"Thời gian" - Những cung bậc cảm xúc trong tập thơ Nguyễn Ngọc Trạch

12:11, 30/11/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Tôi đọc liền mạch gần 40 bài thơ trong tập thơ “Thời gian” của nhà thơ Nguyễn Ngọc Trạch, Nhà xuất bản Hội Nhà văn Việt Nam cấp phép vào tháng 7.2015 được trình bày trang nhã. Những dòng cảm xúc về kỷ niệm cũ của anh để lại trên nhiều miền đất lạ quen, đồng thời những trải nghiệm của cuộc đời như dòng chảy quá khứ bỗng chốc hiện về trước mặt.
 


Thơ và đời đã quyện chặt trong tâm thức người đàn ông từng trải này, niềm thương nỗi theo thời gian được thể hiện qua từng câu chữ của tập thơ. Trong tập thơ Thời gian đã hiển hiện hình ảnh: “Ngày lên đường mẹ dặn khắc ghi/ Con cố gắng lên cho bằng em bằng chị/ Đạn bom quân thù gian nan quyết chí/ Mong ngày về không giấu nổi ước ao...” (Ngày về thành phố).

Một thời chiến tranh khói lửa ngút trời, chia cắt hai miền đất nước. Bố anh tập kết ra Bắc, mẹ anh hy sinh tuổi thanh xuân và lặn lội thân cò nuôi anh khôn lớn: “Đất nước chia đôi bao ngày xa vắng/ người thân yêu biền biệt ra đi/ bỏ lại dòng sông đang độ xanh thì/ tuổi đôi mươi một thời con gái...” (Mẹ). Hình bóng mẹ anh cũng giống như nhiều Bà mẹ Việt Nam Anh hùng khác, là khúc tráng ca mang hào khí cách mạng đến bây giờ khi nhắc lại anh rơm rớm nước mắt. Khó có thể kể hết những khó khăn gian khổ ở vùng căn cứ và những trận đối đầu giữa ta và địch… Có giây phút tĩnh lặng anh thầm ước ao có một ngày trở về giải phóng quê hương: “Chiến tranh khói lửa ngút trời/ bao người ra trận một đời xông pha/ ngày chia tay nhớ khúc ca/ hẹn ngày thống nhất nở hoa anh về...” (Mái trường kháng chiến vùng Đông). Dòng thời gian cứ như thế cuộn chảy qua thơ Nguyễn Ngọc Trạch, nó không gượng ép hay lên gân khi ta đọc một số bài thơ theo chủ đề hồi ức chiến tranh.

Quê anh ở Tịnh Kỳ, Sơn Tịnh (nay thuộc thành phố Quảng Ngãi), nhà anh ở bên dòng sông Kinh thơ mộng và trước mặt là Biển Đông xanh biếc. Có lẽ thời niên thiếu anh đã từng bơi lặn, tắm mình nghịch ngợm với trò chơi con trẻ trên bờ sông quê hay bờ biển này. Vị mặn nồng, hương ngai ngái đặc trưng của vùng biển đã thấm vào con người anh, tình yêu sông biển được thể hiện trong một số tác phẩm khảo luận, truyện ngắn, bút ký và thể hiện đậm đặc nhất là trong thơ. Ta có thể bắt gặp hình ảnh đầy chất thơ: “Dòng sông giận ai mà lặng lẽ/ nước triều lên cao sao chẳng thấy vỗ bờ/ cánh cò chiều mỏi cánh ngẩn ngơ/ con thuyền về đâu mái chèo hối hả...” (Trả lại dòng sông). Biển cũng hợp tan giao hòa trong mắt anh, những thay đổi của khí hậu thời tiết, hình như biển cũng lặng yên ồn ào, buồn vui hờn giận theo mùa: “Thuyền đi ngàn trùng bến bờ xa ngái/ Bão tố phong ba rồi cũng ra đi/ Thầm lặng sẻ chia nghiêng ngả sá chi/ Biển lặng trời trong trăng tà xế bóng...” (Hương thầm).

Anh còn là nhà báo nên có nhiều cơ hội đi về các huyện trong tỉnh và các vùng miền của đất nước. Anh rung động trước cảnh đẹp của quê hương và con người nơi anh đặt chân đến: Hà Nội, Tây Nguyên, Côn Đảo, Mộc Châu, Mẫu Sơn… mà bài thơ tiêu biểu “Ghi ở dọc đường” đã nói lên tất cả như một ghi chép qua thơ làm bạn đọc thú vị. Trong tập thơ còn có một số bài về đề tài chủ quyền biển đảo: “Hoàng Sa, Trường Sa đâu chỉ áo cơm.../ Mảnh đất thiêng chủ quyền Tổ quốc/ Biển mặn mòi như từng khúc ruột/ Máu ngàn đời trong huyết quản cha ông...” (Dấu chân trên đảo Hoàng Sa). Phong tục tập quán vùng biển như: “Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa” hay tiếng ốc u rờn rợn loang trên mặt biển, hằn in gương mặt ngư dân Lý Sơn đêm ngày bám biển: “Tiếng ốc u/ chiêu hồn người đi mở cõi/ gợi lại cánh buồm nâu, tiếng mái chèo đạp sóng trùng khơi/ dấu chân in mòn trên cát...” (Tiếng ốc u), đoạn thơ này khi đọc lên chúng ta thấy lòng mình quặn thắt và càng yêu thêm Tổ quốc mình hơn!

Thật thiếu sót nếu không đề cập đến khoảng trời riêng của tác giả, sự trải nghiệm đã làm thơ anh đi vào chiều sâu trong tình yêu hơn chứ không hời hợt dễ dãi: “Dẫu em có dấu mình lẩn quất/ đất trời tạo hóa cứ vần xoay/ dẫu níu kéo dùng dằng lỡ hẹn/ xuân đi xuân đến hạn quay về...” (Giấc mơ xuân).  

“Chuyện cũ ngày ấy bây giờ” được tác giả Nguyễn Ngọc Trạch thể hiện với những cung bậc cảm xúc chân thật và đáng yêu trong tập thơ Thời gian. Nguồn năng lượng dồi dào của anh vẫn cuồn cuộn tuôn chảy dù biết rằng “thời gian” khó có thể quay về nơi xuất phát, kỷ niệm cũ, nó chỉ hiện diện trong ký ức thơ: “Thời gian có làm ai trẻ lại/ Đâu rồi những ngày xa ngái...” (Thời gian)? Một câu hỏi dễ trong câu trả lời khó!      
 

HỒ NGHĨA PHƯƠNG
 


.