn đảo, mà còn được chiêm ngưỡng những phong cảnh độc đáo được thiên nhiên ban tặng. Một núi Thới Lới sừng sững - nơi lưu giữ những vết tích của miệng núi lửa hàng ngàn năm giữa lòng biển khơi. Chùa Hang, hang Câu... với vô ngần khối kiến trúc độc đáo, đa dạng, vô số hình thù như nón, phễu, chóp, dạng bọt phong hóa, tro bụi núi lửa được xếp chồng lên nhau hàng chục mét kéo dài từ núi đến mép biển. Những giá trị quý báu này bước đầu được làm sáng tỏ khi các chuyên gia địa chất, khoáng sản trong và ngoài nước tiến hành khảo sát thực địa trong thời gian qua.

Bãi đá trầm tích ở xã An Bình, huyện đảo Lý Sơn vẫn giữ vẻ đẹp hoang sơ.                                                                                                                                                                                                                                                           Ảnh: MINH THU
Bãi đá trầm tích ở xã An Bình, huyện đảo Lý Sơn vẫn giữ vẻ đẹp hoang sơ. Ảnh: MINH THU


Đứng bên vách chùa Hang, tiến sĩ Nguyễn Hoàng (chuyên gia địa chất) lấy tay gỡ từng mảnh đá kết dính trong thành vách ở độ cao 50 – 60 mét, nói: “Đây là một tầng trầm tích núi lửa chứa nhiều vật liệu như sét kết, bột kết và cát kết xen kẹp với tro bụi của núi lửa tạo thành vách núi đứng sững, dày từ 3 - 15 mét, khá độc đáo. Điều làm các chuyên gia địa chất ngạc nhiên là các di tích, phong cảnh được phân bố nhiều trong phạm vi hẹp, phản ánh tính dị biệt về địa chất ở Lý Sơn mà không phải nơi nào cũng có được”.
 

"Trong thời gian tới, theo chỉ đạo của tỉnh, ngành sẽ nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ về Công viên địa chất toàn cầu. Tham mưu cho tỉnh chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền và cộng đồng dân cư cùng khách du lịch về vai trò, vị trí, tầm quan trọng và ý nghĩa của các di sản địa chất, di sản văn hóa, đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường trong khu vực đã được khoanh vùng là Công viên địa chất Lý Sơn".
Ông Hồ Quý Nhân – Phó Giám đốc Sở VH, TT & DL.

Núi lửa Giếng Tiền, cổng Tò Vò, cù lao Bờ Bãi, bãi Hang (hang sau của đảo Bé) đều có địa chất, địa mạo của quá trình hoạt động của núi lửa, với nhiều hình dạng, nhiều độ tuổi khác nhau. Các chuyên gia cho rằng, các dấu tích của những lần phun trào núi lửa có độ tuổi lên đến hàng ngàn năm. Hình ảnh đó làm tăng tính đa dạng của hiện tượng phun trào núi lửa trên đảo Lý Sơn. Điều thú vị nữa là, trầm tích núi lửa đa phần nằm bên mép biển, tạo thành những tảng đá nằm thoải, ghềnh thẳng đứng cắm thẳng xuống biển màu ngọc bích, tạo nên một cảnh quan vô cùng đẹp và hùng vĩ.

GS.TS. Ibrahim Komoo (Malaysia)- Phó Chủ tịch Hiệp hội mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu say sưa ngắm bãi đá bazan nằm bên mép biển, xếp dựng đứng, tạo thành những rãnh, những hang sâu chồng chất lên nhau còn khá nguyên vẹn ở bãi Hang (bãi sau của đảo Bé). Ông nói: “Đây là di sản có giá trị thẩm mỹ rất cao, nếu được kết hợp với những dấu tích của phun trào núi lửa ở đảo lớn, Bình Châu và các vùng phụ cận. Kết hợp các di sản văn hóa này lại với nhau thì có quá đủ các yếu tố để trở thành Công viên địa chất toàn cầu. Khu vực này xứng đáng là bảo tàng thiên nhiên, là một cuốn từ điển về núi lửa, về cấu tạo vỏ trái đất hoàn hảo mà từ trước đến giờ các nhà địa chất chưa từng phát hiện được ở Việt Nam”.

Tín hiệu vui và bài toán bảo vệ

Điều khá ấn tượng nữa là, ngoài vấn đề địa chất, khu vực Lý Sơn - Bình Châu trong những năm qua các nhà khảo cổ còn phát hiện các di tích khảo cổ học trên cạn, dưới nước, di sản vật thể,  hoặc phi vật thể thuộc nhiều niên đại lịch sử khác nhau. Ở Lý Sơn, diện tích chỉ 9,7km2, nhưng đã có gần 100 di tích lịch sử, văn hóa,  tính bình quân 1km2 có 10 di tích. Trong đó, có 4 di tích cấp quốc gia và 17 di tích được xếp hạng cấp tỉnh. Dưới lòng biển, các nhà nghiên cứu và dân địa phương phát hiện 2 vết tích tàu cổ đắm cùng một cổng đá cao trên 5m, dài trên 10m ở độ sâu dưới mặt nước 8m. Tại bãi biển Bình Châu, với diện tích 24km2 đã phát hiện được trên 10 di tích khảo cổ học tàu cổ đắm...

Các chuyên gia trong và ngoài nước đánh giá hoạt động núi lửa ở bãi Hang (đảo An Bình) còn khá trẻ (khoảng 4.000 năm trở lại).
Các chuyên gia trong và ngoài nước đánh giá hoạt động núi lửa ở bãi Hang (đảo An Bình) còn khá trẻ (khoảng 4.000 năm trở lại).


Nhà nghiên cứu Mahito Watanabe (Nhật Bản), thành viên Hội đồng tư vấn hệ thống Công viên địa chất toàn cầu Châu Á - Thái Bình Dương, khẳng định: Khu vực này có đủ tiêu chí hình thành Công viên địa chất toàn cầu. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch. Tuy nhiên, vấn đề các chuyên gia quan tâm là, cùng với việc lập hồ sơ công nhận Công viên địa chất toàn cầu, Quảng Ngãi cần nhanh chóng quy hoạch vùng du lịch, tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ di sản một cách nguyên vẹn trong cộng đồng dân cư”. Mặt khác, ngay từ bây giờ, Quảng Ngãi có thể khai thác lợi thế này nhằm đẩy mạnh công tác quảng bá để khách du lịch tiếp cận với di sản quý báu có một không hai này. Có như vậy, cư dân trong vùng mới thấy được giá trị kinh tế từ những di tích, tảng đá tưởng chừng vô hồn kia”, GS.TS. Ibrahim Komoo (Malaysia) khuyến cáo.

Chuyên gia Setsuya Nakada (Nhật Bản) cũng lưu ý: Lý Sơn hay Bình Châu, trong quá trình phát triển thì cũng cần xây dựng cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, trong phát triển hạ tầng phải có giải pháp để không làm ảnh hưởng hoặc phá vỡ cảnh quan di sản. Muốn làm được điều đó thì phải sớm công bố quy hoạch tổng thể và quy hoạch chi tiết...”.  

Qua khảo sát, các nhà nghiên cứu còn cho rằng, khu vực núi Thiên Ấn và Thành cổ Châu Sa cũng hội đủ 4 tiêu chí của một Công viên địa chất toàn cầu, là địa-văn hóa, địa-lịch sử, địa chất và địa – kinh tế xã hội. Do vậy , Quảng Ngãi cần tiếp tục phát huy và bảo tồn các di tích này.

Bài, ảnh: MAI HẠ
 


.