Độc đáo những bộ sưu tập ốc biển

08:02, 15/02/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Hầu như trong căn nhà nào của ngư dân cũng có vài cái cho đến cả bộ sưu tập gồm hàng trăm vỏ ốc biển độc đáo. Không chỉ dùng trang trí, những bộ vỏ ốc biển như ghi dấu về những tháng ngày “tung hoành” ở biển khơi, khắc họa tình yêu biển và sự gắn bó của ngư dân với những quần đảo, hòn đảo nơi xa khơi.

Về Gành Cả, thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu (Bình Sơn), điều làm nhiều người trầm trồ ngưỡng mộ là nhiều ngư dân sở hữu những bộ vỏ ốc quý giá với nhiều màu sắc, đường vân đẹp, hình dáng độc đáo. Không chủ đích dành thời gian thực hiện sưu tập vỏ ốc, chỉ bắt nguồn từ suy nghĩ giản đơn trong lúc hành nghề trên biển, ốc đẹp mang về nhà “chưng” cho vui, nhiều ngư dân cất công lặn xuống biển, mang về giữ gìn, lâu dần thành những bộ sưu tập đặc biệt.

Những bộ sò tượng có chiều dài gần cả mét được nhiều ngư dân bảo quản hàng chục năm nay.
Những bộ sò tượng có chiều dài gần cả mét được nhiều ngư dân bảo quản hàng chục năm nay.


Tỉ mỉ lấy từng vỏ ốc và nhiệt tình giới thiệu kỹ càng về từng tên gọi, đặc điểm khác nhau của từng con ốc, ngư dân Bùi Văn Tẩn cho hay, trong tủ nhà ông có hàng chục vỏ ốc kích cỡ khác nhau. Với tay vào tủ lấy một vỏ ốc dài khoảng 30cm, từng sọc vân ốc nổi màu nâu, ngư dân Bùi Văn Tẩn cho biết đó là ốc u, ông trưng bày trong ngôi nhà của mình hơn 10 năm nay. Còn vỏ ốc màu trắng có nhiều gai dài chĩa ra xung quanh có tên gọi là ốc gai. Kế bên là ốc tai phật, sở dĩ có tên như vậy vì ốc có phần vỏ xòe to ra như hình tai phật. Chỉ tính riêng về ốc hoa có rất nhiều loại khác nhau và được đặt tên theo hình hoa văn độc đáo trên vỏ ốc.

Ốc hoa có hình hoa văn tròn nhỏ, trải dài theo thân vỏ có tên là ốc hoa heo. Thú vị nữa là ốc hoa bản đồ với những hoa văn y hệt mô phỏng trên bản đồ. Cùng với những vỏ ốc đặc biệt, nhiều ngư dân còn sở hữu những vỏ ốc giá trị, quý hiếm như ốc kim chi thần tài, ốc sò tượng, ốc xà cừ dùng làm đồ trang sức, trang trí hàng sơn mài có giá tiền triệu...

Ông Tẩn cho hay, để có những vỏ ốc lạ và đẹp này, ngư dân giong thuyền ra các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ngoài dò các luồng cá, mực, ngư dân phải lặn sâu mới bắt được những con ốc biển đang bám trên các rạn san hô. Có loại mang về lấy thịt bán, còn vỏ ốc để dành trưng bày. Ngư dân còn tặng vỏ ốc cho người thân, bà con miền biển đi làm ăn lập nghiệp ở các tỉnh Tây Nguyên như một ân tình gợi nhớ về quê nhà.

 Nhiều ngư dân sở hữu những bộ sưu tập ốc biển đẹp, độc đáo, giá trị.
Nhiều ngư dân sở hữu những bộ sưu tập ốc biển đẹp, độc đáo, giá trị.


Dành cả ba cái tủ gỗ làm nơi trưng bày vỏ ốc, đối với ông Nguyễn Thanh Nam, vỏ ốc không chỉ có ý nghĩa trang trí làm đẹp ngôi nhà mà như giúp ông nguôi nỗi nhớ biển. Ông Nam từng có hàng chục năm đi biển, cho đến khi phải dừng nghề vì một sự cố trong lúc lặn biển. Những lúc thư thả, ông Nam ngắm nhìn những vỏ ốc biển như nhớ về những lúc theo tàu ra khơi xa. “Đây là ốc kim chi thần tài, ốc ngà voi, ốc hoa... Ốc chôm chôm màu đỏ như trái chôm chôm chín. Ốc bàn tay có những gai dài chĩa ra như hình ngón tay. Ốc nón hình dáng y hệt chiếc nón lá của các bà các mẹ. Ốc mũi nhọn như cái mũi khoan...

Ốc biển được đặt tên theo hình dạng, màu sắc, hoa văn của vỏ ốc. Còn đây là ốc u hay được ngư dân dùng thổi kèn phát ra âm thanh độc đáo trong những ngày lễ, Tết. Để có được những vỏ ốc màu sáng bóng tự nhiên, đối với ốc to mang về ủ trong tro nóng nhiều ngày để thịt ốc khô dần mới lấy được thịt ra khỏi vỏ. Sau đó mang ra tiệm đánh bóng, chà những rong rêu bao quanh, vỏ ốc mới hiện lên màu, đường nét hoa văn. Để hình thành nên những bộ vỏ dày và đẹp này, có loài ốc sống dưới biển sâu hàng chục năm”, ông Nam cho hay. Hiện nay, ông Nam là một trong những ngư dân ở Gành Cả còn sở hữu những bộ vỏ ốc đẹp, phong phú.


Bài, ảnh: BẢO HÒA

 


.