Giữ lấy bản sắc dân tộc

09:08, 21/08/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Xót xa, tiếc nuối vì thế hệ trẻ thờ ơ đối với các loại hình nghệ thuật mang đậm bản sắc văn hóa người Hrê, thì sự chậm vào cuộc của các cấp chính quyền đã khiến những nghệ nhân già ở huyện miền núi Minh Long buồn lòng…

TIN LIÊN QUAN

Anh Đinh Văn Mây, cán bộ Phòng Văn hóa thông tin huyện Minh Long bật mí: “Huyện mình có một già hát ru, K’lêu, K’choi mê hoặc lòng người. Bà được ví như “kho” chứa những bài hát ru, K’lêu, K’choi đặc trưng của dân tộc Hrê mình đấy”, tôi bán tín bán nghi. Bởi một người đặc biệt thế, nhưng lâu nay chưa bao giờ thấy bà trình diễn ở các dịp liên hoan, lễ hội.

Ông Đinh Văn Trui (bên trái) trao đổi việc đánh chiêng với anh Đinh Văn Mây.
Ông Đinh Văn Trui (bên trái) trao đổi việc đánh chiêng với anh Đinh Văn Mây.


Thắc mắc thế, nhưng tôi vẫn theo chân anh Mây đến nhà nghệ nhân có tên Đinh Thị Ý, thôn Ngã Lăng, xã Long Mai. Vừa đến đầu ngõ, chúng tôi đã nghe giọng hát vô cùng ngọt ngào và ấm áp vang lên: “Ngủ ngủ đi con, bà ôm bà thương/ Ngủ ngủ đi con, để mẹ đi làm/ Ngoan ngoan đi con/ Bà yêu bà thương…”. Rồi “Ta đi lên/Chúng ta bên nhau Việt – Lào – Khơ me anh em/ Cùng chung dòng sông Mê Kông đắp xây hòa bình/ Với truyền thống diệt ngoại xâm/ Bên nhau đánh Mỹ/ Sát vai cùng nhau đấu tranh/ Ta nguyện đồng tâm gìn giữ núi sông/ Chung xây hòa bình/ Giữ gìn đất nước chúng ta/ Sắc tươi dưới trời tự do”…

Bà hát mãi, hết bài này đến bài kia khiến tôi không dám gõ cửa vì sợ cắt đứt mạch cảm xúc ấy. Vậy nhưng anh Mây bảo “có người ghé thăm bà càng thích”. Quả đúng vậy. Gặp chúng tôi, bà cười rồi lại tiếp tục hát. Mãi đến khi thấy đám trẻ con ngồi xung quanh nói chuyện ồn ào, còn tôi đưa máy ảnh bấm “tách tách” thì bà mới sực nhớ là nhà có khách. “Mình quen miệng rồi. Không ngủ là hát. Hát chứ không là quên hết cội nguồn tổ tiên”, bà phân trần.

Dường như trong giọng nói của bà có sự xót xa, tiếc nuối. Thế nên khi tôi đề cập đến chuyện “sao không dạy hát cho ai đó” thì bà Đinh Thị Ý thở dài, bảo: “Đàn bà, con gái ở đây giờ chỉ thích hát trên tivi thôi (hát karaoke-PV) chứ đâu ai thích mấy bài Hrê này làm gì. Mình hát để “rủ” đám nhỏ đến chơi; hoặc hát ru con, ru cháu ngủ thôi!”.

Còn bà Đinh Thị Đê ở thôn Côn Loan, xã Thanh An, người duy nhất còn biết chơi và chế tác đàn B’roát, B’row ở huyện Minh Long cũng khắc khoải với nỗi niềm “đàn chẳng ai nghe”. Bà Đê bảo rằng, chỉ hơn 10 năm trước, tiếng đàn B’roat, B’row thường vang lên mỗi khi màn đêm buông xuống – lúc mọi người trong thôn tụ tập vui chơi sau một ngày lên rẫy mệt mỏi. “Lúc đó thích lắm! Đàn hoài, đàn suốt đêm mà chẳng mỏi tay, buồn ngủ gì hết”, bà Đê nhớ lại.

 Nhưng đó chỉ là ký ức. Vì giờ đây, tiếng đàn đã chẳng còn cơ hội vang lên những điệu du dương, trầm bổng mà thay vào đó là sự chiếm lĩnh của các dòng nhạc thị trường. “Trước kia, đàn B’roát, B’row được xem là linh hồn của người Hrê mình. Vậy mà bây giờ chẳng ai nhớ nó hết. Đến nỗi lễ hội, văn nghệ cũng không ai nhờ mình đàn nữa”, bà Đê trải lòng.


May mắn hơn hát ru, đàn B’roat, B’row là tiếng chiêng vẫn còn được nhiều người nhớ đến. Nhưng nói như ông Đinh Văn Trui ở thôn Gò Rộc, xã Thanh An thì “Đội mình chỉ đánh chiêng khi nào cán bộ văn hóa nhờ thôi. Chứ bình thường có ai hỏi đến đâu. Giờ bà con mình sắm karaoke nhiều lắm. Họ thích hát nó hơn”. Có lẽ vì sự đổi ngôi ấy nên dù nặng lòng với chiêng, những người như ông Trui cũng không còn hứng thú để “rèn tay nghề”.
 

 

Bà Đinh Thị Ý hát ru cháu.
Bà Đinh Thị Ý hát ru cháu.

Mang tâm trạng này chia sẻ với cán bộ Phòng văn hóa thông tin huyện Minh Long Đinh Văn Mây thì anh Mây bảo rằng, bây giờ những người biết hát ru như bà Ý, đánh và chế tác đàn như bà Đê, chơi chiêng hay như ông Trui là không nhiều. Điều đáng tiếc là dù họ đã lớn tuổi, nhưng lại không có “hậu duệ”. Một phần vì không có người học, phần cũng chẳng có cơ hội để học. “Ngay như mình đây, muốn học đánh chiêng lắm nhưng đâu được. Bởi chiêng đánh theo đội. Mà một đội chiêng tối thiểu phải có 3 người để đảm nhận chiêng bố, mẹ và con (nếu thêm người đánh Pa Tao càng tốt). Vì thế nên huy động đội chiêng biểu diễn đã khó, huống chi dạy”, anh Mây chia sẻ.

Cũng theo anh Mây thì huyện Minh Long đã có kế hoạch thực hiện Đề án “Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020” theo Quyết định 1270/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Có điều, trước khi kế hoạch này đi vào cuộc sống, những người đam mê các loại hình nghệ thuật của đồng bào Hrê như bà Ý, bà Đê, ông Trui cần lắm sự sẻ chia và hỗ trợ từ phía chính quyền để họ có động lực tiếp tục nuôi dưỡng niềm đam mê và lưu truyền các loại hình nghệ thuật mang đậm bản sắc dân tộc.
 
Bài, ảnh: MỸ HOA

 

.