Đại tá Vũ Quang - Đau đáu một niềm yêu

05:12, 20/12/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Ai đã có dịp đọc tập thơ “Ta nợ mùa đông” của đại tá Vũ Quang có lẽ sẽ cảm nhận đa chiều. Riêng tôi, đó là một tâm hồn thơ lãng mạn, giàu sức sáng tạo. Âm hưởng của tập thơ kể về những chuyện tình yêu nửa hư, nửa thực, tuổi học trò đầy mộng mơ và tình cảm đồng chí, đồng đội, quê hương, với bao nỗi niềm tâm sự...
 
 
 
Đại tá Vũ Quang sinh năm 1963 tại Phổ Quang (Đức Phổ). Anh đã có 31 năm  trong quân ngũ và hiện là Phó Chủ nhiệm chính trị, Bộ CHQS tỉnh. “Ta nợ mùa đông” là tập đầu tay của đại tá quân đội này. Tiếp đó, anh đã xuất bản 2 tập thơ “Em đã thấy gì trong mắt anh” (NXB Văn học) và “Thu về nơi ấy” (NXB Văn học).
Mở đầu tập thơ 228 trang, Vũ Quang viết tiếp: “Tôi không làm thơ/ Ngợi ca từng trang tình ái/ Mà ngàn đời ấp ủ bên lòng”... Sự suy tư, sâu lắng tinh tế đến như vậy, mà tác giả lại khiêm nhường cho rằng: “Tập sách là những dòng nhật ký... gần giống thơ thôi”(?).
 
Trong khi tâm trạng, cảm xúc của Vũ Quang rất đỗi dạt dào: “Chiều nhạt dần qua giấc ngủ mê/ Đường xa dáng nhỏ bước ai về/ Gió hờn nâng lá vàng rơi nhẹ/ Một thoáng buồn dâng sao tái tê” (Lặng – 1984). Sự suy tư, lãng mạn ấy lại có khi hiện hữu nơi thao trường huấn luyện: “Ngày tháng dần qua chẳng đợi chờ/ Anh tìm về lại buổi ban sơ/  Bàn tay tê lạnh vin nòng thép/ Buồn lẻn vào trong đêm ngủ mê” (Thay – 1986).

Từ cuộc sống quân ngũ, tiếng thơ Vũ Quang cất lên nhiều cung bậc tình cảm: “Trái tim yêu sẽ khổ rất nhiều/ Sẽ chảy nước mắt ngày chia tay đồng đội/ Sẽ lưu luyến khi mình về một lối/ Thấy bồi hồi vĩnh biệt người thân” (Tâm tư – 1988). Từ thực tiễn cuộc sống, thơ anh biểu hiện đa sắc, với bao hoài niệm và khát vọng: “Muôn sau tình nghĩa còn trong đời/ Biến thành cơn gió vượt trùng khơi/ Để vi vút mãi cùng năm tháng/ Dạt dào thác cuộn mãi không thôi” (Phân bua – 1987).
 
Từ tình cảm chứa chan, lại đa dạng về phong cách biểu hiện, Vũ Quang tỏ bày: “Chiều nay nghe sóng vỗ/ Nhớ em nhiều lắm thay/ Còn như in bàn tay/ Viết lên làn tóc rối/ Mi em hiền khép vội/ Lúc sóng ầm ào sôi” (Khi con sóng vỗ bờ - 1987).
 
Vì tha thiết một niềm yêu mà trong nhiều bài thơ của anh đã: “Tôi mến em thôi từ buổi nào/ Nổi lòng thi sỹ cứ xôn xao/ Sân ga sao vẫn đông người quá/ Chẳng để tôi nghe những ngọt ngào” (Chuyến tàu đêm).
 
Trước cái đôn hậu, giản dị cùng niềm thương, nỗi nhớ  quê hương, được diễn đạt với một tình cảm thiết tha, sâu lắng, chân thực: “Thương bàn chân mỏi chị tôi/ Cào don nơi cuối bãi bồi sông quê/ Chiều hôm bóng xế tái tê/ Bàn chân vẫn bước đi về nhói đau” (Ôi những bàn chân).
 
Vẫn từ trái tim, tâm hồn, tình cảm sâu nặng ấy, anh hồi tưởng: “ Năm giặc vào quê mình toàn khói lửa/ Con ngồi trong chiếc mẹt mẹ gánh đi/ Vượt sông Thoa, rồi Trà Câu, sông Vệ/ Chân mẹ mòn con nào có hay chi”.

Trong thơ anh, tình cảm gia đình, bạn bè, đồng chí chan hòa đằm thắm, nhưng vẫn xuất phát từ tình cảm quê hương, đất nước. Giữa cái quá khứ và hiện tại, cũng là để anh thêm yêu, thêm tin vào mình mà giãi bày, chia sẻ, phấn chấn và gửi gắm: “Mấy mươi năm lặng lẽ/ Con phiêu bạt sông hồ/ Mỗi khi mùa Đông tới/ Chạnh thương một nấm mồ!”.

Cảm hứng trọng tâm của nhà thơ là nặng nợ cuộc đời với đồng chí, đồng đội, cùng non sông gấm vóc! Mỗi câu, mỗi bài  anh viết đều hàm súc, cô đọng,  có sức lay động, lan tỏa bằng thanh âm, nhạc điệu hồn hậu; với ngôn ngữ dung dị, trong sáng, mang đầy đủ tính hình tượng, sự rung động và liên tưởng sâu xa.
 
Phẩm chất thơ ấy đậm nét những cảm xúc có hình khối đầy gợi cảm, giàu chất kỷ niệm, suy tư, bởi anh luôn nặng nợ ân tình... Mặc dù, cảm nhận của người viết chỉ là  góc nhìn nhỏ hẹp.


THÀNH ĐỊNH

 


.