Chuyện ghi ở bảo tàng

01:12, 04/12/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Rất đông người dân đến Bảo tàng Tổng hợp tỉnh tham quan trong dịp trưng bày hiện vật chiến tranh vừa mới sưu tầm và công bố tư liệu quý về Bác Hồ với Quảng Ngãi. Những kỷ vật thiêng liêng gắn liền với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và những câu chuyện kể khiến nhiều người cảm động.
 


TIN LIÊN QUAN

(Báo Quảng Ngãi)- Rất đông người dân đến Bảo tàng Tổng hợp tỉnh tham quan trong dịp trưng bày hiện vật chiến tranh vừa mới sưu tầm và công bố tư liệu quý về Bác Hồ với Quảng Ngãi. Những kỷ vật thiêng liêng gắn liền với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và những câu chuyện kể khiến nhiều người cảm động.
Trang nhất tờ báo Quyết Chiến, số 232, ra ngày 5.6.1946 đăng bức thư của Bác Hồ gửi Ban quản trị và anh em Trại Nhà nghèo tỉnh Quảng Ngãi.    

Bức thư của Hồ Chủ tịch

Khách đến tham quan khu trưng bày hiện vật chiến tranh dừng lại rất lâu trước một tờ báo đã úa màu theo thời gian. Đó chính là trang nhất của tờ báo Quyết Chiến, số 232, ra ngày 5.6.1946. Tôi cùng nhiều người gắng đọc từng tin, bài trên trang báo. Đã hơn 69 năm kể từ ngày tờ báo này xuất bản, vậy mà từng thông tin trên tờ báo vẫn cuốn hút người xem, khiến mọi người càng thêm trân trọng cái thuở gian khó nhưng đoàn kết một lòng đấu tranh giữ nước của dân tộc.

Điều đặc biệt là trang báo đăng toàn văn bức thư Hồ Chủ tịch gửi Ban quản trị và anh em Trại nhà nghèo tỉnh Quảng Ngãi. Tờ báo nêu rõ trong Trại nhà nghèo do Ban Cứu tế Quảng Ngãi tổ chức, đồng bào nghèo làm đủ các nghề: Dệt vải, dệt chiếu, nhuộm, may, thêu, làm tơi nón, thợ tre, thợ mộc… Với tiền để dành được và nghề làm ăn trong tay, anh em về quê quán và lập gia đình. Đồng chí Võ Nguyên Giáp có lần ghé thăm Trại nhà nghèo Quảng Ngãi, nhằm lúc anh em trong trại thêu bức ảnh Hồ Chủ tịch. Anh em nhờ đồng chí Võ Nguyên Giáp trao tặng Cụ Hồ bức ảnh. Hồ Chủ tịch đã nhận được và đã nghe đồng chí Võ Nguyên Giáp tường trình về việc tổ chức Trại nhà nghèo Quảng Ngãi.

Cảm động biết bao khi đọc từng lời trong bức thư của Bác. Người viết: “Tôi vừa tiếp được bức ảnh thêu và phong thư. Trước hết, tôi cảm ơn tấm lòng nhân ái của anh em đối với tôi. Hai là tôi phải khen rằng anh em thêu rất khéo. Bức thêu đó đã tỏ rằng: Thủ công nghệ của nước ta, mai sau chẳng những có thể tranh đua, mà lại có thể tranh giải nhất của thủ công nghệ trong thế giới. Ba là tôi mong anh em sẽ cho tôi biết cách tổ chức và đời sống của anh em trong trại. Bốn là tôi ước ao rằng: Nhờ sự cần kiệm của anh em, Trại nhà nghèo sẽ mau tiến tới thành Trại nhà khá, rồi dần dần thành Trại nhà giàu để làm kiểu mẫu cho anh em khác”. Bác của chúng ta là thế, lúc nào cũng gần gũi, thân thương, nhìn xa trông rộng và lúc nào cũng quan tâm đến đời sống của nhân dân, mong cho nhân dân có cuộc sống đủ đầy.    

Tâm tình người trong cuộc

Dịp này, đến Bảo tàng Tổng hợp tỉnh tôi gặp lại nữ cán bộ làm công tác nghiên cứu, sưu tầm mà trước đó đã để lại trong tôi ấn tượng tốt đẹp bởi sự nhiệt tình và tâm huyết với công tác sưu tầm hiện vật chiến tranh, đó là chị Tạ Thị Di Hà. “Đối với người làm công tác bảo tàng, không gì vui bằng khi sưu tầm được nhiều hiện vật quý và nhiều khách đến tham quan”, chị Hà trải lòng. Ít khi Bảo tàng Tổng hợp tính đón lượng khách đông như trong đợt tổng kết cuộc vận động hiến tặng kỷ vật chiến tranh. Đây là lần đầu tiên, Sở VH-TT&DL phát động cuộc vận động hiến tặng kỷ vật chiến tranh và chị Hà chính là chủ công trong việc tìm kiếm, sưu tầm hiện vật.

 Nhiều học sinh đến tham quan hình ảnh, hiện vật chiến tranh trưng bày tạo Bảo tàng tổng hợp tỉnh.                 Ảnh: H.Xuyên
Nhiều học sinh đến tham quan hình ảnh, hiện vật chiến tranh trưng bày tạo Bảo tàng tổng hợp tỉnh. Ảnh: H.Xuyên


Mỗi một hiện vật là câu chuyện cảm động về cuộc đời người chiến sĩ cộng sản, là sự kiện lịch sử ghi dấu sự kiên cường, bất khuất của quân và dân ta trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc. “Các cô, các chú xem đó là những kỷ vật quý giá của cuộc đời nên phải năn nỉ, có khi đến nhà rất nhiều lần, tâm tình, chia sẻ, phân tích thì các cô, các chú mới đồng ý hiến tặng”, chị Hà cho biết. Hôm tổ chức lễ trưng bày, những người lính năm xưa đứng bên hiện vật của mình và kể cho lớp trẻ nghe kỷ niệm một thời vào sinh ra tử. Chiếc áo bà ba đã sờn màu, chiếc mũ cối, lược, võng, bình đông, đôi tất, áo len và cuốn nhật ký… tất cả đều khiến người xem cảm động.

Từng là giáo viên dạy môn Lịch sử, chị Tạ Thị Di Hà mãi trăn trở một điều rằng, chỉ cần mỗi học sinh được tạo điều kiện đến tham quan bảo tàng dù chỉ một lần thôi cũng đủ để biết nhiều về văn hóa, lịch sử đáng tự hào của quê hương mình. Để làm được điều này rất cần sự vào cuộc tích cực của ngành giáo dục và nhiều cơ quan, đơn vị. Một bài giảng cứ nói thao thao bất tuyệt nhiều khi sẽ không đi vào lòng học sinh bằng cách để chính các em cảm nhận từ việc trực tiếp nhìn thấy những hiện vật lịch sử. Qua đây như một sự gợi mở đối với những người làm công tác bảo tàng trong việc đổi mới để thu hút khách, và đặt ra đối với các cơ quan chức năng là cùng bắt tay vào cuộc để giáo dục lịch sử địa phương cho thế hệ trẻ một cách tốt nhất.

Cơ duyên của kỷ vật


Trang nhất của tờ Quyết Chiến đến với Bảo tàng Tổng hợp tỉnh và người dân Quảng Ngãi như một cơ duyên. Anh Lê Hồng Khánh - Quyền Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh kể, khi nghiên cứu biên soạn cuốn Lịch sử Báo chí tỉnh Quảng Ngãi, Hội Nhà báo tỉnh có được tư liệu do Nhà báo Dương Phước Thu-Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo tỉnh Thừa Thiên Huế cung cấp nói về bức thư của Hồ Chủ tịch gửi cho anh em Trại nhà nghèo tỉnh Quảng Ngãi. Theo lời của Nhà báo Dương Phước Thu, trong quá trình nghiên cứu tư liệu để biên soạn cuốn Lịch sử báo chí Thừa Thiên Huế, anh cùng đồng nghiệp đã may mắn tìm thấy tờ Quyết Chiến, cơ quan ủng hộ chính quyền nhân dân cách mệnh, tiếng nói của Đảng bộ Việt Minh Thuận Hóa và tỉnh Thừa Thiên, đây là tờ nhật báo đầu tiên xuất bản ở Huế sau Cách mạng Tháng Tám. Anh Lê Hồng Khánh phấn khởi nói: “Đây là tư liệu quý, theo nghiên cứu của chúng tôi thì đây là bức thư đầu tiên Bác Hồ gửi cho đồng bào tỉnh Quảng Ngãi”.

 

Bài, ảnh: PHƯƠNG LÝ


   


.