Cất vó ngày mưa

01:11, 16/11/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Mùa mưa lại về trên mảnh đất miền Trung khắc nghiệt. Những cơn mưa như chứa chất bao nỗi niềm nên cứ dầm dề ngày này qua ngày khác. Nhìn ra xa, màu bàng bạc của màn mưa như bao phủ đất trời. Sông suối, ruộng đồng nước ngập tràn trắng xóa. Vậy là lũ lại về. Người dân quê tôi lại oằn mình gánh lũ. Những lúc thế này, lòng lại nhớ chiếc vó bè của mùa lũ của năm xưa.

Để có chiếc vó bè kiếm con tôm, con cá vào mùa nước lũ, cha tôi phải chuẩn bị từ những ngày tháng tám. Ông dạo ra vườn, chọn bụi tre ưng ý rồi đốn hạ. Những cây tre được ông tập kết ra bờ sông tại một địa điểm quen thuộc. Cái này, thuộc về “con mắt nhà nghề” của những người chuyên cất vó bè nên việc chọn  địa điểm đóng vó cực kỳ quan trọng. Hai cây tre to nhất được đóng thành hai chiếc trụ vững chãi.

Cất vó.                         Ảnh: NV
Cất vó. Ảnh: NV


 Một chiếc cầu tre được bắc từ bờ ra. Đầu bên này, một chiếc chòi nhỏ được dựng lên đủ chỗ cho vài ba người ngồi, xung quanh được che bằng rơm để trụ lại trước những cơn mưa phùn gió bấc. Phía hai trụ tre nhô cao quá ngực là một thanh sắt xuyên ngang làm điểm tựa cho chiếc cần vó vươn ra sông. Làm sao cho cần vó có thể nâng lên hạ xuống theo nguyên tắc đòn bẩy. Phía đầu ngoài cần vó, bốn cây tre nhỏ được bắt chéo hình chữ thập. Một khung lưới được mắc ở bốn đầu cây tre tạo nên hình một chiếc võng lưới hình vuông mỗi cạnh dài từ hai đến ba mét. Ở đầu bên này, cha tôi cột vào vài hòn đá tảng để tạo lực mỗi khi cất vó. Vậy là chiếc vó bè đã được thành hình, cha tôi chỉ chực chờ con nước để mà canh vó.

Những cơn mưa đầu mùa đã về. Lòng sông cạn trơ đáy của những ngày tháng tám giờ nước đã ngập tràn trắng xóa, cuồn cuộn chảy về phía hạ lưu mang theo phù sa và tôm cá. Đây là thời điểm thích hợp để cha con tôi khăn gói quả mướp ra chòi cất vó. “Hành trang” mang theo ngoài chiếc đó đựng cá được đan bằng tre là một ít củi, một vài chiếc nồi, vài ba lon gạo. Hành tiêu, mắm muối mỗi thứ một ít. Bấy nhiêu đó là cha con tôi có thể trụ ngoài vó bè cả ngày cả đêm mà không lo bị đói.

Tôi còn nhớ như in cái cảm giác hồi hộp phập phồng khi mỗi lần cất vó. Khi chiếc vó vừa buông xuống nước, cha tôi mắt đăm chiêu theo dõi từng động tĩnh. Ông không cất vó theo chu kỳ mà lắng nghe từng động tĩnh dưới lòng vó. Cái này thuộc về “năng lực nghề nghiệp” của ông mà tôi không thể nào hiểu nổi. Có lúc năm bảy phút ông cất vó một lần. Có lúc vừa đặt xuống vài ba phút là ông đã cất. Khi chiếc vó được cất lên, những con diếc dãy trắng lóa, những con rô vàng ươm hoặc những chú tôm càng búng lách tách khiến trái tim bé thơ của tôi như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực. Tôi nhanh tay dùng vợt cho cá vào đó rồi dầm xuống nước để đảm bảo cá lúc nào cũng tươi sống.

Tôi không thể nào quên cái giây phút ngồi trong chiếc chòi nhỏ, bên bếp lửa hồng nồi cơm đang chín tới. Bắt vài con tràu nhỏ, vài con rô xiên qua chiếc que tre rồi hơ trên bếp. Ngoài kia, gió rít từng cơn và mưa như vãi nước. Vậy mà trong gian chòi nhỏ, bên chiếc vó bè, mùi cá nướng quyện với mùi cơm vừa chín tới nghe ấm cúng lạ thường. Cá nướng dầm với mắm gừng, vừa đưa cơm, vừa xuýt xoa vì cay, vì nóng. Bao cái đói, cái lạnh khi dầm mưa cất vó như bay biến đi đâu.
       

NHO VŨ
 


.