Lập hồ sơ đề nghị Bình Châu - Lý Sơn là công viên địa chất toàn cầu:
Cơ hội cho phát triển bền vững

04:12, 13/12/2015
.

(Baoquangngai.vn)- Đoàn công tác của Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, Viện Khoa học Địa chất Khoáng sản và Bộ ngoại giao vừa có chuyến khảo sát thực địa tại huyện đảo Lý Sơn.

TIN LIÊN QUAN

Đây là những bước đầu tiên để lập hồ sơ trình UNESCO công nhận khu vực Bình Châu, Lý Sơn là “Công viên địa chất toàn cầu”, mà theo các chuyên gia, sẽ giúp Quảng Ngãi thu hút khách du lịch và phát triển bền vững.

Điểm đến thú vị về di sản địa chất

Những đợt phun trào núi lửa từ hàng triệu năm trước đã hình thành đảo Lý Sơn với những thắng cảnh nổi tiếng như hang Câu, chùa Hang…Tiến sỹ Trần Tân Văn-Viện Trưởng Viện khoa học địa chất khoáng sản đánh giá: “Lý Sơn là điểm đến thú vị về di sản địa chất”.

 

Các chuyên gia khảo sát ở khu vực Hang Câu, đảo Lý Sơn. Ảnh: Hiền Linh.
Các chuyên gia khảo sát ở khu vực hang Câu, đảo Lý Sơn. Ảnh: Hiền Linh.


Qua khảo sát ban đầu, tiến sỹ Trần Tân Văn nhận định, hoạt động núi lửa ở khu vực Bình Châu-Lý Sơn có khoảng 2 đến 3 giai đoạn: giai đoạn đầu tiên từ khoảng 12 triệu năm trước, giai đoạn thứ 2 từ khoảng 1,2 triệu năm đến 400 nghìn năm, giai đoạn cuối cùng cách đây khoảng 3 nghìn năm.

Bằng chứng là dấu vết của các đợt phun trào bazan dạng dòng chảy gặp rất nhiều ở bãi biển Bình Châu, Ba Làng An. Riêng Lý Sơn, miệng núi lửa cổ ở đây còn khá  nguyên vẹn. Các vách đá trải qua quá trình bị sóng đánh phá hủy tạo thành từng lớp phân biệt rõ ràng, chứng tỏ hoạt động phun trào đã diễn ra rất nhiều lần.
 
Cũng theo ông Văn, cách đây hơn 30 nghìn năm, đảo Lý Sơn vẫn còn liền với bờ và mới bị biển xâm lấn cách đây 6-7 nghìn năm. Về địa chất, đặc điểm này có thể so sánh với vịnh Hạ Long, là một di sản địa chất phát triển trên cạn sau đó bị biển xâm lấn.

Điểm đặc biệt của khu vực này là các vết tích của mảnh vỏ lục địa rất cổ hình thành cách đây khoảng 1,5-2,5 tỉ năm, trải qua các biến cố địa chất để hình thành lên những loại đá rất đặc biệt.

Ngoài phần nổi, phần chìm ngập trong nước biển đã hình thành các hang động, cổng tò vò. “Nếu lập một khu bảo tồn biển thì sẽ là điểm nhấn đặc biệt”, tiến sỹ Văn nói.

Theo chuyên gia, để có đánh giá chính xác, cần lấy mẫu tuần tự từ trên xuống, phân tích mẫu thì có thể phân chia ra các giai đoạn phun trào, phun nổ, giai đoạn ngập nước biển, ở trên cạn, từ đó tái dựng lại lịch sử biến hóa địa chất để làm điểm nhấn của công viên địa chất trong tương lai.

Điểm nhấn để phát triển bền vững

Theo tiến sỹ Trần Tân Văn, để được công nhận là công viên địa chất toàn cầu thì phải có diện tích đủ lớn. Do vậy, cần mở rộng khu vực khảo sát đến các danh thắng khác như núi Thiên Ấn, sông Trà và khu vực Trà Bồng. Đây là những khu vực mà hoạt động đứt gãy của vỏ trái đất diễn ra mạnh mẽ.

 

Chùa hang là nơi dòng chảy ăn sâu vào đá núi lửa và tạo thành hình vành nón. Ảnh: Hiền Linh.
Chùa Hang là nơi dòng chảy ăn sâu vào đá núi lửa và tạo thành hình vành nón. Ảnh: Hiền Linh.


Cũng theo ông Văn, UNESCO yêu cầu phải chứng minh di sản địa chất có ý nghĩa quốc tế. Nhưng công viên địa chất không chỉ hướng tới vệc bảo tồn, phát huy di sản địa chất mà còn là khảo cổ, văn hóa, lịch sử, đa dạng sinh học, truyền thống sinh sống, cư trú của người dân địa phương

Ở góc độ kinh tế, công viên được chất toàn cầu là tiền đề để thay đổi phương thức sinh kế của cư dân địa phương như: phát triển du lịch địa chất, du lịch mảo hiểm, khám phá hang động, leo núi, chèo thuyền…

Hiện tại ở Việt Nam chỉ có Cao nguyên đá Đồng Văn ở tỉnh Hà Giang được công nhận là công viên địa chất toàn cầu. Từ khi được công nhận, lượng khách du lịch ở đây liên tục tăng và người dân được hưởng lợi từ du lịch.

Bà Trần Thị Hoàng Mai-Phó Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam đánh giá, khu vực biển Bình Châu, Lý Sơn có cảnh quan đẹp, giàu tiềm năng văn hóa với các di sản phi vật thể và vật thể cấp quốc gia.

Với tư cách đại diện UNESCO Việt Nam, bà Mai cho biết sẽ chứng minh với quốc tế những di sản địa chất, văn hóa, đa dạng sinh học nơi đây xứng đáng để bảo tồn, không chỉ ở cấp độ quốc gia mà còn có ý nghĩa với khu vực và thế giới.
 


Theo UNESCO, Công viên địa chất toàn cầu (Global Geoparks) là những khu vực địa lý có địa chất và phong cảnh có ý nghĩa địa chất quốc tế được quản lý theo một quan niệm tổng thể gồm bảo vệ, giáo dục và phát triển bền vững.

UNESCO bắt đầu làm việc với công viên địa chất từ năm 2001. Đến năm 2004, đại diện 17 công viên địa chất trên thế giới đã họp trụ sở UNESCO ở Pari, Pháp để thành lập Mạng lới công viên địa chất toàn cầu(GGN). Đây là nơi các quốc gia trao đổi, hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm về bảo tồn di sản địa chất.

Ngày 17.11.2015, trong cuộc họp Đại hội đồng UNESCO lần thứ 38, 195 quốc gia thành viên UNESCO thông qua tên gọi UNESCO Global Geoparks( Công viên địa chất toàn cầu UNESCO).

Điều này cho thấy sự ghi nhận của các chính phủ về tầm quan trọng phải bảo tồn các khu vực địa chất một cách tổng thể.

Theo GNN, có 6 tiêu chuẩn cho công viên địa chất toàn cầu gồm:Quy mô và thiết lập; quản lý và sự tham gia của chính quyền địa phương;phát triển bền vững; giáo dục; bảo vệ và bảo tồn; hợp tác quốc tế.

Trong đó, sự tham gia của chính quyền địa phương được nhấn mạnh ở vai trò quản lý và hỗ trợ tài chính để hài hòa với các điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội và pháp luật ở địa phương.

Ngoài phát triển bền vững, tiêu chuẩn giáo dục thể hiện vai trò của công viên địa chất toàn cầu trong việc phổ biến kiến thức cho cộng đồng về địa lý, địa chất, môi trường và văn hóa với người dân địa phương.

 

Hiền Linh
 


.