Hãy chung tay bảo vệ một di sản địa chất giá trị!

10:04, 05/04/2016
.

(Baoquangngai.vn)- Thời gian qua, rất nhiều chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước đã đến khảo sát khu vực Lý Sơn- Bình Châu và đều đánh giá rằng, đây là vùng địa chất vô cùng giá trị. Tuy nhiên, để vùng này thực sự trở thành công viên địa chất toàn cầu, Quảng Ngãi cần có bước tiến dài trong việc thay đổi ý thức cộng đồng để chung tay bảo tồn nguồn di sản quý giá.
Chỉ mới ở bước khởi đầu
 
Sau khi khảo sát 7 điểm địa chất ở Lý Sơn và vùng ven biển Bình Châu, GS.TS. Ibrahim Komoo- Phó chủ tịch hiệp hội mạng lưới công viên địa chất toàn cầu phải thốt lên rằng: “Khu vực này có quá nhiều điểm địa chất giá trị, hoàn toàn có khả năng trở thành công viên địa chất toàn cầu!”. Đây không chỉ là nhận xét riêng của ông Komoo mà còn là đánh giá chung của 4 chuyên gia nước ngoài thuộc Hội đồng Di sản thế giới của UNESCO, cũng có mặt trong chuyến khảo sát vừa qua.

 

Trầm tích biển với hơn 4.500 năm tuổi ở ven bờ phía Nam đảo Bé
Trầm tích biển với hơn 4.500 năm tuổi ở ven bờ phía nam đảo Bé
 
Lý Sơn đang sở hữu một di sản địa chất có một không hai, xứng tầm là di sản địa chất thế giới. Và giá trị quan trọng nhất của di sản này là về địa mạo với đầy đủ các dạng đặc trưng, điển hình và bảo tồn của hoạt động núi lửa. Đó là các phễu miệng núi lửa, các chóp núi lửa, các dòng chảy bazan còn nguyên vẹn hình thái và thế nằm uốn lượn, Cổng Tò Vò– dạng địa hình độc nhất vô nhị trên toàn lãnh thổ Việt Nam… Tất cả chúng đã tạo nên một danh thắng tuyệt vời cho Lý Sơn, chẳng những có giá trị về địa chất – địa mạo, về thẩm mỹ, mà còn cả về khoa học và giáo dục.
 
Tất cả các chuyên gia, nhà khoa học sau khi đến Lý Sơn đều thừa nhận những giá trị ấy. Và họ cũng nhấn mạnh rằng, cơ sở đầu tiên của công viên địa chất toàn cầu là vùng địa chất. Tuy nhiên, đây chỉ là điều kiện cần. Khu vực Lý Sơn- Bình Châu còn phải hội tụ nhiều điều kiện khác mới thực sự trở thành công viên địa chất toàn cầu. Trong đó, ý thức của người dân địa phương trong việc bảo tồn, bảo vệ môi trường sinh thái, vùng địa chất được đánh giá là điều kiện quyết định.
 
“Các bạn đang ở giai đoạn đầu hình thành nên công viên địa chất tại vùng Lý Sơn- Bình Châu. Để phát triển thành công viên địa chất thì cần thời gian dài. Và các bạn cần phải hành động ngay từ bây giờ với việc đầu tư, phát triển liên tục, giữ cân bằng giữa bảo tồn và phát triển, giáo dục cộng đồng”- ông Komoo nhấn mạnh.
 
Trên thực tế, người dân Lý Sơn, Bình Châu hằng ngày sống giữa một vùng di sản quý giá với môi trường sinh thái độc đáo. Nhưng ít ai hiểu được giá trị của di sản ấy để mà có hành động bảo vệ, hay ít nhất là giữ nguyên hiện trạng vốn có.
 
Đừng chỉ lập hồ sơ trên giấy!
 
Quảng Ngãi đang tích cực thực hiện nhiều bước để tiến tới bước cuối cùng là được UNESCO công nhận tỉnh có một công viên địa chất toàn cầu, với trung tâm là đảo Lý Sơn. Hiện Sở VH-TT&DL đang gấp rút hoàn thành hồ sơ trình UBND tỉnh duyệt Lý Sơn và một số vùng phụ cận là công viên địa chất cấp tỉnh. Tiếp đó, sẽ trình hồ sơ lên Ủy ban di sản Quốc gia để được công nhận là công viên địa chất cấp Quốc gia.
Vấn đề trước mắt và lâu dài vẫn là phải làm thế nào để kêu gọi sự tham gia của người dân địa phương trong bảo tồn và phát triển công viên địa chất. Khi đã trở thành công viên địa chất toàn cầu, thì vùng địa chất cũng như hệ sinh thái phải được giữ nguyên hiện trạng dù trải qua 100 hay 200 năm sau.
 
Nhưng đến thời điểm hiện tại, ở đảo Lý Sơn, một số vùng địa chất giá trị đang dần bị phá hủy bởi người dân địa phương. Ngay từ lúc này, khi chúng ta đang lập hồ sơ xin cấp trên xét duyệt, thì việc quan trọng cần làm cùng lúc chính là, phải tiến hành bảo tồn những vùng còn lại.
 
Theo các chuyên gia, không chỉ phần đất liền Bình Châu, Lý Sơn mà cả vùng lòng biển cũng là vùng địa chất thú vị, hệ sinh thái đa dạng, rất khác biệt so với những vùng khác. Nhưng nếu chúng ta phát triển kinh tế không chú trọng đến môi trường, hệ sinh thái là đang phá hủy một di sản giá trị.
 
Tiến sĩ Nancy Rhoenar Aguda-Trường đại học tổng hợp Philippines cho rằng: “Thay đổi nhận thức của người dân rất khó khăn, và địa phương sẽ đối mặt với nhiều thách thức trong phát triển du lịch địa chất. Do đó, chính quyền cần phải hết sức kiên nhẫn, tích cực triển khai các hoạt động giáo dục cộng đồng, nâng cao ý thức. Làm được điều này, có nghĩa là đã thành công bước đầu”.
Một số điểm địa chất ở Lý Sơn tạo nên một danh thắng kỳ vĩ, thu hút khách du lịch
Một số điểm địa chất ở Lý Sơn tạo nên một danh thắng kỳ vĩ, thu hút khách du lịch
 
 
Tiến sĩ Nancy cũng “hiến kế” cho Quảng Ngãi về cách giáo dục cộng đồng hiệu quả, chính là tiếp cận với thế hệ trẻ, tầng lớp học sinh. Một khi thế hệ trẻ nắm bắt được những thông tin về giá trị di sản họ đang có, thì khả năng cả cộng đồng nâng cao nhận thức và có hành động bảo vệ là rất lớn.

Tại buổi làm việc để nghe báo cáo kết quả khảo sát khu vực Lý Sơn- Bình Châu của các chuyên gia nước ngoài, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Quang Thích kết luận: “Từ nay, mọi công trình ở vùng địa chất Lý Sơn, Bình Châu chỉ được xây dựng khi có sự đồng ý của UBND tỉnh. Khu vực này phải được bảo tồn, bảo vệ ngay từ lúc này và tránh tình trạng mải lập hồ sơ trên giấy, nhưng trên thực tế, môi trường lại bị phá hủy”. Ngoài ra, trong thời gian tới, tỉnh Quảng Ngãi sẽ đẩy mạnh tuyên truyền đến các học sinh, người dân địa phương hiểu rõ tầm quan trọng của vùng địa chất để tham gia giữ gìn, bảo vệ.

Một khi được xác định rõ kế hoạch để hình thành và phát triển cũng như bảo tồn, thì việc hình thành một công viên địa chất toàn cầu ở Quảng Ngãi chỉ là vấn đề thời gian.
 
Bài, ảnh: Thanh Phương
 

 


.