Thú chơi đá cảnh nghệ thuật

03:08, 10/08/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đam mê với thú chơi đá cảnh nghệ thuật, ông Đặng Thế Lai ở thị trấn Chợ Chùa (Nghĩa Hành) đã sưu tầm hàng loạt  tác phẩm đá cảnh có giá trị cao, đem lại nhiều cảm xúc cho người thưởng ngoạn.

Chỉ tình cờ “bén duyên” với đá ngót chục năm nay, nhưng ông Đặng Thế Lai đang sở hữu bộ sưu tầm đá đáng nể, dù ông vốn là người có thâm niên sưu tầm cây cảnh từ 30 năm trước.     

Hữu duyên với đá

Ông Lai kể, là người chơi cây cảnh nên anh em trong Hội sinh vật cảnh thường rủ nhau đi sưu tầm cây để bổ sung cho vườn cây của mỗi người. Nhưng cách đây hơn 12 năm, khi cùng với mấy anh em trong hội lên núi (xã Long Sơn, Minh Long) tìm cây cảnh, tôi lại bén duyên với…đá. “Khi gặp cây sanh ưng ý bên dòng suối ở lưng chừng núi, tôi khấp khởi mừng. Không ngờ khi đào gốc lên thì cây sanh đổ nhào xuống vực va vào một tảng đá làm cho cây bị trầy tróc... rất đáng thương. “Giận đá” định dùng xà beng “chém đá” cho bõ tức thì nhận ra tảng đá có hình thù rất đẹp. Nó giống như một cánh buồm bơi trên dòng sông trăng, nên tôi đem nó về trưng bày ở nhà mình để thưởng ngoạn. Nào ngờ, càng nhìn lâu càng thấy được vẻ đẹp huyền bí, thâm sâu của đá. Thế là từ đó tôi đem lòng say mê đá, rồi xao lãng dần thú chơi cây cảnh để dồn hết tâm huyết cho “tình yêu mới”: Đá cảnh nghệ thuật”, ông Lai cười đắc ý.

 

 Đá cảnh của ông Đặng Thế Lai trưng bày tại Festival Nông nghiệp và Làng nghề miền Trung năm 2015 tại Quảng Ngãi.
Đá cảnh của ông Đặng Thế Lai trưng bày tại Festival Nông nghiệp và Làng nghề miền Trung năm 2015 tại Quảng Ngãi.



Thế rồi niềm đam mê đã thôi thúc ông Lai tìm tòi đọc sách báo viết về đá cảnh để biết sâu rộng hơn về lĩnh vực này. Còn những khi rảnh ông lại một mình lặn lội đến các bãi đá ven sông khắp nơi trong tỉnh tìm đá. Và cứ thế, bộ sưu tập đá cảnh của ông ngày một dày thêm. Qua nhiều năm dày công sưu tầm, hiện tại ông Lai đang sở hữu và trưng bày tại nhà riêng của mình hơn 200 tác phẩm đá cảnh nghệ thuật với nhiều chất liệu đá và nhiều chủ đề khác nhau. Trong đó có nhiều tác phẩm có giá trị cao như:  “Sông trăng”, “Vịnh Hạ Long”, “Song Hạt”, “Bà cháu”, “ Ngày trở về”, hay bộ sưu tập đá cảnh đầy đủ về 12 con giáp và bộ Tứ linh: Long-Lân-Quy-Phụng... được nhiều người  thưởng ngoạn ưa thích.

Nghề chơi cũng lắm công phu

Đối với nghệ thuật chơi đá cảnh, ngoài kiến thức về đá, cần phải có trí tưởng tượng phong phú, biết hòa đồng với thiên nhiên mới có khả năng phát hiện thấy những “kiệt tác” ẩn trong muôn hình vạn trạng của những viên sỏi đá bình thường có ở nhiều nơi. Ngoài ra, người chơi còn cần phải có sức khỏe, cộng với lòng nhẫn nại, kiên trì chịu khó đi sưu tầm tìm đá cảnh ở những nơi hẻo lánh xa xôi mới có được tác phẩm giá trị. Ông Lai là người như vậy.

Hơn chục năm qua, người đàn ông này đã dày công đi sưu tầm đá cảnh ở những bãi đá nơi thượng nguồn của các dòng sông thuộc các huyện miền núi Quảng Ngãi như Minh Long, Sơn Hà, Ba Tơ, Trà Bồng... Lúc đầu, chưa có bạn đồng môn nên nhiều năm liền ông Lai “một mình, một ngựa” đi sưu tầm đá cảnh. Với chiếc ba lô trên vai mang theo đồ nghề và thức ăn, nước uống, ông cưỡi chiếc xe máy cà tàng đi đến các bãi đá ven sông rồi lang thang dạo tìm đá cảnh khắp nơi. Sau này có một số bạn yêu thích đá cảnh ở Nghĩa Hành cùng đi nên cuộc chơi ngày càng vui thú hơn.

Ông Lai chia sẻ, khi chọn được đá cảnh, nguyên tắc cơ bản của nghệ thuật chơi đá cảnh là con người không được tác động vào để cải sửa, thêm bớt theo ý riêng của mình làm cho biến dạng mà phải bảo đảm tính nguyên bản tự nhiên của nó.

Nắm vững điều này nên khi đưa đá về nhà, ông Lai cẩn thận cọ rửa sạch sẽ để đá lộ ra hết vẻ đẹp của nó rồi ngẫm nghĩ, tìm tòi phát hiện ra chủ đề đặt tên cho tác phẩm. Có thể nói, người chơi đá cảnh giống như là “nhà điêu khắc tự nhiên” mà nội dung tác phẩm của mình vốn đã có sẵn trong thế giới tự nhiên muôn thuở, chỉ cần tác giả có thiên nhãn phát hiện ra giá  trị của nó là được.

Thuở ban đầu, ở Nghĩa Hành chỉ có một mình ông Lai đam mê đá cảnh. Nhưng đến nay, huyện đã thành lập được Câu lạc bộ đá cảnh với 8 hội viên. Qua giao lưu với những người yêu thích đá cảnh nghệ thuật, tác phẩm của hội viên Câu lạc bộ đá cảnh Nghĩa Hành được người chơi đá cảnh ở trong và ngoài tỉnh đánh giá cao. Nguồn thu nhập từ việc giao lưu, trao đổi bán đá cảnh cũng đã đem lại phần thưởng đáng kể về vật chất và tinh thần cho những người chơi đá cảnh ở Nghĩa Hành. Đó là nguồn động viên để các hội viên Câu lạc bộ đá cảnh Nghĩa Hành tiếp tục phát triển môn nghệ thuật này đạt tới mức cao hơn.


Bài, ảnh: NGUYỄN KHÂM

 


.