Chung quanh địa giới qua ca khúc "Quảng Ngãi đất mẹ ngoan cường"

09:02, 23/02/2016
.

TRẦN ĐĂNG


(Baoquangngai.vn)- Từ lâu, ca khúc “Quảng Ngãi đất mẹ ngoan cường”của nhạc sĩ Trương Quang Lục đã thành “tỉnh ca” của Quảng Ngãi. Thế nhưng, có một chi tiết ở phần ca từ mà nếu để ý sẽ thấy sự bất hợp lý của nó. Đó là đoạn: “Quảng Ngãi ơi! còn nhớ chăng những ngày thu rực rỡ, đỏ bóng cờ từ An Tân đến Sa Huỳnh lộng gió”. Địa phận của Quảng Ngãi nếu tính từ phía bắc vô thì được bắt đầu chỗ Dốc Sỏi, thuộc địa phận huyện Bình Sơn chứ sao lại An Tân, thuộc huyện Núi Thành tỉnh Quảng Nam? Có sự nhầm lẫn của nhạc sĩ chăng?

Trong một lần về thăm quê cách nay đã lâu, nhạc sĩ Trương Quang Lục có nhờ tôi đưa ông đi Nghĩa Hành để thăm thú. Nghĩa Hành không phải là nơi ông sinh ra  nhưng vùng đất ấy lại gắn bó với tuổi thơ ông suốt trong những năm kháng chiến chống Pháp và là nơi ông theo học hết bậc phổ thông trung học tại Trường Lê Khiết. Hai chúng tôi trò chuyện đủ thứ, trong đó có nhắc đến những ca khúc nổi tiếng của ông. Bất chợt tôi hỏi: “Sao chú lại đưa địa danh An Tân vào ca khúc Quảng Ngãi đất mẹ ngoan cường vậy?”.

Ông cười rồi minh giải luôn cho sự thắc mắc ấy: “Cậu có nghe mấy ông bà cụ ở quê hay nhắc đến cụm từ “đi buôn gạo An Tân chưa?”. Tôi gật đầu xác nhận. Ông tiếp: “Hồi 9 năm, từ An Tân trở vô là vùng tự do của ta. Vì là vùng tranh chấp nên chuyện buôn bán diễn ra khá nhộn nhịp. Dân Quảng Ngãi hay mua lúa về làm gạo hàng xáo rồi mang ra An Tân để bán, xong mua về các loại hàng hóa khác như vải vóc, hàng tiêu dùng. Buôn bán kiểu này được xếp vào diện buôn lậu. Thậm chí cả những viên đá lửa cũng được xếp vào tội danh này.

 

Nhạc sĩ Trương Quang Lục trong một lần trở lại Nghĩa Hành. Ảnh: TRẦN ĐĂNG
Nhạc sĩ Trương Quang Lục trong một lần trở lại Nghĩa Hành. Ảnh: TRẦN ĐĂNG


Có bài đồng dao mà lớp người già ai cũng thuộc: “Đầu phồng đá lửa/ ruột chửa kaki/ chửa tận Tam Kỳ/vô Bồng Sơn đẻ”. Ý nói người đi buôn họ giấu đá lửa trên tóc rồi bới thành lọn phồng lên để đánh lừa nhân viên kiểm soát, như thuế vụ bây giờ. Còn ruột thì quấn vải kaki giống như bà chửa. Mua những thứ đó tận Tam Kỳ, vùng Pháp tạm chiếm, rồi mang vô Bồng Sơn-thủ đô kháng chiến Nam Trung Bộ hồi đó- để tiêu thụ.

Thời đó chính quyền cách mạng kêu gọi toàn dân “tự sản tự tiêu” chứ không xài hàng của thực dân đế quốc! Mấy người đi buôn ở Quảng Ngãi cứ hay nhắc “buôn gạo An Tân” rồi địa danh ấy ngấm vào mình lúc nào không biết. Vả lại, những năm đầu chống Pháp, tôi còn ở tuổi thiếu niên nên cũng không có điều kiện đi lại nhiều. Chữ “An Tân” nó nhập tâm nên cứ đinh ninh là thuộc tỉnh Quảng Ngãi nên khi viết ca từ cho ca khúc này, nó “chen chân” vô một cách nghiễm nhiên như vậy”.

Nói đoạn, ông hài hước: “Nhưng các tác phẩm nghệ thuật bao giờ cũng có chức năng dự báo đấy. Cậu không thấy Khu Kinh tế Dung Quất nó “bao” luôn cả sân bay Chu Lai, trong đó có An Tân sao?”. Hai chúng tôi cùng cười cho sự phát hiện ngồ ngộ này. Chả là thời đó (trước năm 2000), địa giới của Khu Kinh tế Dung Quất đúng là như vậy.

Năm 1954, nhạc sĩ Trương Quang Lục  tập kết ra Bắc. Tốt nghiệp đại học, ông về công tác tại Nhà máy Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao (Phú Thọ). Dù là kỹ sư hóa nhưng Trương Quang Lục đã bị âm nhạc thôi miên. Ông lặng lẽ cho ra đời nhiều ca khúc nổi tiếng thời chống Mỹ như Vàm Cỏ Đông (thơ Hoài Vũ), Hoa sen Tháp Mười, Quảng Ngãi đất mẹ ngoan cường…

Theo lời kể của nhạc sĩ Trương Quang Lục, ông thường xem Báo Văn nghệ và nghe chương trình “Tiếng thơ” của Đài tiếng nói Việt Nam để  “chộp” những bài thơ ưng ý, làm ca từ cho ca khúc. Riêng bài “Quảng Ngãi đất mẹ ngoan cường” là một trường hợp khác. Ông tâm sự: “Vụ thảm sát Sơn Mỹ năm 1968 đã làm rúng động toàn thế giới. Nó xảy ra ngay trên quê hương mình nên tất cả những con em tập kết quê Quảng Ngãi đều muốn làm một điều gì đó để “trả thù” cho đồng bào mình. Ca khúc này là kết quả của nỗi ám ảnh đó”.

Nhưng theo nhà thơ Nguyễn Trung Hiếu thì 4 câu đầu trong ca khúc là của nhà thơ Tế Hanh, một số đoạn của bài hát là lấy ý từ một bài thơ của nhà thơ Lương Sỹ Cầm. Nếu vậy thì đây là một trường hợp hiếm hoi vì lâu nay, các ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Trương Quang Lục chỉ sử dụng một bài thơ mà thôi. Như “Trái đất này là của chúng mình”, phổ thơ Định Hải hoặc “Vàm Cỏ Đông” phổ thơ Hoài Vũ… là những ví dụ. Nhưng dù có nhầm An Tân thuộc Quảng Ngãi hay sử dụng một vài câu trong thơ của các nhà thơ đi nữa thì qua ca khúc “Quảng Ngãi đất mẹ ngoan cường”, Trương Quang Lục đã để lại dấu ấn sâu đậm trong từng nốt nhạc, để mấy mươi năm rồi, nó vẫn chiếm vị trí độc tôn là “tỉnh ca” của Quảng Ngãi./.

>>> Ca khúc Quảng Ngãi đất mẹ ngoan cường

 

[ ]

.