Khơi gợi niềm đam mê thơ, văn

04:10, 30/10/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Văn học là nền móng trong việc hình thành, rèn luyện nhân cách, thái độ cư xử và nhận thức tương lai của thế hệ trẻ. Trong những năm gần đây, sự bùng nổ của công nghệ thông tin đã làm ảnh hưởng đến văn hóa đọc của thế hệ trẻ. Tuy nhiên, văn học vẫn khẳng định được vai trò của mình trong xã hội hiện nay.

Văn học là vĩnh viễn của cuộc sống

Văn hóa đọc sách chính là công cụ giáo dục đời sống nội tâm, tình cảm của con người thông qua các tình tiết trong tác phẩm. Người đọc sẽ hòa vào cảm xúc của nhà thơ và số phận của từng nhân vật trong những tác phẩm văn xuôi. “Chính thơ văn đem đến cho con người những tri thức muôn màu của cuộc sống, đặc biệt là diễn biến tâm lý, rạch ròi giữa cái tốt, cái xấu theo quan điểm văn học là nhân học", em Đào Thị Kim Liên, sinh viên năm 4, Khoa Sư phạm xã hội, ngành Ngữ văn, Trường ĐH Phạm Văn Đồng, cho biết.

Cần phát triển văn hóa đọc trong trường học.
Cần phát triển văn hóa đọc trong trường học.


Thực tế, văn học là tổng hòa tất cả các khoa học. Cho nên người ta nói đọc “Tấn trò đời” của Balzac hơn đọc một nghìn cuốn lịch sử; hay tác phẩm “Chiến tranh và hòa bình” của Lev Tolstoy không phải là sách quân sự, nhưng các vị tướng học rất nhiều điều về vấn đề quân sự trong đó. Chính văn học đã cung cấp tri thức cho thế hệ trẻ rất nhiều, nhất là sự giáo dục mỹ cảm, đời sống nội tâm của con người. Trong đó, giáo dục thẩm mỹ, rung động thẩm mỹ chỉ có ở văn học nghệ thuật.

Từ nửa đầu thế kỷ XX về trước, khi văn hóa nghe nhìn chưa ra đời, chưa bùng nổ thì văn hóa đọc trở thành công cụ mang đến cho người đọc nhiều điều bổ ích. Thời buổi kinh tế lúc bấy giờ rất khó khăn, nhưng nhiều người vẫn “bóp bụng” để mua sách về đọc. Các nhà văn, nhà thơ lúc bấy giờ thu nhập không cao, nhưng vẫn say sưa sáng tác để đem đến cho đời những tác phẩm có chất lượng. Tiến sĩ Mai Bá Ấn- Chi hội trưởng Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Quảng Ngãi, nhớ lại: “Thời bao cấp, đồng lương dạy học của tôi không đáng là bao, nhưng mỗi khi hiệu sách ở cạnh trường có những cuốn sách hay mới về là tôi lại nói chị chủ hiệu sách để dành lại. Mỗi khi nhận lương là tôi lại dành tiền mua những cuốn sách đó về đọc”.
 

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhấn mạnh: "...đẩy mạnh việc tuyên truyền văn học nghệ thuật, tạo điều kiện cho văn nghệ sĩ sáng tạo tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao nhằm nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần, góp phần phát triển kinh tế, xã hội..."

Ngày nay, sự bùng nổ của công nghệ thông tin đã lấn át văn hóa đọc. Văn hóa đọc mạng lấn át văn hóa đọc sách. Tuy nhiên, thực tế văn hóa nghe, nhìn, đọc trên mạng chỉ phù hợp với thông tin nhanh, tin tức bề mặt của cuộc sống chứ không đi vào tâm hồn, cảm xúc của người đọc như văn hóa đọc sách.

Được biết, Câu lạc bộ thơ trẻ của tỉnh đã thành lập Ban Chủ nhiệm từ đầu năm 2014, nhưng đến nay vẫn chưa có hội viên. Điều đó cho thấy, thế hệ trẻ, kể cả sinh viên Khoa Ngữ văn cũng không mấy mặn mà với việc nghiên cứu, sáng tác. Ông Mai Bá Ấn, trăn trở: “Ngày xưa, mỗi người đi học văn luôn có ước mơ có tác phẩm được đăng báo. Vì vậy, các học sinh, sinh viên lúc bấy giờ luôn tham gia các buổi giao lưu và sáng tác những tác phẩm thơ văn gửi cho các báo, tạp chí. Thế nhưng, giới trẻ hiện nay hầu như không còn khát vọng như chúng tôi ngày ấy”.

Nguyên nhân sâu xa là do các em bị phân tán vào quá nhiều thứ. Đặc biệt, với sự bùng nổ của công nghệ thông tin, sự phát triển mạnh của các trang mạng xã hội đã làm cho các em xa rời văn học. Điều đáng lo ngại hiện nay là, các trang mạng xã hội đã tạo nên sự “vô cảm”, thờ ơ của giới trẻ.

Cần "cú huých" cho văn học nghệ thuật tỉnh nhà

 Tiến sĩ Mai Bá Ấn, nói: “Các trường THPT cần thành lập các câu lạc bộ văn học và mời các nhà văn, nhà thơ về giao lưu với các em học sinh nhằm khơi gợi trong các em niềm đam mê, từ đó góp phần giáo dục truyền thống, mỹ cảm cho các em”. Việc thiếu đi ngọn lửa đam mê đã khiến cho ngày càng ít học sinh chọn theo học khoa học xã hội. Chỉ những em thật sự đam mê hoặc không có khả năng đối với lĩnh vực khoa học tự nhiên mới chọn học.

Còn với các nhà văn, nhà thơ cũng gặp nhiều "cái khó". Ông Lê Văn Sơn- Chủ tịch Hội Văn học- Nghệ thuật tỉnh, cho biết: Các tỉnh, thành khác đều có giải thưởng văn học nghệ thuật cấp tỉnh. Riêng tỉnh ta, trong những năm qua, các hội viên đã có nhiều đóng góp trong việc sáng tác, quảng bá tác phẩm. Nhiều tác phẩm đạt giải ở cấp khu vực và quốc gia. Từ đầu năm 2015 đến nay, hội đã có 5 hội viên có tác phẩm đạt giải cấp khu vực và toàn quốc, nhưng ở cấp tỉnh thì chưa có giải văn học nghệ thuật. “Nếu giải thưởng văn học nghệ thuật tỉnh được hình thành sẽ tạo động lực để các nhà văn, nhà thơ sáng tác nhiều tác phẩm có chất lượng...”, ông Sơn, khẳng định.
 

Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG
 


.