Thêm góc nhìn mới về chiến tranh

01:10, 14/10/2015
.

Điện ảnh Quân đội vừa giới thiệu bộ phim đề tài hậu chiến “Người trở về” dựa theo truyện ngắn “Người về bến sông Châu” của nhà văn Sương Nguyệt Minh.

 

Văn học Việt Nam những năm gần đây, khi mọi cuộc chiến đủ độ lùi, đã không còn né tránh vấn đề hậu chiến mà ở đó người lính trở về phải tiếp tục sống xứng đáng với quá khứ hào hùng trong đời thường, trong thời bình.

Trong dòng chảy ấy, một trong nhiều truyện ngắn giàu tính nhân văn thuộc dòng văn học phản ánh chiến tranh của nhà văn Sương Nguyệt Minh “Người về bến sông Châu” lọt vào tầm ngắm của các nhà làm phim quân đội.

Nắm bắt được chất nhân văn của tác phẩm văn học, nữ đạo diễn Đặng Thái Huyền đã đưa “Người về bến sông Châu” thành  tác phẩm điện ảnh.

Đây cũng là dự án được đầu tư quy mô lớn của Điện ảnh Quân đội (khoảng 10 tỉ đồng), khởi quay từ cuối tháng 11/2014 và công chiếu dịp kỉ niệm 70 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9.

“Người trở về” quy tụ  dàn diễn viên: Lã Thanh Huyền, NSND Như Quỳnh, NSƯT Dũng Nhi, Cường Việt, Trương Minh Quốc Thái, Tiến Lộc, Thu Thủy, Thiện Tùng...

Nội dung phim nói về cuộc đời của nữ quân nhân Mây (diễn viên Lã Thanh Huyền đóng), từ chiến trường trở về quê hương đúng ngày người yêu đi lấy vợ và mẹ qua đời.

Chuyện bắt đầu bằng đám cưới của San. Oái oăm sao đúng lúc ấy, Mây, người yêu của San (đã được báo tử), từ chiến trường bất ngờ trở về.

Từ đấy, bao nhiêu điều oái oăm đã xảy ra trong cái làng nhỏ nơi họ sống. Quá khứ và hiện tại đồng hiện, làm rõ câu chuyện tình rất đẹp của đôi trai gái năm xưa, nay thành bi kịch, buộc từng con người tìm cách hóa giải những nỗi niềm.

Câu chuyện tình yêu với bao nhiêu quan hệ ở cái làng nhỏ mà văn hóa tập tục thói quen tạo thêm sự oái oăm cho con người được gắn kết, nhắc nhớ một thời kì lịch sử - cuộc kháng chiến chống Mỹ…

Các nhà làm phim đã tạo một kịch bản dồn nén các xung đột tới cực điểm. Đó là cho Mây, người lính vừa trở về, là người đau khổ nhất… vượt thói thường đời người, bất chấp dư luận và những điều tiếng ở làng quê..., giữa đêm mưa gió đến đỡ đẻ cho Thanh, vợ của San.

Đồng tác giả kịch bản là một lợi thế không nhỏ để đạo diễn Đặng Thái Huyền hoàn thành xuất sắc vai trò của mình. Việc chọn diễn viên, phục trang, chọn cảnh và những khuôn hình thể hiện đến kết hợp âm thanh và âm nhạc, đạo diễn Đặng Thái Huyền đã có được một bộ phim rất thành công, chân thực và cảm động, lôi cuốn khán giả từ đầu đến thước phim cuối cùng.

Phim không né tránh cái thấp hèn vẫn có trong cuộc đời và tất cả những điều ấy đều được dùng với một liều lượng đủ thuyết phục được khán giả tin vào một câu chuyện “như thật” đã xảy ra.

Đây là một điểm rất đáng chú ý, bởi có những bộ phim đầu tư nhiều tiền mà vẫn thất bại khi dựng lại sự thật mà không thật do gượng gạo, do cố gắng thi vị hóa cuộc sống không đúng chỗ…

Cách làm phim của Đặng Thái Huyền thủ pháp không mới, thậm chí kinh điển, tiết chế rất chặt chẽ tinh tế nhiều cảnh quay nhưng vẫn tạo ra những thước phim gây cảm xúc lớn cho khán giả.

“Người trở về” mở đầu là đám cưới với bao tâm trạng trên sông Châu và kết lại vẫn là con sông Châu lặng buồn trôi một con đò cô đơn trong đầy sương khói. Nhưng Mây không còn trở về đơn độc. Nếu như khán giả lặng đi khi tiếng gọi đò của Mây ở mở phim, thì khán giả lại bàng hoàng, ứa nước mắt, lúc tiếng gọi Mây rẽ sương khói vang lên trong kết phim. Tình yêu của cô, sự cống hiến không tiếc xương máu thời chiến cuộc, sự đấu tranh cuối cùng, gay go khó khăn vô cùng để vượt qua thói thường, giành giật sự sống cho hai sinh linh, đã làm người xem lau đi nước mắt và cầu mong cho cô sẽ hạnh phúc.

Những trường đoạn và cách xử lí như thế ở Đặng Thái Huyền, trong và khi kết một câu chuyện tình, gắn với cuộc chiến và bao hy sinh mất mát, là sự tích hợp rất nhuần nhuyễn ngôn ngữ điện ảnh, tạo ra đầy đủ nội hàm - nghệ thuật và nội dung tư tưởng - cho những thước phim, mà lan truyền cảm xúc rất mạnh cho người xem.

Một bộ phim phản ánh đúng sự khốc liệt của cuộc chiến vừa khắc họa rất sắc nét chân dung những người lính đã một thời hết lòng vì Tổ quốc, nay vẫn giữ được phẩm chất tốt đẹp trong cuộc sống hậu chiến dẫu cả khi oái oăm ngang trái. Phim đã không bi kịch hóa cuộc sống dù nêu ra nhiều khía cạnh của thân phận con người.

Từ hiện thực được tái hiện, “Người trở về” làm cho ta thêm trân trọng những hy sinh lớn lao của người lính, thêm trân quý giá trị của hòa bình.
 

Theo Nguyễn Văn Thọ (Chinhphu.vn)
 


.