Thổi hồn vào lịch sử

06:01, 09/01/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Năm 1978, Khu Chứng tích Sơn Mỹ được xây dựng và đi vào hoạt động, như một bằng chứng thép về tội ác chiến tranh. 38 năm trôi qua, nơi đây vẫn là “điểm sáng” trong hành trình tìm đến Việt Nam của du khách trong và nước ngoài. Để có được thành công đó, không thể không nhắc đến vai trò của đội ngũ thuyết minh viên.

TIN LIÊN QUAN

Gắn bó với Sơn Mỹ

 Gắn bó lâu dài nhất và cũng là nữ thuyết minh có giọng nói truyền cảm nhất ở Khu Chứng tích Sơn Mỹ hiện nay là chị Phan Thị Vân Kiều (SN 1977) - Trưởng Phòng thuyết minh Khu Chứng tích Sơn Mỹ. Sinh ra sau chiến tranh, nhưng là người con xã Tịnh Khê, chị Kiều sớm thấu hiểu nỗi đau chiến tranh qua những câu chuyện người đi trước kể lại. Sau khi tốt nghiệp ngành Ngoại ngữ, chị xin vào làm thuyết minh cho Khu Chứng tích Sơn Mỹ và gắn bó với công việc này suốt 15 năm qua. “Quãng thời gian ấy chị đã mang từng hình ảnh, hiện vật nơi này kết thành câu chuyện lịch sử, ghi sâu trong trí nhớ và cả trái tim mình”, chị Kiều chia sẻ.

Bằng giọng nói trầm ấm và giàu cảm xúc, thuyết minh viên Phan Thị Vân Kiều đã mang “nỗi đau Sơn Mỹ” chạm vào trái tim hàng ngàn du khách.
Bằng giọng nói trầm ấm và giàu cảm xúc, thuyết minh viên Phan Thị Vân Kiều đã mang “nỗi đau Sơn Mỹ” chạm vào trái tim hàng ngàn du khách.


Đến bây giờ, chị không thể nhớ đã thuyết minh cho bao nhiêu đoàn khách đến với Sơn Mỹ. Chỉ biết rằng, giọng nói trầm ấm và giàu cảm xúc của thuyết minh viên Phan Thị Vân Kiều đã mang “nỗi đau Sơn Mỹ” chạm vào trái tim hàng ngàn du khách, trong đó có không ít cựu chiến binh Mỹ. Từ những buổi làm việc, tiếp xúc ngắn ngủi, chị đã làm lay động nhiều du khách nước ngoài mà vài năm sau vẫn nhớ và email cho chị để “hỏi thăm Sơn Mỹ”. Ấn tượng đó đã mang không ít bạn bè, người thân của họ tìm đến Việt Nam. Chia sẻ về công việc của mình, chị Kiều cho biết: “Dù mỗi ngày đều lặp đi lặp lại một bài thuyết minh, nhưng tôi chưa bao giờ thấy nhàm chán, bởi cảm xúc nhận lại từ du khách luôn mang lại sự mới mẻ và ý nghĩa đặc biệt trong cuộc sống cũng như nghề nghiệp của mình”.

Yêu nghề và tự hào dân tộc

Tại Khu Chứng tích Sơn Mỹ, mỗi ngày có hàng trăm du khách thuộc mọi tầng lớp, lứa tuổi đến tham quan, nhưng chỉ có 7 thuyết minh viên và đều là nữ. Được làm việc tại đây ai cũng thấy rất tự hào, nhưng cũng đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn. “Đóng vai trò cầu nối cuối cùng, mang nội dung và thông điệp đến với người xem, người nghe nên đòi hỏi người thuyết minh luôn phải đổi mới và sáng tạo trên nền hiện vật cũ. Chỉ bằng giọng nói và ngôn ngữ cơ thể, làm thế nào để thổi hồn vào lịch sử, để tái hiện thương đau mà không khơi gợi thù hận là điều mỗi thuyết minh viên tại Khu Chứng tích Sơn Mỹ phải làm hằng ngày và không được xảy ra sai sót”, chị Kiều cho biết. Để đảm bảo hoạt động thường xuyên của Khu chứng tích, mỗi thuyết minh phải làm việc 5 ngày mỗi tuần kể cả buổi trưa và hướng dẫn tối đa 5 đoàn khách mỗi ngày. Một bài thuyết minh thường có nội dung hơn 20 trang A4, thời lượng thuyết minh từ 30 phút đến 1giờ đồng hồ. Vì vậy, việc “giữ” giọng nói là điều tiên quyết.

 Bà Cao Thị Hồng Hạnh - Phó Giám đốc Khu Chứng tích Sơn Mỹ, cho biết: “Đặc thù sự kiện nhạy cảm và lượng khách nước ngoài nhiều, vì vậy đội ngũ thuyết minh tại đây đều phải có trình độ chuyên môn từ cao đẳng đến đại học, am hiểu về lịch sử, chính trị, lưu loát ngoại ngữ và đặc biệt phải luôn tự tin, hữu nghị trong giao tiếp. Mỗi thuyết minh trước khi bước vào công việc chính thức phải qua sát hạch gắt gao và được đào tạo, bồi dưỡng hằng năm để nâng cao kỹ năng thuyết minh, giao tiếp”.  Với thế mạnh về ngoại ngữ và ngoại hình, thuyết minh viên dễ dàng tìm được những công việc có thu nhập cao. Thế nhưng, họ vẫn chọn gắn bó và hy sinh thầm lặng vì lòng yêu nghề và niềm tự hào dân tộc.

Bài, ảnh: HÀ XUYÊN
 


.