Giữ hồn văn hóa cho dân tộc mình

06:09, 29/09/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Bao nhiêu mùa rẫy đã đi qua, cuộc sống người dân vùng cao dần thay da đổi thịt. Nhưng với lòng tự hào và tự tôn dân tộc, đồng bào người Cor ở miền núi Quảng Ngãi còn lưu giữ những nét văn hóa truyền thống đặc trưng của dân tộc mình. Có điều này một phần nhờ  công sức của những người “giữ lửa”.

TIN LIÊN QUAN

“Địa chỉ đỏ”

Từ đầu xã Trà Thủy (Trà Bồng), hỏi ông Hồ Ngọc An ở thôn 2 thì ai cũng biết. Ngôi nhà của ông An nằm xen lẫn giữa những nếp nhà san sát của đồng bào người Cor nơi lưng chừng núi. Dáng người rắn chắc, khỏe mạnh, vồn vã khi đón khách, ông An cười bảo: “Ngôi nhà nhỏ này là nơi tiếp biết bao nhiêu đoàn khách nước ngoài từ Mỹ, Nhật, Anh, Pháp... và các nhà nghiên cứu trong nước đến tìm hiểu về đời sống văn hóa người Cor”. Quả thật, từ lâu thôn 2, xã Trà Thủy, mà nổi bật là gia đình ông Hồ Ngọc An như “địa chỉ đỏ” của nhiều đoàn khách trong và ngoài nước.

 Già Hồ Ngọc Hoàng, Hồ Ngọc Thuận và ông Hồ Ngọc An (từ trái qua phải) là những người “giữ lửa” bảo tồn văn hóa người Cor.
Già Hồ Ngọc Hoàng, Hồ Ngọc Thuận và ông Hồ Ngọc An (từ trái qua phải) là những người “giữ lửa” bảo tồn văn hóa người Cor.


Ông An kể, rất vui và tự hào khi gia đình đảm nhận trọng trách tổ chức nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc Cor như biểu diễn nhạc cụ dân tộc; tổ chức các lễ hội truyền thống như: Ngã rạ, hiến trâu, rước hồn lúa; các cuộc thi điêu khắc trên Gubla, lavan, đấu chiêng... Và những dịp lễ hội ấy được nhiều cấp ban ngành đến nghiên cứu điền dã, áp dụng vào các đề tài nghiên cứu khoa học.

Có thể nói, gia đình ông An là nơi hội tụ tinh hoa truyền thống của đồng bào người Cor. Các thành viên trong gia đình từ già đến trẻ đều là những nghệ nhân cồng chiêng, độc tấu các loại nhạc cụ, biểu diễn các làn điệu dân ca dân tộc. Năm nay đã bước sang tuổi 97, già Hồ Ngọc Hoàng là cha của ông An, đã có công gìn giữ 3 bộ cồng chiêng quý có tuổi đời hàng trăm năm tuổi. Ngoài ra, cùng với các loại nhạc cụ như cồng chiêng, đàn  brook… ông An vẫn còn lưu giữ 6 bộ trang sức nam truyền thống như xà bol, cà dọp và 10 bộ trang sức nữ truyền thống gồm yếm, váy nữ, cườm đầu, cườm đeo tay, bông tai... Đây là những hiện vật có giá trị to lớn, ý nghĩa và quý hiếm trong đời sống văn hóa của người Cor mà hiếm nơi nào có được.
 

“Trong khi những di sản văn hóa của người Cor đang bị mai một thì điều đáng quý là gia đình ông Hồ Ngọc An, một gia đình người Cor tiêu biểu với ý thức về văn hóa dân tộc mình đã nỗ lực không ngừng trong việc cố gắng gìn giữ và trao truyền những giá trị văn hóa của dân tộc cho thế hệ trẻ”, Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ - Giám đốc Sở VH-TT&DL.

Đến Trà Thủy không thể không nhắc đến già làng Hồ Văn Thuận. Năm nay ông đã 93 tuổi, là anh trai con người bác ruột của ông An. Già Thuận được xem như là “thủ lĩnh” tinh thần của làng. Ông đã góp công gìn giữ những tập quán, phong tục của người Cor. Mọi lễ hội trong làng đều do già Thuận xem xét ngày giờ tổ chức. Dù cuộc sống lao động vất vả cỡ nào, già Thuận vẫn nguyện lưu giữ lại 10 bộ cồng chiêng quý, giá trị đến nỗi mà cách đây hơn chục năm từng có người muốn đổi 1 bộ bằng 6 con trâu, nhưng ông nhất mực từ chối.

Mang văn hóa Cor đi khắp muôn nơi

“Tự hào thay, từ những bộ cồng chiêng trong gia đình, mình dạy lại các làn điệu cho các con. Muốn gương mẫu giữ gìn thì phải xây dựng từ trong chính gia đình mình làm nòng cốt rồi lan tỏa ra khắp các bản làng”, ông An khẳng khái nói.

Trong mỗi dịp lễ cúng, ông An đều mang những bộ cồng chiêng quý ra chỉ dạy các con tận tình cách sử dụng nhạc cụ truyền thống của đồng bào mình. Từ “người thầy” trong gia đình, không qua trường lớp đào tạo nào cả mà ông An trở thành “người của công chúng”, được ngành văn hóa địa phương cử đi dạy khắp các thôn trong xã.

Nhờ công đóng góp của ông An, đội văn nghệ xã Trà Thủy là nhân tố nòng cốt của huyện Trà Bồng, từng đoạt Huy chương vàng Hội diễn văn nghệ quần chúng cấp tỉnh, đi biểu diễn khắp nơi trong nước. Ông An cho hay, cách đây bốn năm, ba thế hệ trong gia đình ông cùng tham dự ngày hội Làng văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam tại Hà Nội. Thời gian qua đi, nhưng niềm tự hào về văn hóa dân tộc của các thế hệ trong gia đình ông An vẫn vẹn nguyên trong từng suy nghĩ, lời nói và hành động. Đó chính là động lực để những người “giữ lửa” mãi hăng say với trách nhiệm không ai giao phó mà bản thân luôn nôn nóng muốn làm: “Bảo tồn văn hóa người Cor”.

Bài, ảnh: BẢO HÒA


 


.