Hồi ức Ngày thơ Nguyên tiêu

02:02, 20/02/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- “Đến nay, Ngày thơ Việt Nam được tổ chức đồng loạt ở các địa phương trên toàn quốc trong suốt 13 năm. Mặc dù đây là lễ hội mới nhưng đã khẳng định được sức sống, vị trí trong dòng lễ hội chung của Việt Nam, góp phần quan trọng vào việc tôn vinh nền thơ ca Việt Nam”- nhà thơ Thanh Thảo, khẳng định.

TIN LIÊN QUAN

 Nhà thơ Thanh Thảo chia sẻ tình cảm về Bác Sáu Dân qua trích trường ca
Nhà thơ Thanh Thảo chia sẻ tình cảm về Bác Sáu Dân qua trích trường ca "Dạ, tôi là Sáu Dân".
“Bản Tuyên ngôn độc lập”

Cùng với cả nước, hiện Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh đang gấp rút hoàn thành công tác chuẩn bị cho Ngày thơ Nguyên tiêu diễn ra vào sáng 14 tháng Giêng, tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh. Ông Lê Văn Sơn - Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, cho hay: Ngày thơ Nguyên tiêu năm nay dự kiến sẽ tổ chức hoành tráng hơn so với mọi năm, nhằm chào mừng thành công của Đại hội lần thứ XII của Đảng và nhiều sự kiện trọng đại của đất nước sắp diễn ra.

Trước khi chương trình ngày thơ chính thức diễn ra thì phần lễ kéo cờ thơ diễn ra hết sức trang nghiêm. Bài thơ Nam quốc Sơn Hà của Lý Thường Kiệt được ngâm trên nền của dàn nhạc trống, trên sân khấu các diễn viên trình diễn múa cờ trong khi kéo cờ thơ. Sau khi kết thúc bản “Tuyên ngôn độc lập” Nam quốc Sơn Hà thì bài thơ Nguyên tiêu của Bác Hồ sẽ vang lên. Đây là phần lễ thể hiện sự trang nghiêm, nhằm kêu gọi lòng tự hào dân tộc, tình yêu quê hương, đất nước.

Đặc biệt, bài thơ thần Nam quốc Sơn Hà được nhạc sĩ Trần Xuân Tiên lấy một đoạn thơ viết thành một đoạn bài hát và được nhạc sĩ Văn Phượng phối khí thành hợp xướng, tạo sự cảm động cho người xem. Nhạc sĩ Văn Phượng, cho biết: “Chúng tôi đã dùng âm nhạc và giọng hát của ca sĩ để toát lên tinh thần của bài thơ Nam quốc Sơn Hà, làm cho đoạn mở đầu của Ngày thơ hoành tráng, tạo khí thế của ngày lễ truyền thống của dân tộc”.

“Dạ, tôi là Sáu Dân”
 
Chương trình Ngày thơ năm nay gồm 10 tiết mục của các nhà thơ, nhạc sĩ nổi tiếng như: Chế Lan Viên, Tố Hữu, Tế Hanh, Thanh Thảo...  xoay quanh chủ đề “Đảng cho ta mùa Xuân”, với các hình thức diễn đọc thơ, trình diễn thơ, diễn ngâm thơ…
Ngày thơ Việt Nam mang ý nghĩa thiêng liêng, đó là tôn vinh nền thơ ca Việt Nam, tôn vinh những người đã cống hiến bằng thơ ca trong quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc. Những án thơ văn đi vào lòng người, góp phần quan trọng vào giáo dục thế hệ trẻ, đồng thời truyền những thông điệp, khơi dậy tình yêu quê hương, đất nước, truyền thống lịch sử vẻ vang của dân tộc, góp phần tạo nên sự gắn kết tình cảm của mọi người để cùng nhau xây dựng và bảo vệ quê hương. Chính vì ý nghĩa đó, Hội Nhà văn Việt Nam quyết định lấy ngày rằm tháng Giêng tổ chức Ngày thơ Việt Nam. Sở dĩ ngày rằm tháng Giêng được chọn làm ngày thơ Việt Nam  là vì đây là ngày người dân miền Bắc tổ chức ăn Tết lại và cũng là ngày gắn với bài thơ Nguyên tiêu của Bác Hồ.

Vào dịp này, tất cả Hội văn học nghệ thuật địa phương và Hội Nhà văn Việt Nam đồng loạt tổ chức ngày thơ. Trong đó, Quảng Ngãi là một trong số những địa phương tổ chức Ngày thơ đều đặn nhất. Ngày thơ có sức thu hút lớn vì Ban tổ chức chọn những bài thơ hay của các nhà thơ thành danh trên cả nước và được sự quan tâm của mọi người.
 

 

Ngày thơ Nguyên tiêu được tỉnh ta tổ chức hằng năm.
Ngày thơ Nguyên tiêu được tỉnh ta tổ chức hằng năm.

Đối với giới thi ca, tác phẩm của mình được trình diễn trong lễ hội truyền thống này là một vinh dự lớn lao. Bởi đó là những tác phẩm được chắc lọc từ những tinh hoa của nhân loại. Trong đó, "Dạ, tôi là Sáu Dân" (trích Trường ca của nhà thơ Thanh Thảo) mang ý nghĩa sâu sắc về cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Nhà thơ Thanh Thảo, chia sẻ: Trích đoạn "Dạ, tôi là Sáu Dân" được trình diễn trong Ngày thơ Nguyên tiêu sẽ có ý nghĩa quan trọng trong việc giúp thế hệ trẻ hiểu hơn về nhà lãnh đạo tài ba đã hiến dâng cả cuộc đời cho cách mạng, cho đất nước, cho dân tộc. Ông luôn trăn trở vì nhân dân và có tư duy sáng tạo mang lại lợi ích cho nhân dân trong những thời điểm khắc nghiệt, khó khăn nhất.

Sau giải phóng, cố Thủ tướng đã làm nên những công trình lớn từ tư duy "mở"; gần đây nhất là Nhà máy Lọc  dầu Dung Quất... Cảm kích những việc cố Thủ tướng đã làm, nên nhà thơ Thanh Thảo đã quyết định viết về ông.

Ngày thơ Việt Nam thực sự là lễ hội truyền thống của dân tộc, đi vào nếp sống văn hóa của người Việt Nam, góp phần giúp cho người yêu thơ xích lại gần nhau hơn thông qua những tác phẩm của những tác giả đã cống hiến cho đất nước, những người yêu thơ bằng cả lòng nhiệt huyết.

Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG



 


.