Nhà thơ Hồ Nghĩa Phương với "Đối diện tôi"

01:11, 17/11/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- “Đối diện tôi” là tập thơ thứ ba của Hồ Nghĩa Phương, sau 2 tập thơ Nhật ký thời gian (2008) và Dấu chân (2011). Mỗi tập thơ đều đánh dấu một chặng đường khác nhau. “Đối diện tôi” thể hiện tình cảm tha thiết với dòng sông quê hương, chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc và những vùng đất -nơi nhà thơ đã đặt chân tới.

Hồ Nghĩa Phương (tên thật là Hồ Văn Minh) sinh ra và lớn lên bên dòng sông Vệ (Tư Nghĩa). Chính dòng sông ấy đã để lại bao kỷ niệm trong cuộc đời ông. Vì thế, dòng sông quê hương luôn hiện diện trong các tác phẩm của nhà thơ. “Đối diện tôi”- nhà thơ thể hiện sự "cô đơn", khi phải ngồi đối diện với chính bản thân để nhìn nhận về mình, về xã hội, về những mảnh đất - nơi ông đặt chân đến: “Tôi ngồi đối diện chính tôi/ cà phê nhỏ giọt mà côi cút tình/ bóng tôi in giữa bóng mình/ mà nay lạc bước với tình ta thôi/ đối diện tôi chính là tôi...”.

Nhà thơ Hồ Nghĩa Phương. Tập thơ “Đối diện tôi”.
Nhà thơ Hồ Nghĩa Phương.                                                 Tập thơ “Đối diện tôi”.


Thơ Hồ Nghĩa Phương rất gần gũi với đời thường. Ông dùng những ngôn từ đơn giản, mộc mạc, chân chất giống như chính con người ông, giúp người đọc, người yêu thơ dễ dàng cảm nhận hồn thơ. Đặc biệt, trong thơ Hồ Nghĩa Phương không có bi lụy, không có sự tan vỡ, không có cuộc chia ly nào, mà ở đó chỉ có tình yêu đôi lứa, tình yêu quê hương, đất nước, biển đảo Việt Nam; yêu những vùng đất mới  mà ông được đặt chân tới. Chính vì thế, mở đầu tập thơ, Hồ Nghĩa Phương đã đem đến cho người đọc một không khí vui nhộn, một niềm tin và hy vọng với: “Viết cho ngày đẹp nhất”- Ngày mà 100 năm mới có một lần: 12.12.2012. Rồi người đọc lại nhanh chóng tìm về với “Hà Nội trong tôi” viết về thời kỳ bao cấp: “Có những điều về Hà Nội xưa/ thời bao cấp - chiến tranh/ leng keng chuông xe đạp/ còi báo động, mũ rơm, hầm trú ẩn…”. Bên cạnh những cái cũ, xưa thì vẫn có những gam màu sáng “...Có những điều nói về Hà Nội hôm nay/ quá khứ vụt qua/ tương lai trước mặt/ Hà Nội mãi là trái tim hồng!”.

Qua trải nghiệm về cuộc đời, ông may mắn có dịp đặt chân đến nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Trong một chuyến đi Tiên Phước (Quảng Nam), nhà thơ có dịp được đến vùng Đá Giăng. Đá Giăng tạo nên những hình thù kỳ dị mà nhà thơ đã tưởng tượng nên những nàng tiên nữ và cho ra đời bài “Hóa thân đá”. Đây là bài thơ mang tính chất hình tượng, đậm chất thơ: “Thánh thiện Apsara/ mang lời ca/ mê hoặc Gandharva/ Đá giăng nắng chan hòa/ Ngây ngất trời tháng ba/ nụ cười em hiện ra/ Lò Thung nơi anh qua…/ bờ sông Tiên vàng lá”.

Ông đã vận dụng cái cảm xúc của mình để thể hiện góc nhìn về những vùng đất, con người đã chìm trong quá khứ, những lễ hội của người dân nơi đây. Đó là “Lễ hội Ka Tê”: “Lễ hội mê ly chàng/ mắt nàng vũ nữ đắm/ Panduranga lúng liếng chiều/ Rừng nghiêng đất trời/ Vũ trụ cuồng say”.

Khám phá những vùng đất mới trong thơ ca, song Hồ Nghĩa Phương vẫn không quên dành tình cảm của mình cho quê hương, đất nước với “Tháng ba Lý Sơn”, “Quê mình Quảng Ngãi”, “Bình lặng Vệ giang”... Hình ảnh người mẹ cũng luôn hiện diện trong thơ ông. Nhà thơ khắc khoải không quên những kỷ niệm về người mẹ chịu thương, chịu khó, tần tảo sớm hôm để nuôi các con nên người: “Hai ba tháng mười đến rồi!/ “Ông than, bà trách…” chuyện đời trần gian/ Dù cho bão lũ bẽ bàng/ Kiếm ăn mẹ chịu đò giang sá gì?”. Để rồi nỗi nhớ nhung về người mẹ đã làm bao người xúc động qua tiếng “Bìm bịp kêu chiều”. Ông luôn khắc khoải những lời mẹ dặn để rồi những lúc “lạc đường” được nghe tiếng bìm bịp kêu giúp ông thức tỉnh: “Dòng sông xưa mẹ yêu thương/ bìm bịp kêu lạc con đường con qua/ lặng lờ trong đục riêng ta/ tiếng chim vẳng lại biết là hồn quê”.

“Đối diện tôi” là tập thơ gồm 60 bài thơ tâm đắc được chắc lọc từ trên 200 bài thơ của ông trong suốt năm năm qua. Qua tập thơ, Hồ Nghĩa Phương muốn chia sẻ về những cảm xúc của mình qua các đề tài để bạn đọc thêm hiểu và yêu thơ ông. Đối với ông được đi đến những vùng đất mới và sáng tác với cả niềm đam mê là hạnh phúc lớn lao. Trong thời gian tới, ông sẽ tiếp tục cho ra đời tạp văn gồm có bút ký, tản văn, lời giới thiệu cho một số tập thơ của “bạn thơ”.

Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG
 


.