Xuân Phước, người cười mỉm

02:11, 28/11/2015
.

*Thanh Thảo


(Baoquangngai.vn)- Xuân Phước là cái tên không hề xa lạ với giới văn nghệ Quảng Ngãi. Anh xuất thân làm… thơ, với bút hiệu Nguyễn Huyền Thạch. Tôi cứ nhớ một bài thơ ngắn chỉ 6 câu của anh, nó hội đủ cái duyên và nụ cười mỉm đặc biệt của anh:


                         NGÃ TƯ ĐƯỜNG VÀ MỘT NGƯỜI LOẠN SẮC

                    “Anh dừng lại khi mọi người dừng lại
                    Anh xông lên khi tất cả ào lên
                    Có một lần không thấy ai chung quanh
                    Giữa trưa nắng, đèn xanh, anh đứng mãi
                    Thật may mắn, ở tuyến đường ngược lại
                    Một gã say, đèn đỏ, phóng vèo qua”


Hú vía! Một người trên cả cẩn thận, trên cả khiêm nhường như Xuân Phước không chỉ biết nhường nhịn, mà còn nhường hẳn…đường, kể cả khi đèn xanh thuộc về mình, khiến ai thấy cũng… bật cười. Vậy mà trong cuộc sống, có khi lại… được. Nếu cứ theo qui luật, đèn xanh nhào lên, thì… dính rồi: “Một gã say, đèn đỏ, phóng vèo qua”. Những gã say này là có thật trong cuộc đời, trong giao thông, nhất là ở thị xã (sau này lên thành phố) Quảng Ngãi. Thôi thì trăm nẻo, cứ… nhường đường là hơn.

Xuân Phước hài hước như thế, với nụ cười mỉm chi như thế, người phương Tây gọi là humour. Cái này khó hơn pha trò hay tiếu lâm rất nhiều, và phải là những người đủ “trình” mới thể hiện được. Xuân Phước ngoài đời trông hơi lúi xùi, hơi… bình dân, nhưng ít ai biết, đó là người đã uẩn súc cho mình một kiến thức khá rộng và sâu về nhiều lĩnh vực.

Nói tới tiếng Anh, Xuân Phước là người giỏi tiếng Anh từ khi Quảng Ngãi chưa hội nhập. Khi đó, với những khách du lịch nước ngoài ít ỏi tới Quảng Ngãi, họ đều biết khách sạn Kim Thành hay quán cơm Việt Nam là “trụ sở” của “hướng dẫn viên” Xuân Phước. Anh sẵn sàng đưa khách du lịch đi thăm thú nhiều nơi trong Quảng Ngãi, nói tiếng Anh với du khách vừa để giao tiếp, vừa để trao dồi môn ngoại ngữ này mà anh tưởng đã bỏ quên từ sau ngày giải phóng. Đó là cách học tiếng Anh hiệu quả nhất, chưa kể đưa khách du lịch như thế, còn có đồng ra đồng vào, chí ít cũng vài có ba chai bia Sài Gòn… lót dạ.

Nói tới Hán Nôm, thì Xuân Phước là người từng học Hán Nôm ở Đại học Sài Gòn trước giải phóng. Nhớ có lần, lâu lắm rồi, hồi Quảng Ngãi chưa tách tỉnh, tôi đã gặp Xuân Phước trong một đêm ăn nhậu bình dân ở quán cháo gà Nhung, chỗ nhà Thông Hàng đường Quang Trung.

Hôm đó, có lẽ là lần đầu tiên, Xuân Phước tâm sự về nghiệp học Hán Nôm của mình, nhưng anh vẫn hài hước là gặp bút nào thì viết bút ấy, chẳng phân biệt bút lông hay bút… bi. Cứ vui vui, cứ thoải mái mà humour trong cuộc đời, Xuân Phước đã có những tạp bút, tạp văn và cả những bài thơ mà bản thân tôi khi đọc rất thú vị và rất phục. Hồi trước, thấy trên báo có Lê Thị Liên Hoan (sau đổi tên là Lê Hoàng) hay viết tiểu phẩm hài, đọc cũng được. Nhưng xin lỗi đạo diễn Lê Hoàng, tôi vẫn thích tiểu phẩm hay tạp bút của “con cá bống sông Trà” Xuân Phước hơn. Tạp bút của Xuân Phước thâm trầm, kín đáo, hay có những cú nhả chữ bất ngờ, khiến người đọc thâm thấm mà cười, chầm chậm mà vui.

Nhớ khi tôi làm ở Hội văn nghệ Quảng Ngãi, có ra tạp chí Sông Trà, tôi đã tha thiết mời Xuân Phước cứ mỗi số tạp chí viết cho một bài tạp văn hay tạp bút. Sông Trà tạp chí ra hai tháng một kỳ, và đều như vắt chanh, Xuân Phước đệ lên những tạp bút khiến bạn đọc rất thích thú. Một người có khiếu hài hước và thâm nho như nhà văn hóa Vũ Ngọc Liễn, khi đọc tạp bút Xuân Phước in trên Sông Trà cũng gật gù khen, và cứ nói với tôi làm sao duy trì được những chuyên mục nhỏ nhưng… có võ này.

Một tạp chí phải có nhiều chuyên mục, và không thể nói chuyên mục nào lớn hơn chuyên mục nào. Cứ hay là người ta thích đọc. Đã hay lại vui thì người ta còn thích đọc hơn. Bây giờ trên tay bạn là một… tập sách, in lại những tạp văn tạp bút tiểu phẩm và cả… thơ của Xuân Phước.

Anh vĩnh biệt chúng ta đã gần tròn năm, nhưng những gì anh viết, dù nhỏ như… con cá bống sông Trà, vẫn còn lại. Nhiều bài viết trong tập sách này còn chứng tỏ Xuân Phước là một nhà văn hóa, dù danh xưng này có vẻ hơi bệ vệ so với hình dong nhỏ nhẻ của anh. Nhưng đúng là Xuân Phước đã có những bài viết về Quảng Ngãi với tầm một nhà văn hóa.

Dù anh vẫn không bỏ được cái humour đã trở thành đặc chất của mình. Nó là cái duyên của văn anh. Những bài viết của Xuân Phước đều in ở những tập san hay tạp chí nhỏ, cỡ Sông Trà. Với lượng bạn đọc không lớn. Nhưng chả sao cả! Cứ hay là người ta đọc, cứ vui là người ta nhớ. Hay và vui, đó là những bài viết nho nhỏ của Xuân Phước. Nhiều khi, nó còn thủ thỉ với ta về chính quê hương mình, mà vì nhiều lý do, mình chưa tường tỏ. Những người viết tạp văn như thế, ngày càng hiếm ở nước ta. Tiếc là Xuân Phước đã “rời cuộc chơi” quá sớm, trong khi bút lực của anh còn rất dồi dào.

Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc tập sách rất thú vị này của nhà thơ và nhà tạp văn Xuân Phước. Hội Văn nghệ Quảng Ngãi và bạn bè của Xuân Phước đã góp tay làm nên tập sách này, mà khi còn sống, Xuân Phước cũng chả bao giờ nghĩ những tiểu phẩm của mình có ngày sẽ in ra sách.               
                                                        


.